📞

Người dân Thái Lan đón Tết trong 'bạo loạn'

15:26 | 14/04/2009
Người dân Thái Lan đang sống trong những ngày Tết cổ truyền Songkran không yên ả do người chống Chính phủ biểu tình khắp nơi.
Hiếm có người Thái Lan nào đón tết trên đường phố Thủ đô Bangkok.

Trong ngày lễ Songkran, đường phố Bangkok trở nên vô cùng vắng vẻ, khi các trung tâm mua sắm đóng cửa do lệnh giới nghiêm. Thi thoảng trên một vài con đường có những đám đông tụ tập, vui vẻ té nước vào xe và người qua đường để chào mừng năm mới cổ truyền. Tuy nhiên, những niềm vui đó xem ra quá ít ỏi và nhỏ nhoi trước sức nóng thiêu đốt của cuộc bạo động tại Thủ đô.

Đón tết trong bạo động

Lúc 4h sáng qua, ngày đầu tiên của lễ hội năm mới cổ truyền Songkran, Bangkok giật mình thức giấc trong tiếng súng hơi cay của quân đội. Khói đen và lửa xuất hiện rải rác cùng với tiếng súng đạn vang lên nhiều nơi. Giữa trưa, nhiều trung tâm thương mại đóng cửa. Hiệp hội buôn bán vàng ngưng mọi hoạt động đến hết ngày 16/4. Khu vực Khaosan được mệnh danh là “khu phố Tây” của Bangkok bị đề nghị ngừng hết các hoạt động vui chơi năm mới Songkran vì lo sợ sự an nguy của du khách nước ngoài. Bangkok và các địa bàn lân cận trở nên bất ổn và vắng vẻ.

Không chỉ làm tắc nghẽn giao thông Bangkok từ sáng sớm qua khi đập phá và đẩy những chiếc xe buýt lớn chắn ngang hàng chục nút giao thông quan trọng, những người biểu tình còn tràn vào tòa nhà Bộ Nội vụ đập phá chiếc xe được cho là của Thủ tướng Abhisit, ném bom xăng vào trụ sở Bộ Giáo dục...

“Tết cổ truyền là một ngày lễ quan trọng và thiêng liêng đối với mỗi người dân Thái Lan. Tuy nhiên, với không khí nặng nề và giao thông tắc nghẽn như bây giờ thì chẳng còn ai muốn đi chơi trong lúc này. Chỉ có việc cần thiết lắm thì mới buộc phải ra đường thôi”, Tangpaisalbit, một người dân Bangkok cho biết.

Khung cảnh hoang tàn như thể một cuộc bạo loạn tại một nước châu Phi bạo động chứ không phải là Bangkok, Thủ đô của “đất nước nụ cười”. Phe áo đỏ và một nhóm người ủng hộ chính phủ miệng chửi bới, tay liên tiếp ném nhau chai lọ, sỏi đá. Những tiếng súng chát chúa vang lên nhưng không rõ bên nào bắn bên nào. Cách đó khoảng 300m, nhiều người dân trung lập đứng quan sát cuộc chiến với sự kinh hoàng. “Cùng là người Thái với nhau mà, sao lại có thể giết nhau như vậy? Hôm nay là ngày tết mà”, một cụ già than thở.

Mùa lễ hội vắng khách

Lo lắng trước tình hình bất ổn tại “đất nước của những nụ cười”, nhiều khách du lịch đặt tour đến Thái Lan để đón tết Songkran huỷ bỏ hết kế hoạch du lịch của mình.

Theo ông Prasit Shinarmornpong, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thái Lan, thời gian diễn ra lễ hội Songkran là mùa du lịch cao điểm tại Thái Lan. Theo thống kê, trong ba tháng đầu năm nay, chỉ có 500.000 lượt khách đến với Thái Lan. Trong những năm trước, con số này có thể lên đến hai triệu người.

Các cửa hàng, siêu thị phải đóng cửa do lệnh giới nghiêm.

Bà Phornsiri Manoharn, người đứng đầu Cơ quan Du lịch Thái Lan cho biết, vào mùa lễ hội Songkran hàng năm, tỷ lệ sử dụng phòng trong các khách sạn hàng đầu ở Bangkok thường là 70%. Tuy nhiên, con số này từ đầu tháng ba đến nay chỉ là 25%, khiến ban quản lý các khách sạn phải đóng cửa một số tầng, cắt hợp đồng với nhà thầu và cho nhân viên nghỉ việc không lương.

“Đây là thiệt hại lớn nhất mà chúng tôi từng phải đối mặt trong 48 năm phát triển ngành du lịch tại Thái Lan. Những sự cố trước đây như thảm họa sóng thần tháng 12/2004, dịch cúm gà và dịch SARS cũng không gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch của Thái Lan như lần này”, bà Manoharn nói thêm.

Giám đốc điều hành Wayne Buckingham của khách sạn Royal Orchid Sheraton có 740 phòng cho hay: “Có thể nói, đây là mùa lễ hội mà tỷ lệ đặt phòng ở mức thấp nhất trong lịch sử của khách sạn chúng tôi”.

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan phải lên tiếng khuyến cáo, những cuộc biểu tình đang làm xấu đi hình ảnh Thái Lan trong con mắt bạn bè quốc tế và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp du lịch trong mùa du lịch cao điểm này.

Mối lo ngại của quan chức ngành du lịch Thái Lan không phải không có căn cứ. Nhiều quốc gia chính thức kêu gọi kiều dân không nên đến Thái Lan hoặc ít nhất nên tránh có mặt tại những nơi đang có biểu tình, trong đó có Australia, Philippine, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhiều nước châu Âu trong đó có Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha cũng chính thức kêu gọi dân trong nước nên tránh tới Bangkok và vùng lân cận nếu không cần thiết.Theo Đất Việt