📞

Người Mỹ làm gì để “giàu ba họ”?

09:55 | 15/04/2017
Mới đây, Ngân hàng U.S. Trust (Mỹ) đã tiến hành một cuộc khảo sát với những cá nhân có khối tài sản hơn 3 triệu USD để tìm hiểu xem họ chuẩn bị cho thế hệ con cháu của mình như thế nào.

Stephen Lovell, nhân viên quản lý tài chính tại Walnut Creek (California, Mỹ) kể rằng lúc còn nhỏ, mỗi khi tới thăm ông bà mình, khung cảnh ở gia đình giống như trong tiểu thuyết “Đại gia Gatsby” vậy. Mọi người mặc áo khoác tuxedo và thong thả nhấm nháp từng ngụm cocktail. Gia đình ông sở hữu vài chiếc du thuyền, máy bay, một nông trại lớn… Không những vậy, ông bà của Lovell còn sở hữu cả một lâu đài tráng lệ tại Ontario (Canada) và một tòa nhà nghỉ mát tại Southampton (New York).

Lovell ước tính, khối tài sản của ông bà có thể lên tới 70 triệu USD theo thời giá hiện nay. Tuy nhiên, do những quyết định sai lầm, vận xui và thói nghiện rượu của các thành viên trong gia đình, họ đã phung phí toàn bộ khối tài sản trên.

“Tôi luôn luôn nghĩ về điều này”, Stephen Lovell nói.

Đừng biến con cái thành kẻ ngốc trong quản lý tài chính và tiền bạc. (Nguồn: Time)

Gia tài tan biến

Theo kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn tài sản Williams Group, 70% số gia đình giàu có mất đi gia sản ở thế hệ con cháu thứ 2; và 90% số gia đình giàu có mất đi gia sản ở thế hệ con cháu thứ 3.

Chris Heilmann, một quan chức cấp cao của ngân hàng U.S. Trust nói rằng: “78% số người được khảo sát nói rằng con cháu của họ không có đủ trách nhiệm để gánh vác khối gia tài mà họ để lại sau khi qua đời. Và, 64% số người được khảo sát nói rằng họ để lộ rất ít hoặc không nói gì về khối tài sản của họ cho con cháu của mình.

Khảo sát cho thấy, những lý do để họ làm vậy là vì: mọi người được dạy là không nên nói về tiền bạc; họ lo rằng con cháu của mình sẽ trở nên lười biếng; và rằng thông tin về khối gia tài sẽ bị rò rỉ ra ngoài.

Câu trả lời cho câu hỏi tại sao nhiều người giàu có không biết cách giao tiền lại cho con cháu mình một cách khôn ngoan, và tại sao thế hệ con cháu thứ 2 và thứ 3 lại tỏ ra quá vụng về trong việc quản lý tài sản, rất thực tế: “Hầu hết những người thừa kế không biết giá trị thực sự của khối tài sản cũng như không biết quản lý khối gia sản ấy như thế nào”; “Thế hệ thừa kế thứ 3 thường phải lãnh chịu hậu quả”; “Theo thống kê, những người thừa kế thường sắm ngay xe hơi chỉ sau khi nhận thừa kế 19 ngày”.

Người ta đã thống kê một số cách mà những người giàu có thường nên làm để phòng tránh điều đáng tiếc này:

Đừng giấu khối tài sản của mình. (Nguồn: Dreamstime)

Sớm bàn bạc về chuyện thừa kế với con cháu

Nếu ai đó nghĩ rằng việc không tiết lộ khối gia tài của mình cho con cháu là để chúng cố gắng làm việc thì thật sai lầm bởi điều này chỉ khiến con cháu họ trở nên "mù tịt" mà thôi.

Thay vào đó, cần phải bắt đầu nghiêm túc nói chuyện về tiền bạc với con cháu mình, dạy chúng những kiến thức căn bản về tài chính và tiền bạc. Có thể tham khảo những khóa học đặc biệt về tài chính dành cho những người thừa kế tài sản do các tổ chức tài chính, ngân hàng,... đưa ra.

Thảo luận về di chúc

Để đảm bảo sự hòa thuận trong gia đình sau khi những người chủ tài sản qua đời, họ cần chuẩn bị thảo luận với con cháu của mình về việc phân chia tài sản trong bản di chúc.

Nhân viên tài chính David Mullins khuyên rằng: “Những bậc ông bà, cha mẹ nên thảo luận và giải thích với tất cả các con cháu của mình cụ thể về việc phân chia tài sản”. Nhờ đó, mọi người có thể thảo luận với nhau theo tư cách các thành viên trong gia đình, tránh tình trạng dắt nhau ra tòa để tranh của. Mullins nhấn mạnh: “Nếu không bàn bạc và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi soạn thảo di chúc, quan hệ gia đình có thể tan vỡ”.

Nếu không cẩn trọng, nội dung bản di chúc có thể làm tan vỡ gia đình bạn. (Nguồn: USNews)

Xây dựng lộ trình thích hợp

Khoảng 25% số người sinh ra vào thời kì bùng nổ trẻ sơ sinh (khoảng từ năm 1946 – 1964) nghĩ rằng con cái của họ sẽ không đủ khả năng quản lý tài sản một cách hợp lý trước tuổi 40.

Đó là lý do tại sao nên đưa ra cho những người thừa kế một lộ trình tài chính thích hợp, theo U.S.Trust. Theo lộ trình đó, các thế hệ tiếp theo được chỉ dạy kỹ lưỡng việc chi tiêu, tiết kiệm,... cũng như làm thế nào để gia tăng khối tài sản thừa kế.

Stephen Lovell luôn ước ao rằng mẹ ông cũng được ông bà ông chỉ cho lộ trình tài chính như vậy: “Làm thế nào mà mẹ của tôi có thể tiêu xài phung phí hết số gia tài đó? Bà ấy không biết làm gì hơn. Và, mỗi ngày chúng tôi lại cảm thấy tiếc nuối về điều đó”.

(theo Time)