Từ trái: ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc và Đại sứ Đỗ Xuân Đông trong buổi giới thiệu tập 1 cuốn Đại từ điển. (Ảnh: Hà Cần) |
“Khi làm từ điển chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là phải làm một việc gì đó có ích để đền đáp công lao của nhân dân hai nước đã nuôi dưỡng và đào tạo chúng tôi, cũng là một kỷ niệm của thế hệ thanh niên những năm 60-70 của thế kỷ trước để lại cho các cháu sau này. Nhưng, nếu không có sự xuất hiện của một người thì có thể chưa có tập nào của bộ đại từ điển được xuất bản”, ông Nguyễn Quyết Tiến tâm sự.
Đó là một buổi chiều đầu hè năm 2012, Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Đỗ Xuân Đông đến nhà ông Tiến để học tiếng. Thấy trên bàn có tập bản thảo Đại từ điển, ông Đông ngỏ ý mượn về đọc. Sau đó, cảm động trước sự nhiệt tình của hai tác giả, vị Đại sứ hứa sẽ quyết tâm tìm kinh phí để xuất bản bộ đại từ điển này.
“Giữ trọng trách cao như vậy nhưng tính tình anh Đông rất gần gũi, dân dã. Có lần sau buổi học tiếng, anh đi cùng tôi ra “văn phòng“ ở nhà ga để cùng gặp anh Ivo. Chẳng nề hà mình là Đại sứ, anh tự tay đi mua đồ ăn, thức uống cho chúng tôi, rồi một câu thưa thầy, hai câu xưng em: Hai thầy cứ viết đi, em sẽ lo giúp phần kinh phí xuất bản”, ông Tiến nhớ lại.
Đường dài nhưng không đơn độc
Nói là làm, gặp ai “có triển vọng” là Đại sứ Đông đều tìm cách chia sẻ nguyện vọng của hai ông Quyết Tiến và Ivo để ngỏ lời mời tài trợ cho việc xuất bản từ điển. Nhiều người tỏ ra rất nhiệt tình, hứa sẽ xem xét rồi quên. Nhưng, ông Nguyễn Duy Thọ - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel thì tuyên bố ngay: “Viettel sẽ tặng 25.000 Euro cho việc làm đầy ý nghĩa này”. Gánh lo được cởi bỏ, hai nông dân đã sử dụng hết sức tiết kiệm khoản tiền đó để chi cho các khâu kỹ thuật và in ấn hai tập đầu của bộ Đại từ điển.
Nhưng, sự ủng hộ chưa dừng lại ở đó. “Năm 2013, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn khi sang làm việc ở Praha đã gặp gỡ, động viên và khích lệ chúng tôi rằng bản thân ông đã nghiên cứu về ngôn ngữ (tiếng Nga) nên ông hiểu việc biên soạn một bộ đại từ điển khó khăn đến mức nào, cũng như ý nghĩa muôn đời cho hậu thế của nó. Ông đã động viên chúng tôi bằng những ngôn từ đẹp đẽ nhất” – ông Tiến cho biết.
Sau khi in hai tập đầu tiên của bộ đại từ điển, khoản tiền 25.000 Euro mà Viettel tài trợ đã sử dụng hết. Hai tác giả bộ đại từ điển đang chưa biết sẽ in tập ba như thế nào thì Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc Hoàng Đình Thắng đã nhanh chóng ủng hộ 1.000 USD để góp vào quỹ xuất bản từ điển. Các thành viên Ban chấp hành Hội cũng đóng góp ít nhiều để động viên hai tác giả. Đại sứ Việt Nam đương nhiệm Trương Mạnh Sơn cũng hứa sẽ tìm nguồn tài trợ mới để hai ông chuyên tâm biên soạn trong nửa cuối của hành trình dài.
Tấm lòng vì hậu thế
Người dân Séc có truyền thống coi trọng sách vở nên rất nhạy bén với những cuốn sách mới ra. Theo luật xuất bản, mỗi một đầu sách khi phát hành đều phải gửi lưu chiểu ở Thư viện Quốc gia và những Thư viện ở các thành phố lớn và các trường Đại học. Đại từ điển Giáo khoa Séc-Việt ngay khi ra mắt tập 1 đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhiều nhà ngôn ngữ không biết tiếng Việt, nhưng họ căn cứ vào cách thức chọn lọc, sắp xếp các mục từ, cách nêu các thí dụ dẫn chứng... mà đánh giá được tầm cỡ của nó. Giới ngôn ngữ học ở Kenya và Croatia đã mời tác giả sang giới thiệu từ điển. Đặc biệt những nhà ngôn ngữ học Kenya còn thành lập tổ nghiên cứu biên soạn từ điển theo phong cách “Nguyen-Vasiljev”.
Với bà con người Việt tại đây, sự ra đời của tập 1 bộ Đại từ điển như một tin vui kép vì đúng vào thời điểm cộng đồng Việt Nam vừa được công nhận là dân tộc thiểu số ở Séc. Cộng đồng Việt Nam ở Séc chỉ có khoảng 60 nghìn người, nhưng là một cộng đồng đoàn kết và mạnh. Đại đa số bà con cần cù làm ăn và đặc biệt thế hệ trẻ người Việt tại đây học giỏi và hội nhập tốt với cộng đồng sở tại. Tuy nhiên, phần lớn các em không sử dụng được tiếng Việt vì vốn từ quá ít. Mặc dù tiếng Việt được gọi là tiếng mẹ đẻ, nhưng với trẻ em người Việt ở nước ngoài, tiếng Việt đang trở thành ngoại ngữ.
Với tâm huyết “Không gìn giữ và truyền bá tiếng Việt cho các em là mắc nợ với hậu thế!”, hai ông Nguyễn Quyết Tiến và Ivo Vaslijev vẫn bền bỉ vượt qua trở ngại của tuổi tác để hoàn tất công trình ý nghĩa nhất trong đời mình. Những luống cày thẳng tắp vẫn đều đều hiện lên phía sau những trang bản thảo của “hai nông dân cần mẫn”. Bàn tay và khối óc của họ vẫn ngày đêm gieo chữ, gieo vần với tấm lòng dành cánh đồng tươi tốt ấy cho hậu thế vun trồng và gặt hái.
Khánh Nguyễn