Một hoạt động của người Việt tại Australia - Ảnh minh họa. (Nguồn: VOV5) |
Đại diện giới tri thức, các nhà nghiên cứu khoa học, doanh nhân, Hội sinh viên Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Canberra đã trực tiếp tham gia Tọa đàm cùng đại diện các chi bộ Tổng lãnh sự, lưu học sinh Việt Nam từ nhiều vùng trên khắp Australia tham gia theo hình thức trực tuyến.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã sôi nổi đóng góp ý kiến vào từng văn kiện lớn nhằm thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của cộng đồng người Việt tại Australia đối với các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII.
Các đại biểu nhất trí cho rằng việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, trong đó có cộng đồng bà con Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện được sự cởi mở, tinh thần phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước cho các năm tới.
Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện quan trọng của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Nhiều đại biểu đánh giá các dự thảo văn kiện đã được chuẩn bị công phu, khoa học, kết cấu chặt chẽ, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển.
Các văn kiện đã có những đánh giá khách quan, toàn diện và cụ thể các kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệp; đồng thời có những đánh giá, dự báo sát thực về tình hình, bối cảnh thế giới cũng như trong nước.
Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng phát triển đến năm 2030, năm 2045, các văn kiện dự thảo thể hiện được những quan điểm, chủ trương lớn, giải pháp chủ yếu nhằm đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều nhận xét, góp ý, đề xuất cụ thể về nội dung các văn kiện, tập trung vào các vấn đề kinh tế, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển bền vững…
Một số ý kiến cho rằng phần dự báo tình hình thế giới và trong nước cần cân bằng hơn giữa các nội dung về thách thức và cơ hội, cần bổ sung đánh giá về các thuận lợi và yếu tố có triển vọng thúc đẩy triển vọng phát triển kinh tế-xã hội, củng cố tính khả thi của các chỉ tiêu đặt ra trong 5 năm tới. Các khái niệm mới cũng cần được định nghĩa, làm rõ nội hàm để thống nhất triển khai và theo dõi đánh giá thực hiện theo lộ trình đề ra.
Về giáo dục- đào tạo, các đại biểu cho rằng để tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cần chú trọng đến thu hút nhân lực, nhân tài của kiều bào ta ở nước ngoài.
Đặc biệt, các đại biểu cho rằng cần bổ sung nội dung đánh giá về tầm quan trọng và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở đó, cần thể hiện sâu sắc hơn quan điểm, chính sách đối với người Việt tại nước ngoài và có giải pháp nhằm khuyến khích và nâng cao đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Ngoài ra, đại diện lưu học sinh Việt Nam tại Australia nêu kiến nghị cần có các giải pháp cụ thể trong việc đào tạo, xây dựng thế hệ thanh niên năng động, nhiệt huyết và nhạy bén trước những khó khăn. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới cần có sự quan tâm đặc biệt, phù hợp đối với các đối tượng thanh niên ở từng khu vực, vì đây là nguồn lao động trẻ vừa có năng suất lao động, có trí tuệ và khả năng thích ứng với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kết thúc buổi Tọa đàm, Đai biện lâm thời Việt Nam tại Australia Phạm Thị Thúy Nga cho biết, các ý kiến đóng góp tâm huyết của cộng đồng người Việt tại Australia đều được Ban tổ chức ghi nhận, tổng hợp và gửi về trong nước, góp phần hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng.