GS.TS Thái Kim Lan. |
Chủ nhân của không gian văn hóa sông Hương - GS. TS Thái Kim Lan, là một trí thức duyên dáng và uyên bác, sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc của Huế xưa.
Bà sang Đức du học năm 1965, sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Triết học và được giữ lại làm nữ giáo sư người Việt hiếm hoi dạy Triết học so sánh Đông-Tây ở trường Đại học tổng hợp Ludwig Maximilian-Munich, Đức hơn 30 năm.
Bà là người sáng lập, Chủ tịch Hội giao lưu Đức - Việt, có trụ sở tại München. Bà cũng là dịch giả đưa văn hóa Đức vào Việt Nam với Tuyển tập văn học Đức - Việt về B. Brecht và Hermann Hesse, nhận được giải thưởng Đào Tấn về bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam trong việc giới thiệu nghệ thuật Tuồng ra nước ngoài.
Có thể nói, nữ giáo sư gốc Huế đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
Bản lĩnh thời kỳ hội nhập
Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân từng nhận định: “Thái Kim Lan là một mẫu người tiêu biểu của phụ nữ Huế”.
Nhiều năm xa quê hương, những tưởng chất Huế trong con người Thái Kim Lan nhạt phai ít nhiều nhưng không phải vậy, bà vẫn đậm chất Việt, nét Huế.
Tận trong sâu thẳm tâm hồn và tình cảm của người con Cố đô vẫn cứ luôn hướng về cội nguồn, về quê hương. Có lẽ cái chất Huế, văn hóa Việt cứ luôn âm thầm hiện diện, thẩm thấu trong từng thói quen, tâm thức bà ngay từ thưở ấu thơ dưới gia phong và lễ giáo của gia đình.
Bà cho rằng, khi xa quê bà đã luôn mang theo bên mình gia tài văn hóa Huế, không chỉ là tà áo dài hay mái tóc thề của người con gái xứ Huế nên vậy dù có ở trời Tây, ăn bơ sữa đến mấy thì cái gia tài văn hóa Huế ấy cũng không bao giờ phai mờ được”.
Qua đó, Giáo sư Kim Lan mong những người Việt trẻ luôn bản lĩnh, vững vàng trong quan điểm, thái độ và hành động trước cuộc hội nhập toàn cầu bởi hội nhập không có nghĩa chúng ta phải đồng hóa với thế giới.
Yêu văn hóa một cách nhân văn
Việc yêu vẻ đẹp truyền thống văn hóa dân tộc khiến bà không chỉ đam mê nghiên cứu sâu các giá trị văn hóa dân tộc mà còn là chủ nhân của nhiều bộ sưu tập đồ cổ. Năm 2015, bộ sưu tập áo dài truyền thống cổ về Việt Nam được nữ giáo sư mang về nước, triển lãm tại Hà Nội nhân dịp 40 năm ngoại giao Việt Nam - Đức.
‘‘Áo dài cung đình triều Nguyễn’’ là câu chuyện về những chiếc áo của gia đình còn lưu giữ trong rương xưa, được bà dày công sưu tầm và bảo quản trong suốt các thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ trước cho đến nay tại Đức.
Bà Thái Kim Lan tâm sự, lý do đằng sau cuộc sưu tầm của mình là sự biến mất của chiếc áo dài trên đường phố Việt Nam: ‘‘Khi tôi trở về Huế lần đầu tiên sau 15 năm du học (1965) cuối thập niên 70, không thấy ai mặc áo dài như hồi trước.
Thời ấy, cung đình và những gì thuộc cung đình là đối tượng tiêu cực và chiếc áo dài hoàng gia trở thành một biểu tượng giai cấp phong kiến cần dẹp bỏ.
Chiếc áo chịu số phận bất hạnh nên bị vùi dập, giấu kín, cắt ngắn thành áo cụt hay làm giẻ chùi nhà. May thay, tôi đã có cơ hội lưu giữ một số trong những chiếc áo dài bất hạnh này hơn 40 năm ở Đức’’.
Bà tâm niệm, những nỗ lực của bản thân trong công cuộc giữ gìn, bảo tồn nét đẹp mộc mạc của nền văn minh thời đại lúc bấy giờ cũng chính là cách để bà lại gần hơn với di sản, thấu hiểu lịch sử hình thành và phát triển của Huế xưa.
May mắn được khoác trên vai mình chiếc áo xưa, bà cảm nhận được giá trị của cổ vật truyền đời cũng như càng thấy trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ và phát huy gia tài văn hóa được lĩnh hội.
Một góc bảo tàng gốm cổ sông Hương. |
Câu chuyện về dòng sông văn hóa
Dọc theo tả ngạn dòng Hương Giang thơ mộng, ngay tại không gian từ đường gia tộc họ Thái là Bảo tàng gốm cổ Sông Hương (hay Lan Viên Cố Tích) với bộ sưu tập hơn 7.000 hiện vật được vớt từ lòng sông.
