Chính phủ mới ở Afghanistan có nhiều nhân vật chủ chốt trong chính quyền Taliban từ năm 1996. (Nguồn: AFP) |
Nguồn tiền khó xoay, tiềm tàng mâu thuẫn quyền lực
Về kinh tế, việc đảm bảo tài chính cho bộ máy mới của Taliban sẽ không đơn giản, trong khi nguồn tiền của Afghanistan bị phong tỏa ở Mỹ khó có thể được đưa về nước nếu chính phủ mới chưa được Mỹ công nhận như một chính quyền hợp pháp.
Ngày 19/8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã ngăn Taliban tiếp cận nguồn tiền. Nguồn viện trợ từ Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bị đóng băng và các nước trong khối, đi đầu là Đức, sẽ chỉ chấp nhận chi tiền để giải quyết các vấn đề trước mắt như cứu người bị kẹt ở Afghanistan vì lý do nhân đạo. Mọi thỏa thuận tài chính, thương mại với chính phủ mới sẽ tùy thuộc vào cách hành xử của Taliban trong quan hệ đối nội và với các đối tác nước ngoài.
Một bài viết trên trang mạng của Viện Brookings (Mỹ) còn chỉ ra một vấn đề nữa đối với nguồn thu của Taliban là việc lực lượng này khó có thể tăng sản xuất thuốc phiện để tạo nguồn thu. Có ý kiến cho rằng những khó khăn kinh tế và ngoại giao cũng đang khiến Taliban tìm đến các đối tác như Trung Quốc.
Nhà báo Christina Lamb trích lời cựu Bộ trưởng Tài chính Afghanistan Omar Zakhilwal nói: “Taliban tin rằng họ có thể quay sang nhờ các đồng minh mới là Trung Quốc và Nga, nhưng họ quên rằng mỗi năm, Afghanistan (thời chính phủ cũ) nhận được 6-7 tỷ USD viện trợ dân sự và quân sự từ NATO”.
Phân bổ cơ cấu chưa thống nhất trong nội các cũng có thể tạo ra mâu thuẫn chia sẻ quyền lực trong chính phủ mới ở Afghanistan. Ít nhất 3 thành viên trong nội các lâm thời được công bố ngày 7/9 có tên trong danh sách "Taliban Five", những tù nhân dài hạn từng bị giam giữ tại nhà tù quân sự tại Vịnh Guantanamo; không có ai là phụ nữ, và chỉ có 3 thành viên thuộc cộng đồng thiểu số.
Ba thành viên nhóm “Taliban Five” trong nội các là Giám đốc Tình báo Abdul Haq Wasiq, Bộ trưởng Biên giới và các Vấn đề Bộ tộc Noorullah Noori cùng Bộ trưởng Văn hóa Khairullah Khairkhwa.
Ông Hassan Akhund, thành viên kỳ cựu của Taliban, người đứng đầu hội đồng lãnh đạo phong trào này, được bổ nhiệm làm quyền Thủ tướng, lãnh đạo chính phủ mới ở Afghanistan. Không nổi danh với quan điểm cứng rắn, song ông Akhund đã “vượt qua” ông Mullah Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban và là gương mặt đại diện của lực lượng này trong các cuộc đàm phán với Mỹ và nhiều chính phủ khác.
Một số nhân vật của Taliban nói rằng cần áp dụng luật Hồi giáo Sharia cho toàn quốc, thế nhưng điều này có thể gặp phải phản ứng của bộ phận dân cư đã quen với cơ chế dân sự khá cởi mở 15 năm qua. Chưa kể, có ý kiến cho rằng việc sử dụng luật Hồi giáo thay luật dân sự sẽ có thể gây ra mâu thuẫn giữa người dân vùng Pashtun với các nhóm sắc tộc vùng Uzbek và Tajik.
Tin liên quan |
Ai sẽ đứng đầu chính quyền mới của Afghanistan? |
Không dễ được thừa nhận
Sau cuộc thảo luận với các đồng minh nhằm thể hiện một mặt trận thống nhất trước chính phủ mới tại Afghanistan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 8/9 cảnh báo rằng, Taliban cần nỗ lực để nhận được sự công nhận hợp pháp của thế giới.
Theo Reuters, các nhà cầm quyền mới tại Afghanistan trao cho những nhân vật cứng rắn và kỳ cựu trong hàng ngũ Taliban các vị trí cấp cao của nội các, bất chấp các hứa hẹn về một chính phủ toàn diện. Những lựa chọn này có thể đặt ra nhiều trở ngại trên con đường tìm kiếm viện trợ và sự thừa nhận của phương Tây. Đa phần các quốc gia nhìn nhận về thành phần chính phủ mới tại Afghanistan với tâm lý thận trọng.
Saudi Arabia hy vọng chính phủ mới sẽ giúp đỡ Afghanistan đạt được "an ninh và ổn định, tránh xa bạo lực và chủ nghĩa cực đoan”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông đang theo dõi sát sao các diễn biến ở Afghanistan.
Trợ lý Ngoại trưởng Qatar Lolwah al-Khater chia sẻ với hãng tin AFP trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng mọi chuyện cần được đánh giá dựa trên các hành động thực tế của Taliban. Trung Quốc tuyên bố hoan nghênh việc kết thúc "ba tuần vô chính phủ" ở Afghanistan với việc thành lập một chính phủ lâm thời mới ở Kabul, kêu gọi Taliban khôi phục trật tự tại quốc gia này. EU tuyên bố sẵn sàng cung cấp viện trợ khẩn cấp cho quốc này, song sẽ để mắt tới chính phủ mới của Taliban.
Trong khi đó, người phát ngôn của Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết không tham gia vào việc công nhận chính phủ Taliban.
Ông Farhan Haq nhấn mạnh: “Đó là vấn đề được thực hiện bởi các quốc gia thành viên, không phải bởi chúng tôi. Theo quan điểm của chúng tôi,... chỉ có một đàm phán và giải pháp bao trùm mới mang lại hòa bình bền vững cho Afghanistan”. Liên hợp quốc cam kết “đóng góp vào một giải pháp hòa bình, thúc đẩy quyền con người của tất cả người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái; cung cấp hỗ trợ nhân đạo".
| Tình hình Afghanistan: Chính quyền mới phải có trách nhiệm tôn trọng quyền con người Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 17/8 đã kêu gọi lực lượng Taliban tạo điều kiện ... |
| Tình hình Afghanistan: Thủ tướng New Zealand 'khẩn nài' Taliban duy trì quyền con người Ngày 16/8, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern kêu gọi các thủ lĩnh Taliban duy trì quyền con người tại Afghanistan. |