Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) còn cao và cần giảm, bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh thấp hơn so với chi tiêu thực tế của cá nhân trong hộ gia đình.
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để mỗi năm khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo, thay vì cột cứng ở mức cố định như hiện nay khiến người lao động thiệt đơn thiệt kép.
Đồng thời, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động vì mức 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay đã quá lạc hậu.
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN trong thời gian qua đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế. (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Trước những ý kiến trên, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Đối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Theo đó, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN sẽ góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, số thuế phải nộp được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.
Với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công là 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế TNCN.
Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên (17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng) thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.
Muốn tìm hiểu số thuế TNCN hiện nay được thực hiện ra sao, có thể làm một số "bài toán" cụ thể:
Trong trường hợp cá nhân có 1 người phụ thuộc: Nếu một người có thu nhập tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng, bảo hiểm bắt buộc 10,5% (8% bảo hiểm xã hội + 1,5% bảo hiểm y tế + 1% bảo hiểm thất nghiệp) là 1,785 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng (11 triệu cho bản thân + 4,4 triệu cho người phụ thuộc), tổng cộng là 17,2 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giảm trừ gia cảnh… thì người này không phải nộp thuế TNCN.
Nếu thu nhập 18 triệu đồng, trừ 10,5% bảo hiểm là 1,89 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng, thì phải nộp thuế là (18 triệu đồng – 1,89 triệu đồng – 15,4 triệu đồng) x 5% = 35 nghìn đồng/tháng (số tiền thuế rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,19% tổng thu nhập của cá nhân).
Trường hợp có các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ trước khi tính thuế nữa thì số thuế phải nộp còn thấp hơn (hoặc không phải nộp). Thu nhập sau khi nộp thuế là thu nhập được chi tiêu: tổng thu nhập 18 triệu đồng - thuế TNCN (35 nghìn đồng), còn lại 17.965.000 đồng.
Trường hợp cá nhân có 2 người phụ thuộc: Nếu một người có thu nhập tiền lương, tiền công 22 triệu đồng/tháng, bảo hiểm bắt buộc 10,5% (8% bảo hiểm xã hội + 1,5% bảo hiểm y tế + 1% bảo hiểm thất nghiệp) là 2,31 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh là 19,8 triệu đồng (bản thân và 2 người phụ thuộc), tổng cộng là 22,1 triệu đồng. Do đó không phải nộp thuế TNCN.
Nếu thu nhập từ 23 triệu đồng/tháng thì sau khi nộp bảo hiểm bắt buộc và giảm trừ gia cảnh, chỉ nộp thuế TNCN là 39.500 đồng/tháng (số tiền thuế rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,17% tổng thu nhập của cá nhân).
Nếu thu nhập 30 triệu đồng/tháng, nộp bảo hiểm bắt buộc là 3,13 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh cho 2 người (giảm trừ 19,8 triệu đồng), do vậy thu nhập tính thuế là 30 - 3,13 - 19,8 = 7,07 triệu đồng/tháng. Mức thuế sẽ nộp là: Bậc 1 (5 triệu đồng x 5%) là 250 nghìn đồng, bậc 2 [(7,07 - 5) x 10%] làm tròn là 210 nghìn đồng. Tổng tiền thuế phải nộp là 460 nghìn đồng/tháng (tỷ lệ thuế TNCN trên tổng thu nhập khoảng 1,53%).
Trường hợp có các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ trước khi tính thuế nữa thì số thuế phải nộp còn thấp hơn. Thu nhập sau khi nộp thuế là thu nhập được chi tiêu: 30 triệu đồng - nộp thuế TNCN (460 nghìn đồng) = 29.540.000 đồng (chứ không phải chỉ được chi tiêu 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc).
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN trong thời gian qua đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp đã giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN.
| Người lao động đủ tiêu chuẩn sẽ được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà, điều kiện cụ thể là gì? Với các quy định đơn giản, người lao động khi đủ điều kiện sẽ được nhận hỗ trợ thuê nhà trong tối đa 3 tháng ... |
| Bất động sản mới nhất: Tình trạng sốt giá ngày càng lan rộng, Hà Nội ‘siết’ thu tiền thuế đất, mua nhà-cứ mua là được Lý giải nguyên nhân những cơn sốt đất, Bộ Xây dựng lên tiếng về điều chỉnh dự án 175 Nguyễn Thái Học (Hà Nội), đã ... |