Nhỏ Bình thường Lớn

Người làm cách mạng cho dịch vụ viễn thông Mỹ

Khi William G. McGowan bắt đầu “chiến đấu” với AT&T, người ta nghĩ ông bị điên. Họ nói đi nói lại với ông rằng AT&T quá lớn và quá mạnh. Nhưng nhờ sự kiên trì, quyết tâm, sự chăm chỉ và một chút trơ tráo, McGowan phá vỡ thế độc quyền của AT&T, mở cửa cho mọi người có cơ hội cạnh tranh tự do trong thị trường viễn thông, biến một công ty đang vật lộn trong khó khăn thành một nhà cung cấp dịch vụ điện thoại lớn thứ hai ở Mỹ.

Trước khi McGowan quyết định đối đầu với AT&T, ông từng dành ra gần 10 năm nghiên cứu thị trường chứng khoán Phố Wall với tư cách là một nhà tư vấn tài chính độc lập. Thành công đáng ghi nhận nhất của ông là trường hợp công ty Powertron mà ông đã mua với giá 25.000 USD để rồi bán đi sau 3 năm với giá 3 triệu USD.

Năm 1968, một người bạn giới thiệu ông với John D. Goeken, một doanh nhân bán các loại sóng phát thanh. Goeken muốn mở rộng dịch vụ của mình bằng cách xây dựng một hệ thống vi sóng giữa Chicago và St. Louis. Nhưng Hội đồng viễn thông liên bang đã từ chối dự án của họ trong 5 năm do sự phản đối quá mạnh từ phía AT&T khiến Goeken đã phá sản.

McGowan nhận ra rằng nếu FCC cấp phép cho Goeken, công ty của ông ta sẽ cạnh tranh với AT&T trong dịch vụ viễn thông toàn quốc, điều mà nhiều người đã cố gắng làm. Ông đã mua lại một nửa số tài sản của công ty Viễn thông vi sóng đó giá 50 nghìn USD và đổi tên thành MCI Communications Corp.

Một năm sau, Hiệp hội viễn thông liên bang đã chấp thuận để MCI cung cấp đường dây điện thoại riêng tuyến Chicago-St.Louis. Nhưng để tiến hành được dịch vụ đường dài này, mạng lưới của MCI cần phải kết nối được với mạng lưới điện thoại địa phương được công ty con của AT&T sở hữu. Khi AT&T từ chối cung cấp mọi sự kết nối trừ phi được trả giá rất cao, MCI đã sắp đặt nên một vụ kiện cáo buộc rằng công ty đó đã vi phạm luật chống độc quyền khi ngăn cản họ tiếp cận với mạng lưới viễn thông ở địa phương.

Nhưng phải mất 6 năm, vụ kiện mới được đưa ra tòa. Suốt thời gian đó, McGowan đã phát triển và được Hiệp hội đồng ý cho triển khai dịch vụ mới MCI Execunet.

Hệ thống tài tình này cho phép khách hàng của MCI gọi tới máy chủ của MCI rồi kết nối người gọi với bất kỳ một số máy điện thoại nào khác, mà không cần nhờ tới các máy móc đường dài của AT&T với giá cả cực thấp.

Cuối cùng, vụ kiện giữa MCI và AT&T rồi cũng đi vào xét xử năm 1980. Tòa án đã nhận ra thiện chí của MCI và xử thiệt hại cho họ được 1,8 tỷ USD. AT&T đã kháng án, số tiền này giảm xuống còn 113 triệu USD. Tuy vậy, trong suốt quá trình xét xử, MCI đã trình ra rất nhiều tài liệu cho thấy chính sách từ lâu được AT&T áp dụng đã hủy hoại tính chất cạnh tranh trong ngành viễn thông.

Việc này khiến Tòa án Mỹ đưa vụ kiện của AT&T vào hồ sơ “đen”. AT&T đã thương lượng dàn xếp đồng ý gạt bỏ những công ty con có tên “Baby Bell” ở các địa phương và ngừng việc kiểm soát mạng lưới điện thoại địa phương.

Sau 10 năm “chiến đấu”, McGowan đã hoàn toàn đặt chân được vào lĩnh vực viễn thông vốn là của AT&T. Nhưng đó là một chiến thắng phải trả giá rất đắt. Kể từ đó, MCI đã có được những lợi thế căn bản, được phép chuyển các cuộc gọi theo các đường dây của công ty đang hoạt động tại địa phương với giá chỉ bằng 70% giá cũ của AT&T.  Theo thỏa thuận, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại đường dài, kể cả AT&T, phải được cho phép mới tiếp cận được với các đường dây Baby Bell.

Đối với MCI, sự thay đổi này quả là ác mộng. Trước đây, họ là một nhà cung cấp giá thấp và hoàn toàn không có sự chuẩn bị để cạnh tranh chất lượng với AT&T. MCI đã mất hàng triệu USD. Thiệt hại này đè lên vai McGowan, người từng phải chịu cơn đột quỵ vào tháng 12/1986, tháng 4 năm sau nữa, ông trải qua cuộc ghép tim. Sau phẫu thuật, McGowan phải đứng ngoài mọi việc trong 9 tháng rồi lại lao vào công việc.

Có McGowan, quản lý của MCI cải thiện cả về chất lượng và dịch vụ, và được thúc đẩy bởi nhiều khách hàng hợp tác hơn. MCI cũng số hóa mạng lưới điện thoại của mình, cung cấp dịch vụ chuyển giọng nói và số liệu nhanh hơn. Họ nhanh chóng nổi danh về dịch vụ tốt và chẳng bao lâu đã hợp tác được với các khách hàng tiếng tăm như Nhà Trắng, Westinghouse, Chrysler và IBM. MCI lại bắt đầu thu được lợi nhuận từ năm 1987, sau đó tới cuối năm 1991, họ trở lại vị trí là nhà cung cấp dịch vụ điện thoại đường dài lớn thứ hai nước Mỹ. Hoàn thành giấc mơ, McGowan lại quay lại vị trí CEO. Ông mất vì trụy tim lần hai một năm sau đó.

Trong suốt 24 năm đứng đầu MCI, William McGowan đã “nuôi dưỡng” MCI từ một dịch vụ truyền thanh di động trở thành một thế lực viễn thông trị giá 9,5 tỷ USD. Nhưng di sản thực sự mà ông để lại chính là việc phá vỡ thế độc quyền của AT&T và đem lại ánh sáng cách mạng trong ngành viễn thông nước Mỹ.   

Hòa Bình (Theo Entrepreneur)