📞

Người 'giữ lửa' Việt tại Áo

AN BÌNH 14:00 | 19/10/2024
Ở nơi xa xứ, những phụ nữ Việt Nam ở Áo vẫn ngày ngày giữ bếp lửa ấm với các món ăn Việt Nam, trò chuyện với con cháu bằng tiếng mẹ đẻ và duy trì các phong tục, tập quán truyền thống của quê cha đất mẹ.
Chị Ngô Bích Thuỷ (thứ sáu, từ phải qua) cùng các thành viên của Hội phụ nữ Việt Nam tại Áo. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với TG&VN chị Ngô Bích Thuỷ - Hội trưởng Hội phụ nữ Việt Nam tại Áo, cho rằng đó là cách để các chị vơi bớt nỗi nhớ quê hương, mang lại niềm vui cho gia đình và cộng đồng, cũng như lưu giữ hồn cốt của văn hoá và con người Việt.

Thổi hồn cho hoạt động cộng đồng

Với khoảng 7.000 người, cộng đồng người Việt tại Áo tuy không lớn so với một số nước châu Âu khác, nhưng luôn đoàn kết hướng về Tổ quốc và góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiểu biết, tăng cường giao lưu, gắn bó chặt chẽ giữa hai nước.

Được thành lập từ năm 2006, Hội phụ nữ Việt Nam tại Áo là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong, thổi hồn cho những hoạt động của cộng đồng người Việt trong suốt những năm qua.

Chị Ngô Bích Thuỷ chia sẻ: “Phụ nữ Việt Nam tại Áo ngày càng hội nhập sâu rộng vào nước sở tại. Các chị em rất năng động, tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù công việc khá bận rộn nhưng chúng tôi vẫn dành thời gian chia sẻ, hỗ trợ nhau, quan tâm và tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng với lòng nhiệt huyết và sự tận tình”.

Bởi vậy, mỗi hoạt động do Hội tổ chức đều có bàn tay, sự chung sức của các chị em, người góp công, người góp của. Sự ủng hộ và đồng lòng của các chị em cùng bà con kiều bào khiến cho những “thủ lĩnh” như chị Thuỷ càng có thêm động lực làm việc.

Chị kể: “Vào những dịp như Tết Nguyên đán, hay Quốc tế Phụ nữ, Tết thiếu nhi, Ngày Phụ nữ Việt Nam, bà con rất háo hức tham gia và hưởng ứng các hoạt động văn hoá truyền thống như làm bánh chưng, nấu món Việt, biểu diễn văn nghệ… Chúng tôi vẫn thường xúc động khi nhìn thấy những gương mặt, nụ cười ánh lên niềm vui của cộng đồng người Việt”.

Không chỉ quan tâm đến sinh hoạt văn hoá văn nghệ, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, chị Thuỷ đã cùng các thành viên trong Hội tổ chức lớp dạy tiếng Việt ở khuôn viên Đại sứ quán.

Nhờ sự bền bỉ của các chị trong việc động viên phụ huynh và học sinh tham gia, lớp học duy trì mỗi tuần một buổi rất chất lượng, Tuy nhiên, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến lớp bị gián đoạn. Thời gian sau đó, việc học khó duy trì do các khó khăn về tài chính, giáo viên và điều kiện đưa đón của các bậc phụ huynh.

Vào tháng 9/2023, thông qua giới thiệu của Đại sứ quán Việt Nam, Hội phụ nữ Việt Nam tại Áo kết nối với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tiến hành chương trình dạy và học tiếng Việt cho các cháu đang sinh sống tại nước ngoài, giáo viên và giáo trình chuẩn của Đại học Quốc gia Hà Nội. Cùng với việc tuyên truyền bà con tiếp cận chương trình trực tuyến hoàn toàn miễn phí này, các chị nhận thấy vẫn cần có lớp học trực tiếp để việc học tiếng Việt của các cháu đạt hiệu quả tốt hơn.

Với quyết tâm ấy, từ tháng 3/2024, lớp học tiếng Việt cho các cháu thiếu nhi là con em trong cộng đồng người Việt Nam tại Áo tiếp tục được mở dành cho các cháu thiếu nhi từ 6 đến 12 tuổi. Lớp học gồm 11 cháu, học vào sáng Chủ nhật hàng tuần tại nhà của một gia đình Việt kiều, thành viên của Hội.

Giáo viên đứng lớp là các chị Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Hồng Hà cũng là hai thành viên của Hội, đang sinh sống và làm việc ở Vienna. Trong đó, chị Huyền đã được đào tạo và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa dạy học tiếng Việt do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cũng tổ chức lớp tiếng Việt cho các cháu từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Mặc dù rất bận rộn với công việc cũng như chăm sóc gia đình, các chị đã dành thời gian để đứng lớp hàng tuần, vừa dạy chữ, vừa chăm sóc và truyền đến các cháu tiếng nói của mẹ Việt thông qua tình yêu thương với trẻ và với quê hương.

