TIN LIÊN QUAN | |
Cộng đồng người Việt tại Ba Lan với cuộc CMCN 4.0 | |
Cộng đồng người Việt tại Ba Lan tổ chức Đại lễ Phật Đản |
Đại sứ Vũ Đăng Dũng trao Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho ông Trần Anh Tuấn và các tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc cho cộng đồng. |
Trong trò chuyện với TG&VN, ông Lê Thiết Hùng - nguyên Chủ tịch Hội người Việt tại Ba Lan cho rằng, điểm mạnh và nổi bật nhất của cộng đồng người Việt tại Ba Lan là bà con rất đoàn kết, đều có tâm, đồng lòng trong xây dựng và phát triển cộng đồng. Một điểm mạnh nữa của người Việt tại Ba Lan là cộng đồng có hàm lượng trí thức cao (khoảng 30% tốt nghiệp đại học trở lên), một lòng hướng về đất nước.
Vì những nguồn sức mạnh ấy mà trong suốt 20 năm qua, Hội đã từng bước tạo dựng nền móng vững chắc cho sự trưởng thành và an cư lâu dài của người Việt tại Ba Lan. Như khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng: “Sự ra đời của Hội được xem như dấu mốc quan trọng trong đời sống của cộng đồng, chính thức ghi nhận một tổ chức mang tính chính danh đại diện cho sự hình thành, tồn tại, phát triển của cộng đồng người Việt tại Ba Lan”.
Ngôi nhà của những người Việt an cư
Đại sứ Vũ Đăng Dũng cho biết, ngay từ những năm 1960, người Việt Nam bắt đầu có mặt, học tập và lao động ở Ba Lan. Đến những năm 1980 và 1990, số người Việt Nam là sinh viên, thực tập sinh và người lao động sang Ba Lan tăng nhanh chóng, một cộng đồng người Việt Nam có xu hướng định cư làm ăn lâu dài ở sở tại dần hình thành. Là một cộng đồng thiểu số trẻ, chăm chỉ, năng động và trước nhu cầu tự nhiên của con người được quy tụ, liên kết gần gũi trong một tổ chức hội đoàn, ngày 5/3/1999 "Hội người Việt Nam tại Ba Lan đoàn kết và hữu nghị" chính thức ra đời và được Tòa án khu vực Warsaw công nhận là một tổ chức xã hội hoạt động hợp pháp.
GS. TS Tadeusz Iwinski,Chủ tịch Hội hữu nghị Ba Lan - Việt Nam: Là một chính trị gia, thường xuyên quan tâm, theo dõi, giúp đỡ người Việt, tôi rất mừng khi thấy người Việt ở đây không những hội nhập rất tốt, mà còn biết bảo tồn văn hóa của họ. |
Cũng theo Đại sứ Vũ Đăng Dũng, trong hơn 20 năm qua, trải qua nhiều thăng trầm, hoạt động của Hội gặp không ít khó khăn, còn nhiều hạn chế nhưng không thể phủ nhận Hội đã từng bước trưởng thành, lớn mạnh, ngày càng trở thành chỗ nương tựa không thể thiếu của cả cộng đồng.
Đại sứ cho biết, ngay những năm đầu mới thành lập, Hội đã tích cực phối hợp với cơ quan đại diện, nhóm nghị sỹ hữu nghị Ba Lan – Việt Nam, các cơ quan hữu quan và những bạn bè và người Ba Lan có uy tín, cảm tình với Việt Nam tạo điều kiện cho người Việt Nam kinh doanh, làm ăn hợp pháp, ổn định cuộc sống. Từ chỗ là những nhóm người buôn bán hàng may mặc, kinh doanh nhỏ lẻ tại chợ sân vận động, nay người Việt đã là những doanh nhân với nhiều ngành nghề khác nhau, lập ra các trung tâm thương mại có quy mô lớn ở khu vực Wolka Kosowska được các cấp chính quyền và nhiều người dân sở tại biết đến.
Đặc biệt, cùng với các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích kinh doanh hợp pháp của cộng đồng, Hội luôn quan tâm, phối hợp với các tổ chức hội đoàn thường xuyên tham gia, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - xã hội với hình thức phong phú đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, tâm linh và tôn giáo của bà con, góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh cộng đồng trong xã hội sở tại, tích cực hưởng ứng các hoạt động thiện nguyện hướng về cội nguồn đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị (trái) tặng hoa chúc mừng Hội. |
Những “tư lệnh” giàu tâm huyết
Có thể nói, sức mạnh đoàn kết là động lực chính giúp Hội người Việt tại Ba Lan phát triển như ngày nay, trong thành tựu ấy có đóng góp không nhỏ của những “tư lệnh” giữ vai trò Chủ tịch Hội như nguyên Chủ tịch Nguyễn Văn Thái và Lê Thiết Hùng...
