Nhỏ Bình thường Lớn

Người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên: Không còn dễ chia rẽ

Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, Tây Nguyên là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch lựa chọn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Những luận điệu xuyên tạc

Âm mưu cơ bản, lâu dài của các số đối tượng chống đối trong và ngoài nước đối với vùng đất Tây Nguyên là xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp quyền của người dân tộc thiểu số; tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc đòi ly khai, tự trị, thành lập cái gọi là “Nhà nước Đêga”, tách Tây Nguyên ra khỏi đại gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; biến địa bàn Tây Nguyên thành khu vực mất ổn định, vùng “tự trị”, tiến tới thành lập “nhà nước độc lập”; tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số ở những khu vực khác hình thành nhiều “điểm nóng xung đột”, gây mất ổn định chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên: Không còn dễ chia rẽ
Các đối tượng theo “Tin lành Đêga” ở Gia Lai bị đưa ra kiểm điểm và giáo dục công khai trước dân. (Nguồn: Báo Biên phòng)

Hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên tập trung vào một số vấn đề: (1) Triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, Internet và mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; xuyên tạc tình hình dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, ở nước ta; vu cáo Nhà nước phân biệt đối xử, đàn áp quyền của người dân tộc thiểu số nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân, kích động đồng bào chống đối chính quyền, đòi ly khai, quyền “tự trị”, đòi thành lập “Nhà nước Đêga” độc lập; (2) Lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta để tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật, nhất là đạo “Tin lành Đêga” nhằm “tôn giáo hóa” các vùng dân tộc, kết hợp vấn đề dân tộc và tôn giáo để kích động hoạt động biểu tình, bạo loạn, tạo thành điểm nóng; (3) Tuyên truyền, xuyên tạc những vấn đề lịch sử để lại để chia rẽ đồng bào các dân tộc thiểu số với người Kinh;

Luận điệu học thường sử dụng là: “Vì người Thượng đã từng chiến đấu sát cánh với quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam chống cộng sản miền Bắc cho nên đây là một cơ hội rất tốt và quan trọng cho họ (Đảng Cộng sản Việt Nam) để trả thù”, “người Thượng ở Tây Nguyên bị tuyên án tù vì niềm tin tôn giáo”, “người H’Mông và người Thượng theo đạo Thiên Chúa ở miền Bắc và Tây Nguyên thường xuyên bị sách nhiễu, giam giữ hoặc thậm chí là trục xuất vì tôn giáo của họ”…

Lợi dụng một số khó khăn trong đời sống của đồng bào DTTS, để đổ lỗi cho Đảng, cho Nhà nước và chế độ; vi cáo chính quyền Việt Nam kiểm soát chặt chẽ, cưỡng chế đất, khống chế kinh tế khiến người Thượng bị rơi bào tình trạng nghèo khó; đối xử bất bình đẳng giữa người Kinh và người DTTS...

Thậm chí, truyền bá luận điệu cho rằng chính quyền cố tình không cho con em đồng bào được đến trường, không cho con em đồng bào DTTS học cùng lớp với con em người Kinh, không cấp hộ khẩu cho bà con đồng bào để kích động sự hoài nghi, chi rẽ đoàn kết giữa các dân tộc.

Từ những luận điệu xuyên tạc trên, họ kích động đồng bào DTTS tham gia các hội nhóm chống đối, đòi quyền “tự quyết”, thậm chí kích động người dân tham gia biểu tình, bạo loạn, điển hình là các vụ bạo loạn năm 2001, 2004 và 2008 tại Tây Nguyên; kích động người DTTS trốn ra nước ngoài, xin tị nạn ở nước ngoài nhằm tạo ra một cuộc khủng hoảng về vấn đề di cư, bóp méo hình ảnh, hạ thấp uy tín của Việt Nam.

Bên cạnh đó, họ lợi dụng các diễn đàn quốc tế, đa phương để đưa vấn đề người Thượng ở Tây Nguyên, vận động các nước can thiệp, gây sức ép với Việt Nam.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, bà con dân tộc Jrai ở xã Chư Á, TP Pleiku đã có điểm sinh hoạt tín ngưỡng khang trang tại Nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú. (Nguồn: TTXVN)
Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, bà con dân tộc Jrai ở xã Chư Á, TP Pleiku đã có điểm sinh hoạt tín ngưỡng khang trang tại Nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú. (Nguồn: TTXVN)

Sự thật không thể bóp méo

Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Tính đến tháng 10/2020, chúng ta đang triển khai 118 chính sách ở vùng DTTS và miền núi. Trong đó, 54 chính sách trực tiếp cho các đồng bào DTTS, vùng DTTS và miền núi; 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các DTTS.

Cùng với các chính sách chung, Đảng, Nhà nước cũng đã có những chính sách đặc thù áp dụng riêng với khu vực Tây Nguyên, trong đó có Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2001 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020, khu vực Tây Nguyên đã có những sự phát triển đáng ghi nhận, toàn diện, về mọi mặt; tình trạng nghèo nàn, lạc hậu từng bước được đẩy lùi, an ninh, quốc phòng được củng cố.