Các gia đình có con theo học rất vui vì các cháu được học tiếng Việt và giao lưu với các bạn đồng lứa bằng tiếng mẹ đẻ. Có cháu nhà ở cách xa trên 30km nhưng vẫn cố gắng đến lớp hàng tuần.

Nhiều gia đình mong muốn Hội mở thêm lớp cho lứa trên 12 tuổi, cho thấy đây là hoạt động thiết thực, đáp ứng nguyện vọng các gia đình Việt xa Tổ quốc, hưởng ứng triển khai “Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”.

Hoạt động ý nghĩa dành cho cộng đồng. (Ảnh: NVCC)

Xây dựng phong trào phụ nữ mạnh mẽ hơn

Sang Áo sinh sống và làm việc từ năm 1996, chị Ngô Bích Thuỷ cho biết, chị quê gốc Hà Nội, bén duyên với công tác cộng đồng và Hội phụ nữ Việt Nam suốt nhiều năm nay.

Làm “người vác tù và hàng tổng” ở xứ người không dễ, chị may mắn được ông xã động viên đảm nhiệm công việc vì cộng đồng. Xa quê hương đã gần 40 năm, chị luôn kiên nhẫn trong việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ và văn hoá Việt cho con cháu của mình.

Chị bày tỏ: “Gia đình tôi có một nguyên tắc là khi ở nhà luôn phải nói tiếng Việt với nhau. Tôi có tham gia một nhóm gồm 10 gia đình người Việt và mỗi lần các con gặp nhau chúng tôi cũng quy ước trao đổi bằng tiếng Việt”.

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, chị Thủy cho biết, cùng với môi trường trực tiếp tại lớp học tiếng Việt, gia đình là môi trường quan trọng để duy trì tiếng mẹ đẻ và văn hoá truyền thống. Với cách tiếp cận ấy ở cả hai môi trường, con gái chị giờ đây đã vượt qua trở ngại ban đầu và nói tiếng Việt rất tốt.

Không riêng chị Thuỷ, nhiều chị em người Việt lấy chồng người Áo đều mong mỏi con em mình sẽ nói ngôn ngữ mẹ đẻ tốt hơn vì các cháu vẫn mang trong mình 50% dòng máu Việt Nam.

Nhận thức việc học tiếng Việt là vấn đề nan giải trong nhiều gia đình kiều bào tại đây, Hội đã có sáng kiến tổ chức đọc sách cho các cháu định kỳ hằng tháng ở trong phòng (vào mùa Đông) hoặc ngoài trời (kết hợp đi picnic vào cuối tuần); tăng cường hoạt động giao lưu ẩm thực truyền thống và trò chơi dân gian cho các con…

Hoạt động ý nghĩa dành cho cộng đồng. (Ảnh: NVCC)

Đặc biệt, Ban chấp hành Hội đã xây dựng ý tưởng, sáng kiến và tổ chức triển khai thực hiện thành công việc đưa một bộ sách vào Thư viện trẻ em ở thủ đô Vienna. Ban quản lý thư viện này đã tiếp nhận, cập nhật thông tin và đăng ký bộ sách lên hệ thống thông tin thư viện chung của toàn thành phố.

Chính việc đưa ý tưởng, cách thức quảng bá ngôn ngữ và phong trào học tiếng Việt một cách bền vững như vậy đã giúp các đầu sách Việt được “sống”, duy trì, bảo quản và khai thác ổn định ở sở tại. Thêm vào đó, với việc cập nhật lên hệ thống thư viện của Vienna, các cá nhân có nhu cầu có thể tra cứu và mượn để nghiên cứu. Góc sách Việt cũng là địa điểm phù hợp cho việc tự học, nghiên cứu tiếng Việt; là nơi để con em người Việt gặp gỡ, trao đổi.

Thời gian tới, Hội phụ nữ Việt Nam tại Áo cố gắng duy trì lớp học, nghiên cứu việc mở thêm lớp mới cho các cháu lớn hơn trong con em cộng đồng trên cơ sở nhu cầu của phụ huynh, cũng như kết nối thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam để đồng hành triển khai thực hiện nhiều hoạt động phong phú hơn.

Với tâm nguyện xây dựng phong trào phụ nữ Việt tại Áo phát triển mạnh mẽ, chị Ngô Bích Thuỷ mong Hội có thêm nhiều kết nối với phụ nữ Việt Nam ở các nước để có thể chia sẻ, chung tay và lan toả thêm nhiều hoạt động ý nghĩa.