TS Cù Văn Trung cho rằng, người Việt Nam ở nước ngoài chính là nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của đất nước... |
Đó là quan điểm của TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục với Báo Thế giới và Việt Nam xung quanh Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”.
Ngày 10/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1334/QĐ – TTg phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”. Ông đánh giá như thế nào về tính ưu việt của Đề án này?
Trước hết phải khẳng định rằng, Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” là bước cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng trong một thời kỳ dài, đặc biệt là trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII gần đây và Kết luận số 12/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đề án minh chứng chủ trương về đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam từ khẩu hiệu đến chương trình hành động là nhất quán, xuyên suốt, ngày càng thực chất, hiệu quả.
Xuất phát từ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới và khát vọng xây dựng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trên cơ sở xác định các động lực quan trọng cũng như những nguồn lực đi kèm, hỗ trợ và thúc đẩy, Đảng và Nhà nước ta có những chủ trương, chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước. Trong đó, bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài là ngoại lực rất quan trọng, cần thiết. Đề án này ra đời tiếp tục cổ vũ, huy động nguồn ngoại lực ấy cho sự phát triển hùng cường của dân tộc.
Đề án ban hành giúp người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), các Bộ ban ngành, địa phương có các chương trình hành động cụ thể, rõ ràng, có hành lang pháp lý để vận dụng trong thực tiễn của tình hình mới. Có thể thấy, những vấn đề này được quy định chi tiết cách thức thực hiện, nguyên tắc phối hợp và hành động triển khai các nhiệm vụ đã đề ra.
Trước đây, chúng ta đã có nhiều cố gắng về cách làm và phương pháp công tác nhằm huy động nguồn lực NVNONN cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực của bộ phận NVNONN ấy vẫn chưa được như kỳ vọng. Hiện nay, trước bối cảnh mới, tình hình mới đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện và sâu rộng hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành tạo chuyển biến về cả nội dung và hình thức. Mục đích cuối cùng là phát huy được tối đa nguồn lực NVNONN cho việc phát triển của đất nước.
Người Việt Nam ở nước ngoài là “Bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Góc nhìn của ông về vai trò quan trọng cũng như nguồn lực to lớn của kiều bào?
Bước vào thời kỳ mở cửa, đổi mới và hội nhập, một bộ phận người Việt Nam ra nước ngoài lập thân, lập nghiệp và lập danh. Họ vẫn âm thầm cống hiến cho đất nước với nhiều cách thức khác nhau. Vấn đề hiện nay là cần làm khơi dậy và nhân rộng tinh thần ấy.
Với số lượng gần 6 triệu người và 80% trong số đó sống ở các nước phát triển, rõ ràng lực lượng này có vai trò quan trọng cũng như động lực to lớn cho sự nghiệp phát triển của nước nhà.
Người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình mới, việc phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước gặp những rào cản nào?
Chúng ta có đội ngũ những nhà lãnh đạo biểu hiện được tất cả tố chất cần có của dân tộc. Lực lượng ấy tinh hoa, văn hóa, sâu sắc, năng động và cấp tiến, đó là những nhà lãnh đạo hiện nay của đất nước. Đội ngũ ấy dẫn dắt dân tộc tiến lên phía trước bằng tầm nhìn chiến lược và đường lối chính trị sáng suốt, đúng đắn.
Trong lĩnh vực công tác với NVNONN đã thể hiện, phát biểu và hành động cũng như ghi nhận những quan điểm, nhận thức vào trong các văn kiện cao nhất của Đảng. Nhưng chúng ta vẫn thiếu kinh nghiệm làm sao phát huy được nguồn lực NVNONN. Chúng ta cần một đội ngũ cán bộ có năng lực như vậy để kêu gọi, thiết kế, tương tác và hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài.
Kiều bào ta nhìn chung chứa đựng những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, có cái giỏi giang, sắc sảo và tài hoa được tôi luyện trong môi trường quốc tế. Lực lượng tiên tiến ấy chính là nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Tôi tin rằng, trong tương lai vai trò của họ sẽ ngày càng được khẳng định sâu sắc.
Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chúng ta nêu “khuyến khích sự đóng góp phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc”. Do vậy, bộ phận NVNONN cần hiểu rõ hơn về những chỉ dẫn của Đảng. Đây là tiền đề chính trị đầu tiên nếu thấm nhuần thì có thể giải quyết được bất cứ trở ngại nào khác. Cụ thể hơn là, trước một số vấn đề đặc thù của đất nước thì việc xây dựng, đóng góp vật lực, nhân lực và trí lực cần phù hợp với thể chế chính trị, tư duy và quan điểm nhận thức cũng như đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam sao cho đúng với tiêu chí về lợi ích quốc gia, dân tộc mà Đảng ta đã xác lập.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, công tác vận động, thu hút nguồn lực của NVNONN ngày càng đi vào chiều sâu. Để phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới, ông khuyến nghị giải pháp gì?
Tôi cho rằng, chúng ta phải tiếp tục tăng cường thông tin một cách sâu rộng hơn nữa về tình hình đất nước cho NVNONN để họ nắm được, hiểu hơn về nước nhà. Từ đó, họ sẽ chủ động tìm kiếm cách thức phù hợp nhằm cống hiến cho đất nước.
Chẳng hạn, trước những khó khăn, khủng hoảng kinh tế khu vực và trên thế giới thì Việt Nam giữ vững ổn định, vượt qua như thế nào dưới sự điều hành của Chính phủ. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt được những kết quả tích cực; những thành công của chính sách đối ngoại thời gian qua của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đời sống văn hóa, xã hội và các vấn đề như quyền phát triển con người, tôn giáo, tín ngưỡng, giáo dục, an sinh xã hội... là những biểu hiện sinh động, nổi bật để NVNONN dõi theo những bước chuyển mình của đất nước. Từ đó, mong muốn đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung của toàn dân tộc.
Quan trọng và sâu xa hơn là làm sao để NVNONN thấy rõ, Đảng ta rất nỗ lực xây dựng thể chế phát triển bền vững, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường. Quá trình nhận thức của Đảng ta về các vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước, bộ phận NVNONN ấy thấu hiểu được sự nhất quán và kiên trì cải cách, đổi mới của Đảng.
Chẳng hạn, quan điểm về thể chế phát triển bền vững chính là sự cải cách đồng bộ về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Những vấn đề nêu trên cũng là giải pháp để NVNONN thấy được sự thay đổi tư duy tích cực, trách nhiệm của Đảng ta trước thực tiễn cuộc sống và là sứ mệnh thiêng liêng đang được đặt trên vai của những người cộng sản nước nhà.
Một khi thông tin có chất lượng lý giải, phân tích thì những trở ngại vi mô đều có thể giải quyết trên nền tảng là sự vững vàng niềm tin ở cái gốc do Đảng ta khởi xướng mà sự chung tay vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Theo ông, làm gì để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với đất nước trong mỗi kiều bào?
Khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trên cơ sở giải quyết tốt các vấn đề tiên quyết (cơ hội đầu tư, hỗ trợ pháp lý, bảo trợ công dân). Tôi tin chắc rằng bất cứ NVNONN nào ít nhiều đều nghĩ về quê hương, đất nước.
Đảng ta sáng suốt và bản lĩnh tiếp tục là lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt dân tộc, đất nước đi lên. Do vậy, chỉ khi nào tinh thần “dân khí” ấy được truyền dẫn vào trong bộ phận NVNONN thì những trang sử vẻ vang mới sẽ được viết lên như những gì cha ông chúng ta đã tô thắm. Muốn vậy, cần phải giáo dục (bồi dưỡng sức dân) và duy trì sự trong sáng của tiếng Việt cũng như truyến bá nền truyền thống văn hóa Việt Nam lên một tầm cao mới.
Xin cảm ơn ông!