📞

Người truyền nghề nail trên đất Mỹ

TRỌNG VŨ 11:00 | 02/11/2019
TGVN. Ông là Jimmy Luong - thầy hiệu trưởng gốc Việt của một trường dạy nghề hiện đang đào tạo và cho ra lò hàng nghìn thợ nail (làm móng), làm tóc, chăm sóc da mặt và chuyên gia trang điểm mỗi năm tại Oakland và San Francisco, California (Mỹ).
Ông Jimmy Luong và các học viên. (Ảnh: NVCC)

Jimmy Luong nhớ lại ngày mới sang Mỹ ông từng bị lạc đường, sợ đến phát khóc khi xung quanh toàn người xa lạ. Còn hiện giờ, người Việt ghé vào một nail salon là đã có thể gặp gỡ được đồng hương để hàn huyên...

Từ đam mê với nghề làm đẹp

Đến Mỹ đoàn tụ cùng gia đình từ những năm 1980, dù ban đầu theo học ngành khác nhưng Jimmy Luong quyết định rẽ ngang để học về nghề làm đẹp. Từ năm 1992, ông càng thấy hứng thú với công việc này và truyền dạy nghề cho những người Việt đang tìm kế sinh nhai.

Không chỉ riêng Jimmy Luong, rất nhiều người Việt nhập cư cũng nhận thấy cơ hội tốt của một ngành nghề có nhu cầu cao lại không cần phải ngoại ngữ giống như các công việc khác ở xứ người. Thậm chí, mỗi người chỉ cần tham gia một khóa học ngắn khoảng 10 tuần là có thể trở thành thợ nail hay làm tóc.

Thực tế, nghề làm đẹp ngày càng phổ biến trong cộng đồng Việt tại Mỹ. Cụ thể, ở bang California, từ Los Angles đến San Francisco đều có rất nhiều cửa hiệu nail, làm tóc, chăm sóc da mặt và trang điểm mà trong đó nhân viên hầu hết là người Việt Nam. Khi nói về công việc này, ông cũng khẳng định mình đã may mắn khi lựa chọn được công việc yêu thích, có tiềm năng để phát triển và mở rộng.

“Có lẽ, không có ngành nghề nào khác ở Mỹ lại yêu cầu sự đầu tư nhanh chóng đến vậy để có thể hành nghề. Đặc biệt, từ năm 1994, chúng tôi đã thuyết phục được tiểu bang California cho phát hành mẫu bài thi để cấp bằng tiếng Việt, song song với mẫu tiếng Anh. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người Việt mới nhập cư tìm việc làm”, ông Jimmy Luong chia sẻ.

... đến ông chủ của ngôi trường 20 tuổi

Nắm bắt nhu cầu việc làm của cộng đồng và với những kinh nghiệm đi dạy trong suốt tám năm, Jimmy Luong quyết tâm mở Trường Cao đẳng Thẩm mỹ Quốc tế (International College of Cosmetology - ICOC) vào tháng 7/1999 tại Oakland. Đến năm 2006, ông mở thêm cơ sở của ICOC tại San Francisco, nơi đang sống hiện tại.

Tại ICOC, thầy hiệu trưởng Jimmy Luong thiết kế và cung cấp cho học viên các khóa huấn luyện cơ bản nhất, giúp họ có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để vượt qua kỳ thi Thẩm mỹ và nhận được bằng hành nghề của tiểu bang California.

Mục tiêu chính của ICOC là đào tạo được những học viên tốt nghiệp có trình độ cao, ít nhất họ có thể tìm được việc làm ở trình độ tối thiểu trong ngành làm đẹp. Với những cá nhân xuất sắc và cầu tiến, họ hoàn toàn có thể trở thành quản lý, chủ tiệm, giáo viên thẩm mỹ, giám sát viên, chủ một trường dạy nghề trong tương lai.

Hiện tại, ngôi trường của thầy hiệu trưởng gốc Việt luôn có hàng trăm người theo học và tốt nghiệp mỗi năm, trong đó phần lớn là người Việt Nam. Tại đây, việc giảng dạy được thực hiện chủ yếu bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, khi thực hành, các học viên cũng được dạy một số câu giao tiếp tiếng Anh cơ bản, thái độ ứng xử, cách sử dụng hóa chất và khử trùng vệ sinh, an toàn để phục vụ khách tốt nhất.

Sau 20 năm, những thế hệ học trò của thầy Jimmy Luong hiện đang hành nghề khắp mọi nơi trên đất Mỹ. Họ cũng như ông, tìm đủ kế để mưu sinh từ nhân viên, đi dạy nghề đến làm chủ tiệm của chính mình.

Đâu đó, trên báo chí vẫn có tin về sự nhọc nhằn, vất vả của những thợ nail, làm tóc... nhưng không thể phủ nhận công việc này đang mang lại nhiều lợi ích và thu nhập tốt cho những người Việt nhập cư.

Có thể thấy, bằng sự cần cù và khéo léo, nhiều người Việt đang tự lo cuộc sống ổn định tại đây. Có người còn mua được nhà cửa, xe cộ cũng như lo cho con cái học hành.

Ông Jimmy Luong cho biết, khoảng 60% người Việt đang sinh sống bằng nghề làm đẹp tại California, trong đó nhiều nhất là nghề nail. Khi hỏi về nguy cơ “bão hòa”, ông tin rằng nghề làm đẹp vẫn là mảnh đất nhiều cơ hội cho người Việt nhập cư tại Mỹ.

Theo ông, mỗi công việc đều có những khó khăn riêng và thành công nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, siêng năng, cần mẫn.

“Người Mỹ luôn đánh giá cao dịch vụ làm đẹp của người Việt vì bàn tay mềm mại, sự nhiệt tình và giá cả hợp lý. Người Việt rất kiên trì và giỏi tính kế mưu sinh. Tôi rất tự hào vì mình là người Việt”, ông nói.