📞

Người Việt ở xứ sở “cỏ ba lá”

14:36 | 16/01/2015
Thật ngạc nhiên bên cạnh con số hơn 4,5 triệu dân của đất nước Ireland, có tới 2.000 người Việt đang sinh sống với tinh thần hội nhập và luôn phát huy truyền thống văn hóa truyền thống ở xứ người.
Đêm văn hóa - Tết Việt Nam” ở Dublin, Ireland.

Được thành lập từ năm 1989, Hội người Việt Nam tại Ireland là tổ chức duy nhất tập hợp tất cả cộng đồng người Việt Nam ở Ireland. Mục đích hoạt động của Hội là gìn giữ truyền thống văn hoá của người Việt Nam và giúp đỡ cho bà con trong cộng đồng người Việt. Tham gia vào Ban lãnh đạo Hội từ năm 2012, ông Đinh Đình Thủy, Việt kiều đến từ Hải Phòng mong muốn đóng góp một phần công sức giúp cho cộng đồng ngày càng phát triển và luôn cảm thấy tự hào là một người con đất Việt.

Cộng đồng ngày càng mở rộng

Theo ông Đinh Đình Thủy, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ireland, người Việt Nam định cư tại Ireland từ năm 1979 với con số lúc đầu chỉ vào khoảng 500 người. Tuy còn hạn chế về ngôn ngữ và công việc còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn nhận được sự giúp đỡ và hưởng đầy đủ chính sách của nhà nước Ireland.

Tại Ireland, người Việt chủ yếu định cư, sinh sống ở Thủ đô Dublin với khoảng hơn 1.500 người, tập trung tại các khu vực Dublin 13, 15, 17, 22, 24... Thời gian đầu, họ sống khá tách biệt, nhưng về sau có thêm nhiều người Việt từ các nước khác chuyển đến và các học sinh, sinh viên ở trong nước sang nên cộng đồng người Việt ngày càng mở rộng.

Trước đây, phần lớn người Việt thường làm nhân viên phục vụ trong các cửa hàng ăn nhanh của người Trung Quốc, Thái Lan... hoặc các ngành nghề khác như công nhân vệ sinh, trang điểm móng, chăm sóc người già, người tàn tật trong các trại dưỡng lão, làm y tá, điều dưỡng ở các bệnh viện... Hiện nay, xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng có thương hiệu mà chủ nhân là người Việt như Kim Quy Vietnamese, Dragon House Vietnamese...

Được nhiều người biết đến chính là nhà hàng Ho Sen Vietnamese Restaurant tọa lạc tại một vị trí khá đẹp ở Dublin 2, thuộc khu trung tâm thành phố. Quán ăn này phục vụ 24/24 giờ với thực đơn chính là những món ăn Việt như phở bò, chả nem, cá kho tộ, tôm tẩm bột chiên rất được lòng thực khách sở tại.

Sự thú vị đến từ xứ lạ

Cộng đồng sinh viên Việt Nam hiện diện ở cả bốn thành phố lớn của Ireland là Dublin, Galway, Cork và Limerick. Các sinh viên Việt Nam ở đây luôn nhiệt tình giúp người Việt Nam mới đến tìm kiếm chỗ ở, chỗ mua thực phẩm Việt và tất cả những gì cần biết để có thể hòa nhập tốt vào cuộc sống. Các sinh viên Việt còn tổ chức nhiều hoạt động như các trận đấu bóng hàng tuần, tiệc BBQ trong công viên, các buổi học nhảy hay các bữa tiệc họp mặt. Đặc biệt, năm 2013, sinh viên Việt ở Dublin đã cùng nhau tổ chức một loạt sự kiện để giới thiệu văn hóa Việt cho người bản xứ và gây quỹ cho chương trình từ thiện “Cơm Có Thịt”. Năm 2014, đông đảo sinh viên tại đây đồng lòng xuống đường tuần hành ủng hộ biển đảo quê hương.

Học tập tại Ireland, nhiều sinh viên còn cảm thấy thú vị khi phát hiện ra quốc hoa của Ireland chính là chiếc cỏ ba lá, hay còn được gọi là Shamrock - biểu tượng cho sự may mắn. Cỏ ba lá xuất phát từ một vị thánh tên là Saint Patrick - nhà truyền giáo người Anh gốc La Mã bị bắt làm nô lệ và bán vào Ireland. Sau này, sự cống hiến của ông được người dân Ireland tôn vinh, được Giáo hội ghi nhận và đất nước Ireland chọn ngày mất của ông - ngày 17/3 là Ngày lễ Thánh Patrick. Tương truyền lúc sinh thời, ông thường dùng hình ảnh cỏ ba lá để giải thích cho mầu nhiệm "Một Chúa Ba Ngôi": Cha, Con và Thánh Thần.. và hình ảnh này đã trở thành biểu tượng quốc gia của Ireland.

Với quốc huy là chiếc đàn Harp, âm nhạc cũng luôn là một phần quan trọng của văn hóa Ireland, từ những bản nhạc truyền thống cho tới các dịp lễ hội dưới hình thức chơi và hát các bản ballad, khiêu vũ Ireland… Bên cạnh di sản văn học với ba nhà văn đạt giải Nobel, Ireland còn được gọi bằng một cái tên khác là Đảo Ngọc với khung cảnh đầy thơ mộng.

Có thể nói, chính sự lãng mạn của đất nước này đã giúp những người Việt Nam đến đây có được sự bình yên cũng như thoát khỏi những guồng quay bận rộn của cuộc sống thường nhật.

LÊ AN