Trước việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhiều ý kiến trong cộng đồng người Việt ở Nga bày tỏ sự khâm phục trước những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội mà đất nước đã đạt được trong những năm qua. Bà con mong muốn được góp sức vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Đỗ Văn Tiếu, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Nga. |
Suốt chiều dài lịch sử 90 năm thành lập, mỗi Đại hội Đảng đều được coi là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu một bước phát triển mới của đất nước. Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, trong đó có cộng đồng bà con Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện được sự cởi mở, tinh thần phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước cho các năm tới.
Qua nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị cũng như Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, nhiều trí thức, doanh nhân Việt đang sinh sống, làm việc tại Nga đều nhận thấy, sau 35 thực hiện đổi mới cũng như 10 năm thực hiện cương lĩnh mới từ năm 2011, đất nước đã có những bước phát triển toàn diện.
Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Ông Đỗ Văn Tiếu, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Liên bang Nga, chủ doanh nghiệp may mặc ở tỉnh Vladimir bày tỏ sự khâm phục: “Thời gian vừa qua, những người lãnh đạo Đảng và Đảng mình đi một đường lối rất đúng đắn. Thước đo của nó mà tôi nhìn thấy là xã hội phát triển với tốc độ tương đối cao. Điều đó đánh giá được sự đúng đắn của chính sách kinh tế và hệ thống chính trị.
Về đối ngoại, Đảng và Chính phủ đang đi một chính sách rất đúng đắn, tức là hòa nhập vào thế giới, nhưng giữ được chủ quyền, giữ được chủ quyền biển đảo một cách hòa bình. Vì mối quan hệ với thế giới, với các nước láng giềng rất quan trọng, thì vừa rồi mình làm rất tốt”.
Là một công dân Việt Nam sống và làm việc tại Liên bang Nga đã nhiều năm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga rất quan tâm đến những dự thảo văn kiện trình Đại hội. TS. Nguyễn Quốc Hùng nhận thấy rằng, trong Dự thảo Báo cáo chính trị lần này bổ sung, nhấn mạnh một số như nội dung về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.
Cụ thể, về thể chế, Dự thảo Báo cáo chính trị mở rộng phạm vi thành thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật.
Về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở chú trọng nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia Trung tâm chiến lược Nga tại Châu Á, |
TS. Nguyễn Quốc Hùng góp ý về huy động nguồn lực kiều bào vào phát triển đất nước: “Huy động nguồn lực kiều bào, nguồn nhân lực chất lượng cao cần có những cơ chế, chính sách cụ thể tạo động lực để thu hút nguồn nhân lực kiều bào chất lượng cao theo hướng chúng ta quan tâm không chỉ đúng mức về lợi ích kinh tế mà cả thể chế, cách thức. Ví dụ tạo ra những trung tâm khoa học, trung tâm tiếp nhận đổi mới công nghệ… để những người tài năng có thể trở về nước, quyết định gắn bó, cống hiến cho đất nước.”
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Bá, chủ doanh nghiệp ở thành phố Novosibirsk cũng mong muốn rằng, nhà nước có chính sách ưu tiên, tạo thuận lợi cho kiều bào đầu tư về trong nước: “Những người muốn đầu tư nhỏ về chế biến, sản xuất về Việt Nam cỡ 2-3 triệu USD rất nhiều. Bây giờ làm thế nào phải ưu tiên Việt kiều, làm thế nào để đầu tư được thuận lợi”.
Bên cạnh đó, để phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, bà con đề xuất, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đối với đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cần có quy chế mạnh mẽ hơn hiện nay, giám sát phải thực hiện từ đồng chí giữ cương vị cao nhất, phải gương mẫu.
Về vấn đề chống tham nhũng, tạo niềm tin cho người dân, văn kiện nên nhấn mạnh chế tài thu hồi tài sản tham nhũng, phòng chống tham nhũng phải quyết liệt hơn thì mới ngăn chặn được.
Chính sách đối ngoại của đất nước trong những năm tới cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại Nga. Nhiều ý kiến cho rằng, hội nhập vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng trước tình hình thế giới có nhiều biến động, vấn đề tạo lòng tin là quan trọng. Do đó, Đảng và nhà nước cần tiếp tục coi trọng vai trò của ngoại giao nhân dân, bao gồm cả ngoại giao kinh tế, văn hóa, khoa học…
Ngoài ra, bà con mong muốn, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga, nhất là về kinh tế, văn hóa được tăng cường hơn nữa, mở rộng xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường rộng lớn của Nga, thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Về phần mình, cộng đồng người Việt tại Nga đang và sẽ nỗ lực góp phần vào phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng sâu đậm.