Về phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên giữ ở mức khá, đời sống người dân được cải thiện. Trong giai đoạn 2015- 2020, Đắk Lắk đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 9,13%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm và Kon Tum là 9,7%, 4,05%; Gia Lai là 7,93%/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn dưới 4,5% vào cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 40,1% giảm còn dưới 6,25%; tại Đắk Nông, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,02%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 12,26% so với năm 2016; tại Lâm Đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là tăng 8,0%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, toàn tỉnh hiện còn 1,75%.

Nông dân xã Ea Kao, TP Buôn Mê Thuột thu hoạch cà phê được sản xuất trồng xen canh với cây tiêu theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. (Nguồn: TTXVN)
Nông dân xã Ea Kao, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk thu hoạch cà phê được sản xuất trồng xen canh với cây tiêu theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. (Nguồn: TTXVN)

Về văn hoá, xã hội, thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển giáo dục nói chung và phát triển giáo dục trong vùng đồng bào DTTS nói riêng như: chính sách miễn, giảm học phí, triển khai các trường dân tộc nội trú, hỗ trợ gạo cho học sinh bán trú và học sinh DTTS ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên cộng điểm cho học sinh dân tộc khi thi tuyển đại học, cao đẳng…

Các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình, đề án hỗ trợ đối với đồng bào DTTS mang tính đặc thù của địa phương nhằm phát triển giáo dục như: Quyết định số 143/QĐ-UB ngày 26/01/2010 của UBND tỉnh Đắk Nông về chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên người DTTS tỉnh Đắk Nông; Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND ngày 06/9/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc ban hành chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Đắk Nông từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021; tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh ở các trường phổ thông DTNT, bán trú, học sinh học tiếng Êđê, giáo viên dạy tiếng Êđê, thực hiện chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo…

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư; nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn và phát huy, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào được tôn trọng.

Chủ động phòng ngừa, đấu tranh

Hiện nay, khu vực Tây Nguyên vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp: đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; tư tưởng “hẹp hòi dân tộc”, tự ti dân tộc vẫn tồn tại trong một bộ phận đồng bào DTTS; sự phân hoá giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn tồn tại, chậm được khắc phục… Đây là những vấn đề các thế lực thù địch sẽ tập trung lợi dụng để xuyên tạc, kích động hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Vì vậy, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh việc nghiên cứu, tổng kết, đánh giá hiệu quả của các chủ trương, chính sách phát triển vùng Tây Nguyên nói chung và các chính sách liên quan đến công tác dân tộc nói chung từ đó kịp thời sửa đổi, bổ sung các giải pháp, chính sách mới sát hợp với thực tiễn. Xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết thực hiện Nghị quyết số 88 /2019/QH14 của Quốc hội khoá XIV về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 góp phần nâng cao đời sống của bà con đồng bào.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc nói chung cũng như các chủ trương, chính sách phát triển khu vực Tây Nguyên nói riêng tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng số khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần trách nhiệm của bà con đồng bào trong việc xây dựng và phát triển quê hương.

Truyền thông trực tiếp liên tục giúp bà con dân tộc hiểu được hiệu quả của việc tuân thủ pháp luật và phối hợp với chính quyền trong công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. (Nguồn: TTXVN)
Truyền thông trực tiếp liên tục giúp bà con dân tộc hiểu được hiệu quả của việc tuân thủ pháp luật và phối hợp với chính quyền trong công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. (Nguồn: TTXVN)

Thứ ba, triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển vùng Tây Nguyên, trong đó tập trung vào việc tạo kế sinh nhai bền vững cho bà con đồng bào DTTS. Chú trọng việc giải quyết những mẫu thuẫn liên quan đến vấn đề đất đai, tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt của đồng bào; tận dụng tối đa mọi nguồn lực, phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có để phát triển nền kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hóa xã hội, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Thứ tư, nhận diện chính xác, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng vững chắc thế trận “an ninh nhân dân” và “quốc phòng toàn dân”, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, không để kẽ hở để kẻ địch có thể lợi dụng. Thực hiện nghiêm phương châm “an ninh chủ động”, nắm tình hình từ xa, từ sớm, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn ngay từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự.

Thứ năm, xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân; chú trọng xây dựng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt là người DTTS; thực hiện nghiêm công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ quan liêu, hách dịch, xa dân, không trong sạch, thiếu tinh thần trách nhiệm để củng cố niềm tin của đồng bào vào hệ thống chính quyền. Đẩy mạnh việc phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, xây dựng tổ chức đảng về đến từng buôn làng, đặc biệt là những khu vực trọng điểm, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Thứ sáu, bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào Tây Nguyên theo đúng quy định của pháp luật, tránh để bên ngoài lợi dụng xuyên tạc chinh sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; với diện tích 54.451,5km2, có đường biên giới với Lào và Campuchia; trên địa bàn có 54 dân tộc cùng sinh sống, dân số khoảng 5,7 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 33%. Địa bàn Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đổi mới sáng tạo cho tương lai của các bà mẹ ở vùng dân tộc thiểu số

Đổi mới sáng tạo cho tương lai của các bà mẹ ở vùng dân tộc thiểu số

Những phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai ở 60 xã dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa của 6 ...

Trường Sa kết nối những trái tim xa xứ

Trường Sa kết nối những trái tim xa xứ

Là thành viên của đoàn kiều bào thăm Trường Sa năm 2018, chị Hiệu Constant, một nhà văn người Việt đang sinh sống và làm ...