📞

Người đưa đò những linh hồn liệt sỹ

10:04 | 25/07/2011
Không phải là nhà ngoại cảm, cũng không phải là người được giao nhiệm vụ hay cán bộ chuyên trách về công tác thương binh liệt sỹ. Nhưng những gì mà Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ ở Trường THPT Tân Bình, Tân Uyên, Bình Dương làm được trong nhiều năm qua, đã làm dịu đi vết thương trong lòng hàng trăm gia đình có người thân hy sinh vì quê hương đất nước…
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ (phải) đang cùng người thân của LS Hoàng Thơm trong NTLS Tỉnh Bình Dương chuẩn bị đưa hài cốt LS Thơm về quê Quảng Trị.

Có lẽ, không một nơi nào trên trái đất này lại có nhiều nghĩa trang liệt sỹ như ở Việt Nam. Thế nhưng, vẫn còn biết bao liệt sỹ (LS) còn nằm lại đâu đó bên bìa rừng, bờ suối con khe, ngoài biển khơi chưa được đưa về sum họp với đồng đội và gia đình. Nhiều khi, LS đã được đón về yên nghỉ trong nghĩa trang, với đầy đủ tên tuổi, quê quán nhưng người thân vẫn lặn lội đi tìm…

Trách nhiệm người còn sống

Vợ chồng Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ cùng hai em trai bên mộ LS Nguyễn Đăng Khoa (Đức Huệ Long An) là anh trai cả của Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ
Như bao gia đình Việt Nam khác, gia đình thầy Hồ cũng có những người ra đi bởi sự tàn khốc của chiến tranh. Năm 1972, mẹ thầy bị bom Mỹ giết hại. Một năm sau, người anh trai Nguyễn Đăng Khoa cũng hy sinh, nhưng mãi đến năm 1977, gia đình mới nhận được báo tử "Hy sinh tại chiến trường miền Nam" như rất nhiều trường hợp khác. Nhưng không nản chí, suốt hơn 30 năm ròng rã kiếm tìm, cuối cùng thầy Hồ đã tìm thấy anh mình ở Nghĩa trang Đức Huệ, Long An.

Thầy Hồ chia sẻ: "Tôi chỉ là một giáo viên, một công dân bình thường như bao người khác. Chỉ có điều gia đình phải chịu nhiều đau thương do chiến tranh nên tôi muốn dùng chút sức lực nhỏ nhoi làm những chuyến đò đưa anh linh các anh hùng liệt sĩ đang thất lạc về với tổ tiên và dòng tộc". Bởi thế, "tranh thủ những thời gian nghỉ, thay vì cùng gia đình tới các khu vui chơi giải trí hoặc siêu thị thì tôi lại cùng nhà tôi đến các địa phương, các đơn vị quân đội, các nghĩa trang liệt sỹ ở mọi miền quê để thu thập thông tin, đăng tải lên mạng Internet để mong sao có ích cho một ai đâu đó trên đất nước này. Chỉ đơn giản vậy thôi!". Vâng, chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng những gì thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ đã làm lại chẳng mấy người làm được, ngay cả những người được nhà nước trả lương và ngay cả những cơ quan chuyên trách.

Không chỉ cho mình

Trong suốt thời gian lăn lộn ở các nghĩa trang từ Bắc chí Nam, thầy Hồ đã thực sự thấu hiểu nỗi vất vả của những người đi tìm mộ LS, nhất là trong trường hợp không có thông tin hoặc thông tin sai lệch. Có khi, hài cốt liệt sỹ đã được quy tập về nghĩa trang ở tỉnh này nhưng gia đình LS lại khăn gói đi tìm ở một nơi khác. Từ thực tế đó, bằng kiến thức công nghệ của một thầy giáo toán tin, tháng 2/2008, thầy Hồ đã lập ra trang blog với tên gọi thật mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa: "NGƯỜI ĐƯA ĐÒ" ở địa chỉ teacherho.vnweblogs.com.

Với giao diện sinh động như một website chuyên nghiệp và cách trình bày khoa học, thầy Hồ đã đưa lên hàng nghìn tấm hình bia mộ mà thầy đã tỷ mẩn chụp lại cùng nhiều thông tin liên quan khác như các văn bản hướng dẫn, sơ đồ đường xá đi lại, các địa chỉ liên lạc cần thiết...Sau gần 3 năm, với hàng nghìn người ghé thăm mỗi ngày (đặc biệt trong tháng Bảy tri ân, thầy Hồ cho biết có khi lên tới 8000 lượt/ngày), nâng tổng lượt người truy cập đã vượt qua con số 10 triệu.