Ông Nguyễn Văn Thái là người tích cực hoạt động xã hội từ thời học ở Warsaw. Khi Hội người Việt tại Ba Lan đoàn kết và hữu nghị được thành lập, ông được bầu làm Chủ tịch liên tiếp 2 nhiệm kỳ đầu tiên và là Phó Chủ tịch Hội những nhiệm kỳ tiếp theo. Ông Thái cũng là một nhà thơ, dịch giả đã cho xuất bản những tác phẩm dịch của các nhà văn nổi tiếng Ba Lan sang tiếng Việt. Ông còn là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam suốt 3 kỳ đại hội, trực tiếp phản ánh những nguyện vọng, tâm tư của bà con với lãnh đạo ở trong nước.
Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài: Hội người Việt Nam tại Ba Lan tham gia rất tích cực các hoạt động ở trong nước, ví dụ như Xuân Quê hương, cử đại biểu đi thăm Trường Sa, cho các cháu về nước dịp Trại hè Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của cộng đồng. |
Ông Lê Thiết Hùng là lưu học sinh khoá (1970-1975) tại Wrocław. Năm 1990, ông quay lại Ba Lan và một trong những sáng lập viên Hội Việt Nam tại Ba Lan đoàn kết và hữu nghị. Được cộng đồng biết đến là một vị Chủ tịch "miệng nói tay làm", ông Hùng không từ chối bất cứ việc gì khi bà con cần giúp đỡ. Trong tâm thức, ông Hùng luôn coi Ba Lan là quê hương thứ hai của mình và luôn biết ơn đất nước này vì đã giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn cán bộ khoa học, kỹ thuật giỏi.
Mới đây, tại Đại hội lần IV, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh đã được bầu làm Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan nhiệm kỳ 2019-2024. Là Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan từ ngày đầu thành lập năm 1999, các hoạt động chung của cộng đồng hầu như không thiếu vắng vai trò của ông Tuấn. Ông còn là Trưởng ban tổ chức cho nhiều hoạt động lớn của cộng đồng như Tết cổ truyền, Kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam, Lễ Giỗ tổ, các cuộc thi người đẹp Việt Nam tại Ba Lan, tổ chức giải golf Ba Lan mở rộng hay các hoạt động thiện nguyện hướng về quê hương…
Đại hội đã thành công khi chọn ra được nhiều gương mặt năng động vào Ban Chấp hành, tạo luồng gió mới trong các hoạt động của Hội. Về phương hướng hoạt động, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ mới là đổi mới phương thức hoạt động nhằm tăng cường củng cố đoàn kết trong cộng đồng và hội nhập sâu rộng hơn nữa vào đời sống kinh tế xã hội của nước sở tại.
Đại sứ Vũ Đăng Dũng cho rằng, Hội cần ý thức mở ra một thời kỳ mới, giúp cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tham gia và đóng góp vào sự phát triển phồn vinh của Ba Lan cũng như làm cầu nối gắn kết quan hệ hai nước. “Một cộng đồng thành đạt phải là một cộng đồng có địa vị chính trị pháp lý cao, vị thế kinh tế vững vàng, có bản sắc, gắn kết chặt chẽ và được xã hội sở tại thừa nhận. Với trách nhiệm lớn lao này, Đại sứ quán Việt Nam sẽ luôn đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ và là chỗ dựa tin cậy của toàn thể cộng đồng”, Đại sứ khẳng định.
Ngày 7/7 vừa qua, tại Warsaw, Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và Đại hội lần thứ VI. Buổi lẽ đã có nhiều vị khách quý đến dự như Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng, GS. TS Tadeusz Iwiński - Chủ tịch Hội hữu nghị Ba Lan - Việt Nam... Dịp này, Bộ Ngoại giao và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tặng Bằng khen và Giấy khen cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của Hội. |
| Có một Hà Nội ở Vác-xa-va Với những người Hà Nội xa xứ, họ luôn có một cách riêng để có thể chia sẻ và được sống trong không khí thân ... |
| Nhà khoa học “hát thơ” tại Ba Lan Lâm Quang Mỹ nổi tiếng là một nhà thơ và dịch giả thơ từ tiếng Việt sang tiếng Ba Lan. Từ năm 2004 đến nay, ... |
| Ba Lan chưa xa đã bịn rịn… Thấm thoát đã qua bốn năm làm nghiên cứu sinh, chỉ hơn một tháng nữa tôi sẽ bảo vệ luận án rồi trở về quê ... |