Chính phủ nước này cho biết, điều đó chứng tỏ các biện pháp nhằm hạn chế người nhập cư đang bắt đầu có tác dụng.
Khoảng 280.000 người di cư đến ở Đức 2016, ít hơn nhiều so với số lượng gần 890.000 người tị nạn đến Đức trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, theo số liệu của Chính phủ Đức công bố ngày 11/1.
Khủng hoảng nhập cư là vấn đề làm đau đầu nhiều quốc gia châu Âu. (Nguồn: Reuters) |
"Con số này cho thấy các biện pháp quản lý và kiểm soát di cư đã thành công", Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maziere cho biết trong buổi công bố số liệu tổng hợp của Văn phòng Di cư và người tị nạn Đức (BAMF).
Việc các tuyến đường Balkan mà những người di cư đến châu Âu thường đi bị đóng cửa và thỏa thuận đạt được giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm số người di cư đến châu Âu theo đường biển Aegean đã có hiệu lực, làm giảm đáng kể số lượng người nhập cư mới ở Đức.
Tuy nhiên, năm 2016, Chính phủ Đức nhận được 745.500 đơn xin tị nạn, bao gồm đơn của những người đã đến Đức vào năm 2015 nhưng chưa nộp đơn xin tị nạn trước đó. Năm 2015, có 477.000 đơn xin tị nạn được nộp cho các cơ quan chức trách của Đức.
Trong số những đơn xin tị nạn trong hai năm 2015-2016, Chính phủ Đức đã phê chuẩn khoảng 700.000 đơn, nhiều hơn năm lần so với năm 2014. Điều này cũng chỉ ra rằng các nhà chức trách Đức đã đã có khả năng xử lý các đơn xin tị nạn nhanh hơn sau khi bị chỉ trích vì sự chậm trễ trong việc xử lý các thủ tục hành chính.
Các đơn xin tị nạn của người Syria vẫn là nhiều nhất, theo sau là Afghanistan, Iraq, Iran.
Đáng chú ý, số lượng người nhập cư từ các nước Balkan giảm đáng kể từ khi Chính phủ Đức tuyên bố rằng các công dân đến từ các nước như Albania và Kosovo ít có cơ hội nhận được quy chế thường trú.