Đang chụp ảnh tại NTLS Hòn Dung tỉnh Khánh Hoà (5/7/2011)
Nhưng để có được kết quả đó, mỗi ngày thầy Hồ phải dành từ 5 - 6 giờ để tải thông tin, ảnh, trả lời e-mail, tin nhắn và các cuộc điện thoại từ mọi miền đất nước. Với khối lượng công việc và cường độ làm việc như vậy, nếu không có hỗ trợ, đồng hành của người bạn đời và cũng là một cô giáo, thì có lẽ, thầy Hồ khó mà "kham nổi" bởi công việc chính của Thầy vẫn là những buổi lên lớp ở Trường.

Nhưng, đấy chỉ là những công việc có thể làm ở nhà. Còn những chuyến “tháp tùng” các gia đình LS đến tận nơi người thân của họ yên nghỉ vì họ không thông thạo đường xá, thầy cũng sẵn lòng. Ngoài ra, là các chuyến rong ruổi khắp các nghĩa trang ở Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang... để chụp ảnh và thu thập thông tin. Có nhiều chuyến đi hình bị nhòe, thậm chí có lần bị giật mất cả máy ảnh, Thầy lại phải cưỡi chiếc xe máy cà tàng của mình vượt hàng trăm cây trở lại. Có nghĩa trang san sát hàng ngàn ngôi mộ, khi chụp xong, Thầy phải nằm thở một hồi để lại sức rồi mới lững thững ra về.

Thời gian được tính bằng những gì đã làm

Dù tốn khá nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc, nhưng qua những nguồn thông tin liên tục được đưa lên blog, dường như Thầy Hồ chưa bao giờ tỏ ra mệt mỏi, chán nản với công việc. Công sức mà Thầy bỏ ra, đã thực sự mang lại những giá trị nhân văn mà không thể tính bằng vật chất. Nhưng tôi tin rằng, nỗi mệt nhọc ấy sẽ được tiếp sức mỗi khi Thầy nhận được tin vui tìm thấy người thân và những lời tri ân đến từ mọi miền đất nước. Chỉ riêng trong những ngày đầu tháng Bảy này, đã có hàng chục gia đình tìm thấy ngươi thân nhờ thông tin của thầy như gia đình LS Thái Văn Đạt ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc; Gia đình LS Trần Văn Trị ở Cẩm Khê, Phú Thọ; Gia đình LS Lê Văn Cự ở Thái Bình; Gia đình LS Bùi Đình Dưỡng ở Thanh Hóa, Gia đình LS Phạm Hoa Ngọc ở Thái Bình…

Hôm 5/7, sau khi viếng mộ Liệt sỹ Thái Văn Đạt và đồng đội của LS ở Nghĩa trang Lộc Ninh, gia đình tôi muốn ghé thăm Thầy để bày tỏ lòng biết ơn, bởi chính thầy đã giúp gia đình tôi tìm được nơi an nghỉ của Liệt sỹ Thái Văn Đạt sau hơn 40 năm tìm kiếm. Nhưng khi gọi điện, thì Thầy Hồ lại đang ở một nghĩa trang ở tận Khánh Hòa…Và tôi biết, vậy là Thầy đã không có những ngày nghỉ hè thực sự như những đồng nghiệp khác. Ngay hôm sau, những bức ảnh bia mộ mới chụp và cả những dòng "Nhật ký tìm mộ" đã được Thầy tải lên. Trong những dòng nhật ký vui đó, thỉnh thoảng vẫn có những dòng buồn, những thông điệp mà Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ muốn nhắn gửi đến những người, những “tổ chức” đã lợi dụng trang web của Thầy để trục lợi, thậm chí là lừa gạt tiền bạc những gia đình đang khát khao tìm lại ruột thịt của mình.

Đức Khải

Trong Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 -2010, sau khi thầy Nguyễn Sỹ Hồ được tuyên dương và mời giao lưu, thầy Hồ tâm sự: "Có nhiều nơi đã từ chối khi tôi đến xin danh sách liệt sĩ đang chôn cất ở địa phương. Do không xin được danh sách, tôi mới tốn công sức đi tới các NTLS để chụp hình bia mộ. Giá như tỉnh nào, địa phương nào cũng làm được như Quảng Trị là đưa tất cả danh sách liệt sĩ đang chôn cất trong tỉnh lên mạng, thì thân nhân liệt sĩ cả nước sẽ biết mà tìm đến, đỡ vất vả đi nhiều. Công việc tổng hợp, đưa lên mạng danh sách các LS với sự hỗ trợ của công nghệ hiện hiện nay là rất đơn giản nhưng có ý nghĩa rất lớn. Thế nhưng không hiểu tại sao các tỉnh, thành vẫn chưa làm".