Văn nghệ đón Tết Nhâm Thìn tại Pháp. (Ảnh: Vietnam+) |
Phó Thị trưởng Thành phố Kisarazu thuộc tỉnh Chiba, Công sứ Hồ Minh Tuấn và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng bà con Việt kiều và các bạn bè Nhật Bản đã tới tham dự.
Phát biểu khai mạc, Công sứ Hồ Minh Tuấn khẳng định mối quan hệ Việt-Nhật đang phát triển hết sức tốt đẹp và hai nước có nhiều điểm tương đồng về mặt văn hóa.
Ông cũng bày tỏ hy vọng với sự kiện này, mối quan hệ giữa người dân Việt Nam, người dân Nhật Bản nói chung và người dân tỉnh Chiba nói riêng sẽ ngày càng được củng cố và phát triển.
Phó Thị trưởng Thành phố Kisarazu đã đánh giá cao những đóng góp của ông Ngô Hùng Lâm, người hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố cũng như đối với quan hệ hữu nghị Nhật-Việt.
Tại buổi lễ, các vị khách mời đã được thưởng thức các món ăn dân tộc cổ truyền của Việt Nam cùng các tiết mục văn nghệ do ban nhạc Hồn Việt của Nhật Bản biểu diễn.
Ngày 22/1, lễ khai mạc Triển lãm ảnh, hiện vật và chương trình biểu diễn Dân ca quan họ Bắc ninh đã diễn ra tại trụ sở của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, nhằm giới thiệu lịch sử, quá trình bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát quan họ của Việt Nam.
Đây là những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sặc mang tên “Giao thừa hướng về đất nước” do chính Trung tâm tổ chức với sự phối phợp của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Tham dự các hoạt động có Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa (UNESCO) của Liên hợp quốc tại Paris (Pháp); bà Brigitte Favarel, Phó vụ trưởng các phụ trách các vấn đề châu Âu và quốc tế thuộc Bộ Văn hóa và Truyền thông Pháp; ông Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam; ông Trần Quang Hải, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc cùng đông đảo bà con kiều bào và bạn bè Pháp tại Paris và các vùng lân cận.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp cho biết việc tổ chức các hoạt động trên là nhằm thực hiện Chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca quan họ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi thể của nhân loại.
“Dân ca quan họ” còn được gọi là Dân ca quan họ Kinh Bắc, Dân ca quan họ Bắc Giang hay dân ca quan họ Bắc Ninh… với những làn điệu của vùng Đồng bằng Bắc bộ tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc (gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay), được phát triển chủ yếu ở vùng ven sông Cầu - ranh giới tự nhiên của hai tỉnh.
Với không gian trưng bày, số lượng ảnh và hiện vật còn khiên tốn, nhưng người xem đã phát hiện tại triển lãm này những nét cơ bản về lịch sử hình thành, phát triển và sự cần thiết phải gìn giữ và dung dưỡng loại hình nghệ thuật này.
Sau khi được nghe giới thiệu về vẻ đẹp của dân ca Quan họ và thưởng thức những làn điệu độc đáo đặc sắc của loại hình nghệ thuật này, do nhà dân tộc học Trần Quang Hải và đoàn quan họ Bắc Ninh trình bày, kiều bào và các bạn bè Pháp đã được xem cầu truyền hình trực tiếp về chương trình chào xuân Nhâm Thìn, không khí đón giao thừa tại thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, được ngắm nhìn các màn bắn pháo hoa muôn màu.
Lời chúc Tết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm mọi người cảm thấy như được sống trong không khí được đón giao thừa giữa lòng thủ đô Hà Nội, khiến vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương đất nước.
Cũng trong khuôn khổ chương trình đón “giao thừa hướng về đất nước,” những người tham dự còn được xem chương trình biểu diễn mừng xuân của các cháu thiếu nhi nhóm Tre xanh và các tiết mục ca múa nhạc do vũ đoàn Mai Trắng và nhóm Mặt trời Mới đến từ Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện./.