Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu thông báo về các chuyến thăm của lãnh đạo nhà nước và quan chức cấp cao tới Trung Quốc vào nửa đầu tháng Tư. (Nguồn: Shutter stock) |
Ngày 31/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra thông cáo cho biết, Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa sẽ công du Trung Quốc cuối tuần này. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một Ngoại trưởng Nhật Bản kể từ tháng 12/2019.
Theo bộ trên, chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 1-2/4 sẽ bao gồm các cuộc đối thoại giữa ông Hayashi và người đồng cấp chủ nhà Tần Cương.
Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh căng thẳng trong những năm gần đây, với việc Nhật Bản quan ngại về sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, vào tháng 11/2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm tại Bangkok và cam kết duy trì tiếp xúc cấp cao
Trong khi đó, tờ Handelsblatt của Đức số ra ngày 30/3 dẫn các nguồn tin cho biết, Ngoại trưởng nước này Annalena Baerbock sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào giữa tháng 4 tới.
Theo nguồn tin, bà Baerbock sẽ tới Bắc Kinh một vài ngày sau lễ Phục sinh, được tổ chức vào ngày 9/4. Sau chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Đức sẽ tới Nhật Bản để tham dự cuộc họp cùng những người đồng cấp Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), dự kiến diễn ra ngày 16/4.
Hồi tháng 8/2022, trong chuyến công du Mỹ, bà Baerbock thông báo rằng, Đức sẽ công bố một chiến lược mới về các mối quan hệ với Trung Quốc trong năm 2023.
Một trong những mục tiêu của chiến lược này là làm hài hòa hơn nữa lập trường xuyên Đại Tây Dương liên quan đến những "thách thức" mà Trung Quốc đặt ra đối với "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Trong ngày 31/3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch nước này Tập Cận Bình.
Trước đó, Pháp đã công bố kế hoạch cho chuyến đi của Tổng thống Emmanuel Macron tới Bắc Kinh vào ngày 4/4. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sẽ đi cùng ông Macron trong chuyến công du này.
Ngoài ra, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cũng có thể dừng chân ở Bắc Kinh để có những "đối thoại chiến lược" với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trước khi tới Nhật Bản dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 vào ngày 16/4.
Theo truyền thông Trung Quốc, việc nhiều lãnh đạo châu Âu sẵn sàng thăm Bắc Kinh được xem là động thái quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy vai trò của cường quốc châu Á này trong tiến trình hòa bình tại Ukraine.
Giám đốc Khoa Nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc Cui Hongjian cho rằng: "Các nước châu Âu biết Bắc Kinh không chỉ có khả năng mà còn thể hiện thiện chí đưa ra đề xuất hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Họ muốn bày tỏ quan điểm của châu Âu về vấn đề này".
| Tin thế giới 29/3: Nguyên nhân Ukraine bám trụ Bakhmut; Nga dồn quân và tên lửa đạn đạo; Trung Quốc phát tín hiệu không vui Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, quan hệ Nga-Mỹ về Hiệp ước New START, quan hệ Mỹ-Trung Quốc liên quan vấn đề Đài Loan, lý do ... |
| Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023: Đoàn kết và hợp tác vì phát triển trong thách thức Sau thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19 và phải tổ chức dưới hình thức trực tuyến, Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) ... |
| Ngoại trưởng Iran thăm Nga: Phản ứng về ý tưởng của Trung Quốc giải quyết xung đột ở Ukraine, khẳng định lập trường với Mỹ Ngày 29/3, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã có một cuộc họp báo chung sau hội đàm nhân ... |
| Giữa trùng điệp trừng phạt, Nga thành công khi quay 180 độ, khéo ‘uốn’ dòng chảy thương mại sang Trung Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu (Kỳ cuối) Các biện pháp trừng phạt được phương Tây thiết kế để cắt Nga khỏi thị trường lớn nhất ở châu Âu và giảm doanh thu ... |
| Ngoại trưởng Mỹ chuẩn bị dự Hội nghị của NATO, sẽ cố tìm cách ngăn Nga làm việc này Ngày 30/3, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Ngoại trưởng nước này Antony Blinken có kế hoạch tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức ... |