Mới đây, do mức độ ô nhiễm không khí tăng cao kỷ lục, tỉnh Punjab của Pakistan đã cấm hầu hết các hoạt động ngoài trời, đồng thời yêu cầu các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại ở một số khu vực đóng cửa sớm cho đến ngày 17/11. Trong ảnh: Mọi người đi làm trong bầu không khí ô nhiễm ở Peshawar, Pakistan, ngày 11/11. (Nguồn: Reuters) |
Lệnh cấm được đưa ra sau khi các địa phương Lahore, Multan, Faisalabad và Gujranwala ghi nhận sự gia tăng chưa từng có của các ca bệnh liên quan đến hô hấp, kích ứng mắt, họng và bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, lệnh cấm này lại loại trừ “các nghi lễ tôn giáo không thể tránh khỏi”. Trong ảnh: Sương mù ô nhiễm dày đặc tại Peshawar. (Nguồn: Reuters) |
Tổ chức IQAir của Thụy Sỹ xếp hạng Lahore, thành phố lớn thứ hai Pakistan, có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trong nhiều ngày liên tiếp. Làn khói bụi dày đặc khiến nhiều người bị cay mắt và bỏng họng. Trong ảnh: Đường phố ở Multan mờ mịt do ô nhiễm không khí. (Nguồn: Reuters) |
Lahore là nơi sinh sống của 14 triệu người, thường xuyên được xếp hạng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đã đạt mức kỷ lục trong tháng này. (Nguồn: Reuters) |
Theo thang đo Chỉ số chất lượng không khí (AQI) quốc tế, giá trị chỉ số từ 300 trở lên là “nguy hiểm” cho sức khỏe, trong khi chỉ số này ở Pakistan thường xuyên vượt quá 1.000. (Nguồn: Reuters) |
Một giáo viên tiểu học 38 tuổi ở thành phố Lahore Rafia Iqbal cho biết: “Ở trường học của chúng tôi, hầu hết các em học sinh đều gặp vấn đề về sức khoẻ. Những đứa trẻ bị dị ứng và ho liên tục…”. Trong ảnh: Màn hình giám sát hiển thị tình trạng ô nhiễm không khí tại Sở Bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu Lahore, Pakistan. (Nguồn: Reuters) |
Muhammad Safdar - một chuyên gia quảng cáo chia sẻ, ô nhiễm không khí “khiến cuộc sống hàng ngày trở nên khó khăn hơn”. “Chúng tôi không thể di chuyển, không thể ra ngoài, không thể làm bất cứ điều gì”, ông Safdar nói. Trong ảnh: Sương mù dày đặc ở ngoại ô Lahore. (Nguồn: Reuters) |
Tại Multan, một thành phố khác thuộc tỉnh Punjab, có mức AQI đã vượt quá 2.000 vào tuần trước, chỉ số cao chưa từng có so với trước đây. Trong nhiều ngày, nồng độ các hạt vi mô gây ô nhiễm PM2.5 ở Punjab cao hơn hàng chục lần so với mức mà WHO cho là có thể chấp nhận được. (Nguồn: Reuters) |
Theo các chuyên gia, hỗn hợp khí thải nhiên liệu kém chất lượng từ các nhà máy và phương tiện giao thông, cùng với việc đốt rơm rạ trong nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, vào mùa Đông, nhiệt độ lạnh và gió thổi chậm góp phần khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. (Nguồn: AFP) |
Từ năm ngoái, chính quyền tỉnh Punjab đã thử nghiệm mưa nhân tạo để cố gắng khắc phục tình trạng ô nhiễm, tuy nhiên phương pháp này chưa thực sự hiệu quả. Với số bệnh nhân tăng cao bất thường, các phòng khám trên toàn tỉnh phải lắp đặt các máy đo khói bụi đặc biệt để phân loại bệnh nhân. Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị tại một bệnh viện ở Lahore. (Nguồn: AFP) |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, ô nhiễm không khí có thể gây ra đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và các bệnh về đường hô hấp khác. Tình trạng này đặc biệt gây hại cho trẻ em, trẻ sơ sinh và người già. (Nguồn: AFP) |