Trong những tháng qua, các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của cộng đồng người Việt vào các dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhiều đại biểu đánh giá các dự thảo văn kiện đã được chuẩn bị công phu, khoa học, kết cấu chặt chẽ, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển.
Các văn kiện đã có những đánh giá khách quan, toàn diện và cụ thể các kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời có những đánh giá, dự báo sát thực về tình hình, bối cảnh thế giới cũng như trong nước.
Đặc biệt, các ý kiến đóng góp của kiều bào ta đều mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chính sách thuận lợi hơn nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích bà con có nhiều đóng góp hơn nữa cho quê hương, cũng như quan tâm hỗ trợ bà con trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối vững chắc cho quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến cộng đồng người Việt Nam tại Đức về Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. |
Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến cộng đồng người Việt Nam tại Đức về Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tổ chức gần đây có sự tham gia của đông đảo đại diện các Hội đoàn, các nhân sỹ, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại Đức cùng đại diện các chi bộ thuộc Đảng bộ tại Đức.
Đại diện các tổ chức Hội đoàn của người Việt Nam tại Đức (như Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt-Đức, Hội Sinh viên, Câu lạc bộ Tháng Mười, Tạp chí Hương Việt...) cũng như đại diện các Chi bộ đều nhất trí và đánh giá Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học và có chất lượng. Dự thảo các văn kiện khái quát tương đối toàn diện quá trình đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội và những thành tựu về mọi mặt mà đất nước đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, cũng như chỉ ra một số hạn chế cần được khắc phục để đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững hơn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị, Dự thảo văn kiện có nhiều điểm mới, trong đó có định hướng mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, những vấn đề về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên...
Về xây dựng Nhà nước pháp quyền và xây dựng Đảng, một số đại biểu nhấn mạnh cần tiếp tục cải cách hành chính, kiên quyết hơn trong công cuộc phòng chống tham nhũng thông qua việc tăng cường giám sát, chú trọng làm tốt hơn nữa công tác cán bộ. Trong đó, cần lựa chọn người có tài, có đức, nhất là cán bộ trẻ có năng lực và ngoại ngữ tốt, để đưa vào các vị trí lãnh đạo, kiên quyết loại bỏ những người không đủ năng lực, phẩm chất, qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đã góp ý về việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, tận dụng các cơ hội của công nghệ số cho phát triển quốc gia, nhất là trong kỷ nguyên số và trong bối cảnh kinh tế số đang được đẩy mạnh tại Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức cuộc họp trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng người Việt tại Lào vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. |
Hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng ủy tại Lào đã gửi các văn bản, thông báo xuống các chi bộ, các nơi trong Đảng và trong cộng đồng; đồng thời đưa lên mạng dự thảo văn kiện và hướng dẫn bà con đóng góp ý kiến trên mạng.
Tháng trước, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của bà con đóng góp vào 4 dự thảo văn kiện của Đại hội, với sự tham dự của đại diện Tổng hội người Việt Nam tại Lào, Hội người Việt Nam tại Vientiane, Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào, Ban cán sự Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Lào cùng đại diện một số chi hội và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào.
Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Lào nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã làm tốt công tác chống tham nhũng và được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con trong và ngoài nước và mong rằng nhiệm kỳ tới, Đại hội sẽ bầu ra những người có tài, có đức để làm tốt hơn nữa nhằm đáp ứng mong mỏi của toàn thể cộng đồng bà con Việt Nam tại nước ngoài.
Tổng kết cuộc họp, ông Lê Nho Thạnh, Phó bí thư Đảng ủy tại Lào nêu rõ các ý kiến đều nhất trí với các nội dung được nêu ra trong 4 dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng, đồng thời khẳng định báo cáo được xây dựng rất công phu, tỉ mỉ và chặt chẽ với nhiều ý kiến mới được bổ sung vào trong văn kiện. Đặc biệt, trong văn kiện để trình Đại hội lần này cũng đã chắt lọc được các ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân, tầng lớp trí thức, các tổ chức Đảng Trung ương và địa phương.
Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Canberra (Australia) tổ chức tọa đàm lấy ý kiến của cộng đồng người Việt tại Australia vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. |
Tại Australia, đại diện giới trí thức, các nhà nghiên cứu khoa học, doanh nhân, Hội sinh viên Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Canberra đã trực tiếp tham gia tọa đàm cùng đại diện các chi bộ Tổng lãnh sự, lưu học sinh Việt Nam từ nhiều vùng trên khắp Australia tham gia theo hình thức trực tuyến.
Các đại biểu nhất trí cho rằng việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, trong đó có cộng đồng bà con Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện được sự cởi mở, tinh thần phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước cho các năm tới, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện quan trọng của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng phát triển đến năm 2030, năm 2045, các văn kiện dự thảo thể hiện được những quan điểm, chủ trương lớn, giải pháp chủ yếu nhằm đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều nhận xét, góp ý, đề xuất cụ thể về nội dung các văn kiện, tập trung vào các vấn đề kinh tế, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển bền vững…
Đặc biệt, các đại biểu cho rằng cần bổ sung nội dung đánh giá về tầm quan trọng và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở đó, cần thể hiện sâu sắc hơn quan điểm, chính sách đối với người Việt tại nước ngoài, có giải pháp nhằm khuyến khích và nâng cao đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
***
Việc lấy ý kiến được các hội đoàn, các tổ chức dành cho người Việt ở nước ngoài và bà con kiều bào ta hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết, xác đáng và đầy trách nhiệm. Việc làm này thể hiện trách nhiệm của những người con sống xa quê hương nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc.