📞

Người Mỹ tiêu thụ nhiều thủy sản, nông dân Việt Nam mừng

19:09 | 04/11/2016
Theo Seafood Source, Mỹ hiện là nước tiêu thụ lớn thủy sản nhiều thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Đây là tín hiệu vui cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Báo cáo thường niên về tiêu dùng của Cơ quan khí tượng thủy văn Mỹ (NOAA) năm 2015 cho thấy, trung bình người Mỹ tiêu dùng thêm gần 0,5kg thủy sản/khẩu phần ăn. Theo đó, tiêu thụ thủy sản bình quân của Mỹ đạt mức 7,05 kg/người, tăng gần 0,45 kg so với năm 2014. NOAA cho rằng, người Mỹ càng ngày càng sử dụng nhiều thủy sản, cả tươi sống và đông lạnh.

Các báo cáo về lượng tiêu dùng thủy sản của Mỹ đưa lại một cái nhìn tổng quan về giá trị và doanh thu của ngành công nghiệp chế biến thủy sản của nước này cũng như giá trị xuất nhập khẩu của ngành. Báo cáo cũng chỉ ra các thông tin về nguồn cung cấp thủy sản trong nước và mức tiêu thụ thủy sản của người dân.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP)

Theo ước tính của NOAA, năm 2015, khoảng 90% lượng hải sản được tiêu thụ tại thị trường Mỹ là hàng nhập khẩu. Cơ quan này cũng thừa nhận rằng, có thể con số này là quá cao bởi vì nó bao gồm cả những sản phẩm được đánh bắt tại Mỹ, sau đó được xuất khẩu sang nước khác để chế biến và nhập khẩu hàng thành phẩm vào Mỹ.

Ngành kinh tế quan trọng của Mỹ

Ông Eileen Sobeck - đại diện NOAA cho biết: "Đánh bắt và chế biến hải sản là ngành kinh tế quan trọng của Mỹ. Biển và nghề cá ven biển đóng góp hàng tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia, mang lại 1,8 triệu việc làm cũng như có vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy”.

Cũng theo ông Sobeck, nhờ chính sách pháp luật ổn định và sự đổi mới trong nghiên cứu, quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản tại Mỹ đang mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước. Các biện pháp trên giúp Mỹ tránh khai thác hải sản quá mức và phát triển bền vững.

Ngư dân Mỹ đánh bắt cua ở Alaska, Mỹ. (Nguồn: NOAA)

NOAA cho biết, năm 2015, ngành khai thác hải sản của ngư dân Mỹ mang lại doanh thu 11,8 tỷ USD với cá và 5,2 tỷ USD với loài có vỏ (giáp xác). Loại hải sản mang lại giá trị thương mại cao nhất của Mỹ là tôm hùm với hơn 679 triệu USD, tiếp theo là cua (678,7 triệu USD), tôm (488,4 triệu USD) và cá hồi (460,2 triệu USD)...

Người tiêu dùng Mỹ đã chi khoảng 95,8 tỷ USD cho sản phẩm thủy sản trong năm 2015, trong đó 64,8 tỉ USD trong chi tiêu tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng và 31 tỷ USD cho các nhà bán lẻ.

Riêng nuôi trồng thủy sản đã mang lại khoảng 1,3 tỷ USD doanh thu trong năm 2014, chỉ chiếm 20% giá trị doanh thu và 6% khối lượng thủy sản được sản xuất tại Mỹ.

Cơ hội cho thủy sản Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ lâu, Mỹ luôn là thị trường hấp dẫn đối với tất cả các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Năm 2015, Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch trên 1,32 tỷ USD. Các mặt hàng tôm, cá ngừ và cá tra của Việt Nam được người dân Mỹ ưa chuộng.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Chế biến tôm xuất khẩu. (Nguồn: VOV)

Hiện, thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Mỹ. Tính đến hết tháng 9/2016, giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 2,25 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 61,3% tổng xuất khẩu tôm và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 7/9/2016, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 10 (POR10) cho giai đoạn từ ngày 1/02/2014 đến ngày 31/01/2015.

So với mức thuế cuối cùng của POR9, mức thuế cuối cùng của POR10 đã tăng lên đáng kể, từ 0,91% tới 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện. Mức thuế cuối cùng này cũng cao hơn mức sơ bộ 3,56% mà DOC công bố hồi tháng 3/2016. Mức thuế suất toàn quốc trong đợt này là 25,76%.

Đây là mức thuế quá cao đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Các doanh nghiệp đã thống nhất khiếu nại kết quả POR10 lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT), yêu cầu Tòa án phán quyết lại về phương pháp định giá phân biệt mà DOC đã áp dụng. Mặc dù, kết quả này tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam, tuy nhiên, trong quý IV/2016 hoạt động xuất khẩu sẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều.