Theo một nghiên cứu mới đây của trung tâm nghiên cứu ASEAN, viện ISEAS, Singapore, chưa đến 30% người ASEAN được hỏi đặt niềm tin vào Trung Quốc và Mỹ với những gì họ cam kết tại khu vực. Số liệu trên được các chuyên gia ASEAN chia sẻ trong một hội thảo gần đây tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia, chính sự cạnh tranh nước lớn mà cụ thể là cạnh tranh Trung – Mỹ đang đặt ra không ít thách thức đối với sự phát triển của ASEAN.
Cạnh tranh nước lớn
Theo các chuyên gia, chính trị an ninh là một trụ cột quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của Hiệp hội. ASEAN đã có vai trò trung tâm trong khu vực, điều đó không thể phủ nhận được, tuy nhiên, vai trò đó đang gặp thách thức khi bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài. Nếu như trước đây là hai cực Liên Xô – Mỹ thì nay là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc mà “nóng” nhất là cuộc chiến tranh thương mại, sẽ phần nào tác động tới ASEAN và vai trò trung tâm của Hiệp hội.
ASEAN đang gặp phải không ít thách thức từ bên ngoài. (Nguồn: ASEAN) |
Nếu như nhìn vào những cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), các cơ chế ASEAN + 1, ASEAN+3, ADMM+,… , các cơ chế này cũng đang gặp phải thách thức trong các hồ sơ như vành đai, con đường hay Biển Đông. Trước nhiều thách thức, ASEAN trên một số hồ sơ đã bọc lộ sự chia rẽ, kể cả giữa các nước thành viên nội khối với nhau, từ đó làm suy giảm bản sắc của Hiệp hội và vai trò trung tâm của ASEAN - một số chuyên gia đánh giá. Nếu mọi chuyện đi theo hướng tiêu cực, vai trò trung tâm của ASEAN có thể bị lu mờ bởi các cường quốc.
Tuy nhiên, ASEAN chịu tác động từ nước lớn một thực tế khó tránh. Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu ASEAN, viện ISEAS, Singapore, có 45,4% người được hỏi cho rằng Trung Quốc là cường quốc sẽ thay đổi trật tự khu vực, tác động kinh tế lên ASEAN và đưa ASEAN nằm trong môi trường ảnh hưởng của mình. Nhưng, nếu hỏi về niềm tin dành cho Trung Quốc, chỉ 19,6% người được hỏi cho rằng Trung Quốc sẽ làm đúng, sẽ giữ lời hứa để đóng vai trò vào hòa bình và an ninh khu vực. Đối với Mỹ, khi uy tín toàn cầu của Mỹ cũng có sự suy giảm, chỉ có khoảng 26,9% người được hỏi tin rằng Mỹ sẽ có vai trò lớn tại khu vực, đảm bảo hòa bình và an ninh. Rõ ràng, trên những cơ sở đó, ASEAN phải tăng cường sức bền và nội lực của mình, duy trì sự độc lập tự cường, mở rộng quan hệ với liên minh châu Âu (EU) và tăng cường các cơ chế trong khu vực. Một số diễn giả nêu ý kiến có thể EU sẽ giúp ASEAN cân bằng hơn quan hệ với các nước lớn.
Điều gì tạo nên “sức đề kháng”
Nếu nhìn ở mặt khác của đồng xu, theo các chuyên gia, lạc quan mà nói, có lẽ môi trường an ninh của ASEAN hiện nay tốt hơn rất nhiều so với môi trường an ninh của ASEAN trước đây. Các nước ASEAN cùng đi trên cùng một “con thuyền”, cùng là những “người anh em”.
Chuyện các nước lớn tác động vào ASEAN cũng không phải là mới, nhưng bây giờ, thế của ASEAN so với các nước đã khác rất nhiều. Mỹ coi trọng ASEAN, Trung Quốc cũng vậy, không phải ngẫu nhiên cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lại diễn ra ở các nước thành viên ASEAN. Đối với Biển Đông, với thái độ tích cực của mình, ASEAN cũng có thể đóng góp được rất nhiều vào hòa bình, ổn định trên Biển Đông, ủng hộ luật Biển và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông (COC). Khả năng phát huy vai trò dẫn dắt của ASEAN là rất lớn. Nhìn chung, có thể khẳng định, hiện tại, cơ hội đối với ASEAN nhiều hơn thách thức.
Việc xây dựng một bản sắc ASEAN đang trở thành một chìa khóa quan trọng. (Nguồn: ASEAN) |
Không những vậy, một bản sắc ASEAN cũng đang giúp ASEAN tạo ra được “sức đề kháng” trước sóng gió cho riêng mình. Một ASEAN đoàn kết, thống nhất, khơi dậy được “cảm giác” cộng đồng trong người dân là chìa khóa để ASEAN vượt qua được thách thức.
Khi mức độ hội nhập khu vực ngày càng sâu sắc, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước càng chặt chẽ thì bản sắc ASEAN càng có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định những giá trị chung, những chuẩn mực chung của Cộng đồng.
Như đã nêu trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, mục tiêu hàng đầu của các nước ASEAN là xây dựng một Cộng đồng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất giữa các nước thành viên. Bản sắc ASEAN chính là để hiện thực hóa mục tiêu đó, tạo ra chất keo gắn kết lâu dài giữa người dân các nước thành viên.
Các chuyên gia cho rằng, bản sắc ASEAN và đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN trở thành hai nhiệm vụ thiết yếu đối với Cộng đồng, cần có sự tham gia tích cực của tất cả các nước thành viên, và cần được thực hiện tốt ở cả cấp độ khu vực giữa các Chính phủ và cấp độ quốc gia giữa các bộ, ngành, địa phương của từng nước thành viên. Đó cũng là những nhiệm vụ đặt ra cho các nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN, làm sao để khởi xướng, dẫn dắt được các biện pháp hiệu quả để ASEAN ngày càng gắn kết trong một bản sắc chung và ngày càng tự cường với khả năng thích ứng cao trong một thế giới nhiều biến động.
Ông Peter Girke, Trưởng đại diện văn phòng quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) đưa ra minh chứng của EU để khẳng định việc xây dựng một bản sắc về cộng đồng trong ASEAN như trong EU là vô cùng cần thiết. “Chúng tôi có cảm xúc thuộc về, thuộc về một nơi lớn hơn quốc gia, dân tộc, mọi người được kết nối trong cộng đồng đó. Hiện nay, châu Âu đang đối mặt với Brexit, chủ nghĩa dân túy nhưng mà bản sắc EU vẫn rất quan trọng, đảm bảo sự tồn tại của EU. Chúng tôi cần sự tham gia của người dân, cần họ tham gia nhiều hơn và khơi dậy cảm giác bản sắc chung trong EU”, ông Peter Girke chia sẻ.