Visa khởi nghiệp, giảm thuế thu nhập
Anh Phạm Trung Kiên, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh. (Ảnh: TGCC) |
Anh Phạm Trung Kiên, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh: Tôi là một trong 300 người được sang Anh theo visa (thị thực) khởi nghiệp nên được phép đưa cả gia đình sang Anh sinh sống. Hàng tuần, tôi nhận được thông tin gói hỗ trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo (Bộ Công thương Anh) gửi đến qua đường link.
Tôi mở tài khoản, nộp một ý tưởng hàng tuần. Nếu được đánh giá, trung tâm xuống cơ sở hoặc gọi điện phỏng vấn. Nếu ý tưởng đạt sẽ được giải ngân, lập bộ phận giám sát. Đây cũng là kinh nghiệm rất hay để Việt Nam có thể học tập trong việc thu hút nhân tài khắp thế giới.
Tiến sĩ Lê Huy Bình, người Việt tại Anh: Việt Nam cần thu hút chuyên gia nước ngoài và Việt kiều bằng chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, cụ thể miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia nước ngoài hoặc Việt kiều.
Việt Nam có thể áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định để tạo sự hấp dẫn. Đối với các chuyên gia này, cần tạo cơ hội họ có thể chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với đội ngũ thiết kế và giúp tăng cường khả năng cạnh tranh.
Tăng cường ký kết các hiệp định về xuất khẩu lao động
Giáo sư Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ (VENUSA): Mỹ là nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Nước Mỹ thu hút nhiều lao động chất lượng cao và chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Hiện có 2,3 triệu người Việt sinh sống và làm việc tại Mỹ. Du học sinh Việt đứng thứ năm tại Mỹ với khoảng 22.000 sinh viên.
Vị thế của cộng đồng người Việt ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị tại Mỹ. Nhiều doanh nhân kiều bào đã trở về Việt Nam xây dựng nhà máy, cơ sở kinh doanh, thương mại góp phần vào sự lớn mạnh trong giao thương giữa Mỹ và Việt Nam trong thời gian qua.
Giáo sư Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ. (Ảnh: TGCC) |
Nhiều doanh nhân gốc Việt trở thành cầu nối quan trọng trong việc phát triển quan hệ Việt - Mỹ ngày càng tốt đẹp như ngày hôm nay. Cộng đồng doanh nhân Việt tại Mỹ luôn hướng về quê hương qua các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19.
Người Việt tại Mỹ đứng hàng đầu với khoảng 50% trong tổng số kiều hối về Việt Nam.
Trong thời gian qua, Hội doanh nhân người Việt tại Mỹ đã làm việc với một số doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp người Việt tại Mỹ. Nhiều doanh nghiệp mong muốn đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Mỹ trong các ngành dược phẩm, y tế, chăm sóc sức khỏe, làm móng (nail). Trong đó, có một doanh nghiệp sản xuất cá hồi hàng đầu của Alaska muốn đưa lao động Việt Nam sang làm việc thời vụ.
Tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam. Hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mở ra cơ hội cho các chuyên gia sang Mỹ học tập và lao động. Tôi kỳ vọng hai nước sẽ ký kết hiệp định về xuất khẩu lao động.
Tôi mong muốn phối hợp với các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp tại Việt Nam xây dựng các chương trình hợp tác xuất khẩu lao động bài bản cho thị trường Mỹ nơi mà yêu cầu khắt khe về pháp luật và đào tạo nghề, trình độ tiếng Anh.
Thu hút kiều bào hưu trí
GS. Đặng Lương Mô, người Việt tại Nhật Bản: Nhìn lại những năm thập niên 70 của thế kỷ XX, ngành công nghiệp vi mạch đưa Nhật Bản phát triển thần kỳ và được thế giới ngưỡng mộ. Sau đó, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… đều đạt thành tựu quan trọng về lĩnh vực này. Điểm chung của họ là tận dụng tốt nguồn Hàn kiều, Hoa kiều… từ những nước phát triển đi trước như Mỹ, Nhật, châu Âu. Do đó, Việt Nam cần phải thu hút lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài.
Người Việt Nam ở nước ngoài có thể chia thành hai nhóm. Đó là những người đã về hưu, những người còn đang làm việc. Những người về hưu có nhiều thời gian, không nặng cơm áo gạo tiền sẵn sàng đóng góp theo khả năng. Những người lớn tuổi, ngoài kinh nghiệm còn có nhiều mối quan hệ, bạn bè và học trò.
