📞

Người đàn bà trong xã hội An Nam

22:16 | 16/08/2015
Phong trào đòi nam nữ bình quyền trên thế giới xuất phát từ Pháp với Cách mạng 1789. Từ đó, các cuộc đấu tranh nổ ra khi nơi này, lúc nơi khác. Phong trào đã đạt được những kết quả toàn vẹn lần đầu tiên ở các nước Bắc Âu vào cuối thế kỷ XX. Thí dụ như ở Đan Mạch, nam nữ hoàn toàn bình đẳng, không những do pháp luật và biện pháp cụ thể của nhà nước, mà cả ở trong phong tục tập quán và tâm lý xã hội.
Ảnh minh họa.

Nhưng lại nảy sinh ra một vấn đề mới: Phải chăng mục tiêu nam nữ bình quyền là biến nữ thành nam, đàn bà phải chăng chỉ mong được giống đàn ông hoàn toàn? Nếu quả như vậy thì ý nghĩa cuộc sống và hương vị cuộc đời thật tẻ nhạt! Vậy phụ nữ phải có một bản sắc khác nam giới, bản sắc đó là gì? (ý kiến của chị H.V. Holst, người Đan Mạch).

Có điều lạ là ý kiến trên, rất hiện đại, phát biểu vào đầu thiên niên kỷ thứ ba lại có phần trùng hợp với ý kiến của một trí thức “An Nam”, ông Đặng Phúc Thông, cách đây tám chục năm, khi Việt Nam thời Pháp thuộc bị gọi là An Nam: “Tại sao phụ nữ hiện đại lại muốn bước từ trên đài cao xuống, nơi mà các dân tộc dựng lên để tôn sùng họ, sao họ bước xuống để tự ném mình trong cuộc bon chen? Ảnh hưởng của phụ nữ sẽ kém dần khi cuộc sống của họ ra ngoài xã hội. Đối với chúng ta, người đàn bà sẽ còn tượng trưng được cái gì khi đã mất bản chất thực của mình? Chúng ta muốn tìm thấy ở phụ nữ không phải là bóng dáng mờ nhạt của đàn ông chúng ta, mà phải là một sinh vật có một bản chất khác, có một cảm xúc cao hơn, chiếu sáng cho cuộc đời chúng ta, tư duy chúng ta và hành động của chúng ta.”

Nữ nhà văn Pháp Simone de Beauvoir từng đưa ra những luận điểm nổi tiếng về bản sắc phụ nữ trong tác phẩm Giới thứ hai. Hai ý kiến trên tuy rất khác nhau, nhưng cũng cùng theo hướng đó, cùng đặt vấn đề bản sắc phụ nữ đích thực là gì?

Đặng Phúc Thông (1906-1951) đã viết công trình nghiên cứu tiếng Pháp Người đàn bà trong xã hội An Nam. Ông thuộc tầng lớp trí thức đại học đầu tiên của ta được đào tạo ở Pháp. Ông tốt nghiệp xuất sắc tại trường Mỏ và trường quốc gia Cầu Đường. Ở Pháp về, ông làm chuyên môn về Mỏ và hỏa xa. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông không nhận làm Bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim mà chỉ nhận làm chuyên môn. Ông tham gia Cách mạng tháng Tám ngay từ những ngày đầu. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông bị kẹt ở Hà Nội, mãi mấy tháng sau ông và gia đình mới lên chiến khu Việt Bắc. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm và giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng: Thứ trưởng Bộ Công chính, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công chính, sau khi ông được bầu làm đại biểu Quốc hội đầu tiên tại Việt Nam và tham gia đàm phán Pháp - Việt ở Fontainebleau. Ông ốm nặng, mất năm 45 tuổi.

Hữu Ngọc