Nhỏ Bình thường Lớn

Người mở ra "kỷ nguyên mới" của Intel

Từ khi trở thành CEO thứ 5 của tập đoàn Intel, Paul S. Otellini (ảnh) luôn cố gắng thúc đẩy tập đoàn “phát kiến” các sản phẩm đột phá chứ không chỉ “sản xuất” các sản phẩm. Ông thường tìm cách làm cho mọi thứ của tập đoàn như các thiết bị, con chip, lượng nhân công, chi phí… ngày càng trở nên nhỏ đi ngoại trừ sự phát triển và doanh thu của nó.


Trước khi đến với vị trí CEO, Otellini từng ngồi trên nhiều chiếc ghế quan trọng của Intel như Phó Chủ tịch điều hành doanh thu và marketing, Tổng Giám đốc Quản lý sản phẩm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị... Mặc dù lãnh đạo một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, Otellini là người ngoại đạo của lĩnh vực này. Ông là CEO duy nhất từ trước đến nay của Intel không được đào tạo về kỹ thuật. Vốn liếng kiến thức của Otellini là hai tấm bằng cử nhân kinh tế ở ĐH San Francisco và thạc sĩ kinh tế ở ĐH California, Berkely.

Gia nhập Intel từ năm 1974, tuy không phải là dân kỹ thuật nhưng Otellini rất ham mê công nghệ và đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực quản lý doanh thu và marketing cho tập đoàn. Khi trở thành CEO vào năm 2005, Otellini phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi trong giai đoạn 2005-2006, nền kinh tế của Mỹ chững lại và Intel đang chệch hướng quỹ đạo phát triển của mình do thất bại trong việc cập nhật thiết kế cấu trúc bộ vi xử lý. Doanh thu của Intel có dấu hiệu sụt giảm.

Ngay lập tức, Otellini tung ra chiến dịch khôi phục sức mạnh của toàn bộ tập đoàn. Đó là cuộc cải tổ lớn nhất trong vòng 20 năm qua của Intel. Ông bán đi những lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi, đồng thời bãi bỏ 1.000 vị trí quản lý và sa thải 102.500 nhân viên (chiếm 12% lực lượng lao động của tập đoàn). Sự cắt giảm công việc trong lĩnh vực sản xuất, thiết kế sản phẩm và các vị trí không cần thiết khác được ông tiến hành nhằm tiết kiệm 3 tỷ USD/năm cho tới 2008.

Bên cạnh đó, trên cương vị CEO, ông xác định nhiệm vụ của mình là định hướng sự phát triển của tập đoàn và cung cấp những sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng. Dưới sự điều hành của Otellini, Intel mở ra một kỷ nguyên mới về bộ vi xử lý khi máy tính xách tay không dây sẵn có mọi lúc, mọi nơi. Otellini cũng tập trung vào việc làm cho một tỷ người nữa có thể tiếp cận Internet bằng những máy tính giá cả hợp lý được sản xuất phù hợp nhu cầu của họ.

Không dừng lại ở đó, Otellini còn thúc đẩy các kỹ sư của mình tạo ra các sản phẩm mới nhỏ gọn và mạnh hơn. Các con chip của Intel ngày càng thu nhỏ lại, tiết kiệm năng lượng và có chi phí thấp hơn. Năm nay Intel đã tung ra những con chip có kích cỡ 45 nanometre. Năm 2008, nó sẽ sản xuất một cấu trúc vi xử lý mới, sau đó đến 2009 sẽ có con chip 32 nanometre và một thiết kế mới năm 2010.

Otellini với sự nhanh nhạy của mình nhận thấy sự phát triển của thế hệ thiết bị mới như máy tính cá nhân di động thế hệ ultra, thiết bị di động Internet và thiết bị điện tử gia dụng. Vì thế Intel đã nghiên cứu đưa vào sử dụng một con chip tương lai tên là Silverthorne. Nó sẽ cung cấp năng lượng cực thấp từ một con chip cực nhỏ những vẫn có khả năng kết nối Internet.

Ngoài việc cắt giảm nhân công, tạo ra các sản phẩm mới, cắt giảm chi phí, Otellini còn thay đổi truyền thống làm việc của nhân viên Intel bằng cách tạo không gian làm việc mới. Mỗi nhân viên của tập đoàn làm việc trong những ngăn nhỏ liền kề nhau. Thay cho việc gửi email để trao đổi ý tưởng, họ có thể đứng dậy và bàn bạc trực tiếp. Văn phòng của Otellini cũng không có gì khác biệt, như tất cả các nhân viên khác, ông làm việc trong một gian phòng nhỏ cạnh cửa sổ công ty.

Chỉ mới đảm nhiệm vị trí CEO trong 2 năm nhưng những gì Otellini đã mang lại cho tập đoàn này không hề nhỏ như kích thước những con chip đầy sức mạnh của nó. Hiện nay, thị trường tiềm năng của Intel ngày càng mở rộng, lĩnh vực thiết bị vi xử lý điều khiển máy tính của Intel đã chiếm tới 80% cổ phần thị trường trên toàn thế giới. Việt Nam đã từng là đích tới thăm và làm việc của ông. Có thể thấy, khả năng phát triển của thị trường nước ta đối với tập đoàn này rất khả quan.

Lê Nguyễn