Việt Nam có thể mời chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về nước 1-2 tháng để làm việc hoặc làm việc trực tuyến. Nhà nước có thể thành lập tổ tư vấn kiều bào về vi mạch bán dẫn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thu hút đến lớp người Việt kiều hưu trí ở những nước công nghiệp phát triển. Lấy nước Mỹ làm ví dụ, bởi vì Mỹ là quốc gia đa chủng tộc, đa sắc dân, và có số lượng Việt kiều đông nhất. Trong đó, số người Việt trên 65 tuổi ở Mỹ là 340.000 người.
Chỉ cần chúng ta thu hút được 10% số Việt kiều lớn tuổi như vậy trở về sinh sống tại Việt Nam, khoảng 34.000 người, tức là huy động được lượng kiều hối tương đương với trên 40.000 người của diện xuất khẩu lao động.
GS. Đặng Lương Mô, người Việt tại Nhật Bản. (Ảnh: TGCC) |
Đây mới là lượng kiều hối từ nguồn lương hưu của những người này, chưa kể số tiền tiết kiệm riêng. Thêm nữa, những Việt kiều trên 65 tuổi đều là những “túi khôn”, kho “kinh nghiệm”, “trí tuệ”, một phần lớn còn có sức khỏe để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, giáo sư cho biết.
Có câu “Lá rụng về cội!” con người ta đến tuổi gần đất xa trời thì hay nhớ tới quê hương. Nhiều người muốn trở về sống nốt quãng đời còn lại ở quê nhà. Bản thân tôi đã trở về Việt Nam từ hơn 20 năm nay chỉ sống bằng lương hưu và tiền tích lũy.
Cần có sự chuẩn bị tiếp đón chu đáo những Việt kiều hưu trí, Nhà nước nên khuyến khích hoặc chủ động xây dựng, chỉnh trang những cơ sở phúc lợi có hoạt động y tế hoàn chỉnh dành cho Việt kiều cao tuổi. Đồng thời, các cơ quan ngoại giao ở những nước có nhiều Việt kiều cao tuổi sinh sống nên có hoạt động tuyên truyền, giải thích về những cơ sở phúc lợi như vậy, về những cơ chế chính sách đối với Việt kiều cao tuổi.
Một khi đã có một số người “hồi hương” rồi, thì con cháu họ sẽ hàng năm về thăm họ, kéo theo nguồn thu ngoại hối khác nữa! Chưa kể đây còn đóng góp cho công tác phát triển tình đoàn kết giữa người Việt trong nước với người Việt hải ngoại. Thật là “nhất cử lưỡng tam tiện”. Tôi hy vọng kế sách thu hút Việt kiều đã nghỉ hưu sẽ là một hướng mới trong hoạt động gia tăng nguồn kiều hối và hơn thế nữa.
Tận dụng kỳ nghỉ Giáng sinh và Tết Tây
PGS. TS. Bùi Quốc Bảo, Đại học Savoie Mont Blanc, Pháp: Từ năm 2016, tôi về làm công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP. Hồ Chí Minh theo diện chuyên gia.
Tôi có nhiều bạn bè hoặc sinh viên phương Tây, họ có xu hướng thích thám hiểm, khám phá những vùng đất mới. Họ có thể một mình đến một đất nước xa lạ (như Việt Nam) để học tập, làm việc hoặc du lịch trong vòng nhiều tháng cho đến vài năm, rồi sau đó về nước, để có thể trải nghiệm mới về đất nước, con người, văn hoá. Nói vậy để thấy rằng việc phiêu lưu, thám hiểm, khám phá là một phần của văn hoá Tây phương, trong khi điều này vốn không là truyền thống ở Việt Nam.
Trong một lần tôi đi công tác tại Đại học Thẩm Quyến (Trung Quốc), tôi có dịp chứng kiến rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu thế giới người (gốc) Trung Quốc được mời về làm việc, giảng dạy, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, tư vấn chiến lược cho Đại học Thẩm Quyến trong khoảng thời gian từ một vài tuần cho đến vài tháng một năm.
Thường họ sẽ tận dụng kỳ nghỉ Giáng sinh và Tết tây ở các nước phương Tây để thực hiện chuyến về thăm gia đình và kết hợp làm việc với các cơ sở ở Trung Quốc trong khoảng thời gian 2-4 tuần. Đây là điều mà Việt Nam có thể học tập.
Việc người Việt vươn ra thế giới, tham gia làm việc ở các nước tiên tiến, một mặt góp phần đóng góp vào lượng kiều hối hàng năm, một phần rất quan trọng cho Việt Nam.
Mặt khác, những trải nghiệm quý báu của người Việt công tác tại những vị trí, môi trường tiên tiến sẽ là những đóng góp gián tiếp rất giá trị cho việc xây dựng chính sách, phát triển xã hội của Việt Nam.