Cuộc gặp mặt hữu nghị Việt Nam - Hungary năm 2012. |
Hai nước Việt Nam và Hungary có quan hệ hữu nghị lâu đời với dấu mốc thiết lập quan hệ ngoại giao là ngày 03/02/1950. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, Việt Nam đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ phong trào "Việt Nam - chúng tôi luôn bên cạnh các bạn" của nhân dân Hungary. Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước đã tạo tiền đề và cơ sở đầu tiên cho sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Hungary với đa số là học sinh và lưu học sinh Việt Nam sang du học và lập nghiệp tại đây.
Biểu tượng Việt đầu tiên
Được truyền thông Hungary biết đến thông qua những thành công trong hoạt động kinh doanh khách sạn đầy bản sắc Việt và trở thành người Việt nổi tiếng ở Hungary, Phan Bích Thiện đã được mời làm Chủ tịch Quỹ vì Quan hệ Hungary - Việt Nam và sau đó là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại đây.
Trong vai trò mới mẻ và đầy vinh dự này, Phan Bích Thiện đã dành thời gian tìm hiểu và quan tâm nhiều hơn tới các dấu ấn Việt Nam trong lòng Hungary. Đến năm 2010, tình cờ chị được biết trước đây từng có một công viên mang tên Việt Nam ở Paks - thành phố nằm bên bờ sông Danube ở trung tâm Hungary. Sau khi đất nước này thay đổi thể chế thì nơi này được quy hoạch xây dựng nhà máy Điện nguyên tử và khu công viên trở thành bãi đậu xe. Bích Thiện chỉ tìm thấy một tấm bê-tông với dòng chữ: "Tình hữu nghị Hungary - Việt Nam" đã mờ. Chị bày tỏ với Lãnh đạo Nhà máy Điện mong muốn khôi phục đài kỷ niệm tình hữu nghị hai nước. Thật bất ngờ, Ban giám đốc Nhà máy quyết định giúp xây dựng lại một Đài kỷ niệm hữu nghị ở khu đất đối diện công viên cũ, nằm trong khu vực Quảng trường trung tâm thành phố, cạnh khu Trung tâm Hội nghị Erzsebet.
Trước tin vui này, Quỹ vì Quan hệ Hungary - Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại đây để đưa ra ý tưởng về tượng đài hữu nghị hai nước. Cuối cùng, biểu tượng được thống nhất chọn lựa bao gồm biểu tượng Hươu thần của dân tộc Hungary và biểu tượng trống đồng của dân tộc Việt. Do nhà thiết kế Fusz Gyorgy - hiện là hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Szekszard - thiết kế. Chi phí để xây dựng đài kỷ niệm do Nhà máy điện nguyên tử tài trợ.
Đài kỷ niệm quan hệ hữu nghị Hungary - Việt Nam đã hoàn thành vào đúng dịp Việt Nam tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng được coi là biểu tượng trống đồng Việt Nam đầu tiên ở Đông Âu, thể hiện bằng hai ngôn ngữ Việt - Hung.
Giữ bản sắc Việt
Theo chị Phan Bích Thiện - cộng đồng người Việt tại Hungary, so với các cộng đồng người Việt ở hải ngoại khác, là một cộng đồng "thuần" bởi đều có nguồn gốc là trí thức sang du học và ở lại làm việc tại nước bạn. Tuy nhiên, đây cũng là lý do mà sau bao nhiêu năm định cư tại đây, con số người Việt ở quốc gia Trung Âu này chỉ giao động trong khoảng trên dưới 4.000 người. Vì thế, việc tổ chức các hoạt động lớn như sinh hoạt cộng đồng khá hạn chế. Mặc dù vậy, các Ủy viên Ban thường vụ Hội người Việt ở Hungrary luôn cố gắng tổ chức nhiều hoạt động nhân dịp Lễ - Tết cổ truyền khá thường xuyên, đều đặn.
Ở Hungary, người Việt sống tập trung chủ yếu tại Budapest, kinh doanh hàng may mặc tại các chợ, trung tâm thương mại châu Á và có mức sống tương đối khá so với mặt bằng chung tại đây. Hình ảnh người Việt ở nước sở tại khá tốt. Ý thức rất rõ ràng về vai trò của mỗi người Việt ở nước ngoài góp phần quảng bá hình ảnh và văn hóa đất nước với người dân sở tại nên ngoài việc hòa nhập và tôn trọng luật pháp nước sở tại thì người Việt ở Hungary luôn cố gắng thu hút sự chú ý của người dân Hungary vào các hoạt động cộng đồng của mình.
Trước những ấn tượng đẹp đẽ về sự hội nhập của người Việt tại Hungary - Đài truyền hình Hungary đã thực hiện một bộ phim phóng sự về cộng đồng người Việt tại đây. Nếu như trước đây, khi hỏi về Việt Nam với bất kỳ người Hungary nào, họ sẽ nói Việt Nam mà họ biết là chiến tranh, là thương hiệu Cao sao vàng hay xe đạp và dép tông... Nhưng, qua những thước phim sống động về cộng đồng người Việt tại đây, hình ảnh Việt Nam trong cách nghĩ của người dân sở tại đã thay đổi rất nhiều.
Thiên Đức