Cách đây 30 năm, bà Kim Lan và anh trai - cố họa sĩ Thái Nguyên Bá trở về Huế sau nhiều năm xa quê hương.
Dọc đường về nhà, hai anh em họ Thái bị thu hút bởi đồ gốm cổ người ta trưng bày ở bờ sông Hương và công cuộc sưu tập, gìn giữ cổ vật của Thái Kim Lan và anh trai bà bắt đầu từ đó.
Nữ giáo sư không ngờ dòng sông gắn liền với tuổi thơ của mình lại chứa đựng trầm tích của lịch sử văn hóa Huế bởi bà chưa từng thấy con sông nào có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả không gian lẫn thời gian như thế.
Với bà Thái Kim Lan, sông Hương đặc biệt, không chỉ là dòng sông của thơ ca, nhạc họa và còn là dòng sông cổ vật.
Bảo tàng gốm cổ sông Hương ra đời dưới quá trình hiện hữu của một dòng họ, trải qua nhiều thế hệ cùng nhiều trăn trở, tích lũy tinh thần và vật chất, với mong muốn đóng góp thêm vào di sản của văn hóa Huế.
Chất liệu cổ của nền đất xưa và truyền thống gia tộc lâu đời, bà Thái Kim Lan xây dựng Lan Viên Cố Tích trong không gian kiến trúc Việt cổ.
Bà lên kế hoạch tìm kiếm hiện vật, hệ thống hóa cổ vật, mời chuyên gia đánh giá thẩm định gốm cổ.
Khi bà bắt đầu đề án về bảo tàng gốm, Sở Văn hóa quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện. Tất cả đều có chung một mong muốn rằng Huế sẽ là địa chỉ giàu có về di sản và những di sản đó không ngổn ngang, thất lạc ở khắp nơi mà được quy tụ, sắp xếp trở thành những câu chuyện văn hóa nơi Cố đô.
Cột đèn trong đại nội kinh thành Huế. (Ảnh: Lim Dim) |
Cuộc dạo chơi văn hóa của người yêu gốm
Khi mới bắt đầu công việc sưu tập, bà cho rằng, đây là cuộc chơi văn hóa của mình. Hằng ngày ngắm gốm khiến bà Kim Lan thấy rất thoải mái, bà tìm thấy ở công việc này sự tự hào về nguồn cội bên cạnh nét thẩm mỹ nhìn thấy được.
Bà khẳng định bảo tàng là của chung, bà không giữ cho chính mình mà giữ cho tất cả mọi người, cho thế hệ sau. Đó chính là cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại về tính bền vững của bản sắc văn hóa dân tộc.
Không gian văn hóa nối theo từng chuỗi câu chuyện về dòng sông Hương. Các hiện vật gốm được phân loại gồm: Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, gốm nước ngoài (Nhật Bản, Trung Quốc…) với chủng loại vô cùng phong phú như: bình, ché, hũ, vò, ấm, bát, bình vôi, nồi, chum… Đó không chỉ là những hiện vật gắn bó với đời sống sinh hoạt của cư dân các thời kỳ lịch sử mà còn phản ánh quá trình giao lưu Huế với nhiều vùng, miền và các quốc gia trong khu vực, trên thế giới.
Giáo sư Kim Lan khiêm tốn không nghĩ mình nhà nghiên cứu gốm cổ, bà chỉ nhận mình là người yêu thích gốm, mê gốm.
Bà chia sẻ: “Có rất nhiều người khinh thường gốm, nghĩ rằng gốm không có giá trị quý giá quy đổi vật chất. Nhưng với tôi, gốm chính là một loại bao bì thời xưa do bàn tay con người tác tạo nên. Chẳng phải những cái lọ, hũ làm bằng gốm người ta chứa gạo, cơm, mắm, muối là những đồ vật thiết yếu nhất trong nếp sinh hoạt của một gia đình Việt cổ sao? Đơn sơ vậy đấy nhưng đó chính là chứng tích lịch sử văn minh văn hóa của thời đại lúc bấy giờ”.
Với bà, bảo tàng là một hạ tầng lịch sử văn hóa giúp giới trẻ hiểu về lịch sử di sản cùng sự tự hào về bản sắc văn hóa quê hương.
Mong rằng, tình yêu sâu đậm với Huế thương, trăn trở về việc bảo tồn văn hóa truyền thống của Giáo sư Thái Kim Lan, Lan Viên Cố Tích hay Bảo tàng sông Hương phát triển, mở rộng nội dung và quy mô hơn để hoàn thiện địa chỉ văn hóa hay chiếc cầu nối quá khứ và tương lai mang công chúng lại gần với lịch sử hình thành và phát triển của Huế qua các thời kỳ.