Người lái xe máy có cần xuất trình chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức giao thông đường bộ? (Nguồn TVPL) |
Lái xe máy có cần xuất trình chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức giao thông đường bộ?
Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, khi tiến hành dừng xe để kiểm soát thuộc các trường hợp theo quy định thì các cán bộ Cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Cụ thể, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ là giấy chứng nhận cấp cho người có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BGTVT để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. (Khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT)
Cũng tại Luật Giao thông đường bộ 2008 và Thông tư 06/2011/TT-BGTVT, xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.
Do đó, chỉ những người nào lái xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp mới phải xuất trình chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức giao thông đường bộ; còn các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gồm ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo; mô tô hai bánh; mô tô ba bánh; xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự xe máy, ô tô) hay phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự) thì không cần xuất trình loại giấy tờ này.
Lưu ý: Việc xuất trình chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cũng không áp dụng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Các loại giấy tờ được Cảnh sát giao thông kiểm tra khi dừng xe để kiểm soát: (1) Giấy phép lái xe; (2) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; (3) Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc, giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy đăng ký xe). (4) Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định). (5) Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. (6) Giấy tờ cần thiết liên quan khác theo quy định. Ngoài ra, khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ. (Điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA) |
Khi nào Cảnh sát giao thông được dừng xe để kiểm soát?
Cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:
(1) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
(2) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
(3) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
(4) Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
(Khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA)