📞

Người Việt tại Pháp: Văn hóa dân tộc là nguồn sức mạnh nội sinh

08:25 | 29/11/2012
Người Việt Nam ở nước ngoài trong mọi thời kỳ luôn phải gánh trên vai hai nhiệm vụ có vẻ đối lập nhau: hội nhập thành công và giữ gìn bản sắc. Hiện nay, có trên 300.000 người Việt Nam tại Pháp, trong đó có khoảng 7.000 du học sinh, chúng tôi luôn phải đặt hết tâm lực để hội nhập văn hóa Pháp nhưng không "hòa tan".
Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp luôn nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán.

Đã có những trường hợp cho thấy sự bào mòn của bản sắc dân tộc trên đất khách ở một số không lớn du học sinh cũng như kiều bào sống xa quê lâu năm. Họ tự thấy dân tộc mình bé nhỏ, thấy cái gì của Tây cũng văn minh và đúng đắn. Trong những năm vừa qua, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, cộng đồng người Việt Nam ở Pháp, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng thanh niên, sinh viên, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, thúc đẩy sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, học tập và nghiên cứu, định hướng nghề nghiệp và tạo không khí đoàn kết trong cộng đồng và hướng về Việt Nam.

Rất nhiều hoạt động đã được người Việt ở đây tổ chức như giao lưu văn hóa Việt - Pháp ở các thành phố trên toàn nước Pháp, các giải thể thao toàn nước Pháp cho thanh niên Việt Nam và cộng đồng kiều bào và các chương trình giao lưu, chương trình văn hóa, văn nghệ nhân các dịp lễ lớn của dân tộc. Với tinh thần tương thân tương ái, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp cũng thường xuyên kêu gọi đóng góp, ủng hộ đồng bào các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai hoặc các vùng gặp nhiều khó khăn thông qua các chương trình như : Một suất ăn - một tấm lòng vì miền Trung thân yêu, nhịp cầu nhân ái… Hơn nữa, đó là việc định kỳ mở các lớp dạy tiếng Việt cho người lớn và trẻ em gốc Việt với các thầy, cô giáo chính là các du học sinh đang học tập tại Pháp.

Khó khăn ở đâu?

Hiện nay, người Việt tại Pháp đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực hơn từ các cơ quan trong nước cũng như sự khích lệ lớn từ các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại đây. Tuy nhiên, nhiều chương trình về văn hóa, văn nghệ được tổ chức rất thành công tại Pháp, tạo được tiếng vang lớn với cộng đồng trong và ngoài nước nhưng sự hỗ trợ từ các đơn vị trong nước vẫn chưa tương xứng. Việc liên kết hỗ trợ thông tin truyền thông giữa các cơ quan trong nước và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp hiện vẫn chưa được liên tục và chặt chẽ.

Nhiều bà con ở đây chưa thường xuyên nhận được các thông tin, chính sách từ trong nước cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài kịp thời nhất. Hơn nữa, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp còn phải lo nhiều mặt trong cuộc sống nên sự quan tâm đến đất nước, văn hóa Việt Nam cũng như cho con trẻ còn nhiều hạn chế. Thành phần trong cộng đồng kiều bào ở Pháp còn khá phức tạp nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức các sự kiện.

Làm sao giữ gìn bản sắc?

Có lẽ, về chính sách của nhà nước, kiều bào cần có những chính sách cụ thể cho từng khu vực, địa bàn cụ thể để thuận lợi trong quá trình áp dụng. Đồng thời, các chính sách, các hỗ trợ cho đối tượng cụ thể cũng rất quan trọng như: đối tượng là người Việt sinh sống ở nước ngoài lâu năm, đối tượng người Việt mới sang khoảng 10 năm trở lại và những người có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc cho cộng đồng. Thực tế cho thấy, các hoạt động về văn hóa, thể thao, quảng bá du lịch tổ chức ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn về tài liệu, tư liệu, dụng cụ trưng bày, biểu diễn… Vì vậy, để công tác tổ chức được thành công cũng như đạt hiệu quả cao nhất cần có cơ chế hỗ trợ nhiều hơn cho các hoạt động này như: Tư vấn về nội dung, tài liệu, hỗ trợ về trang phục, dụng cụ tổ chức... Với các lớp dạy tiếng Việt cũng cần có sự khích lệ với những người Việt sinh ra ở nước ngoài giỏi tiếng Việt, bởi đây là đối tượng có thể lan tỏa phong trào học tập, tìm hiểu văn hóa Việt …

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người Việt Nam ở nước ngoài cần xác định dứt khoát rằng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ. Trên đất khách, trước nhu cầu hội nhập văn hóa bản địa để phục vụ việc học tập, công việc, dĩ nhiên việc giữ gìn bản sắc hết sức khó khăn, nhưng không có nghĩa là không làm được. Toàn cầu hóa ví như bão táp, luôn chực chờ cuốn đi mọi bản sắc. Bởi thế, chúng ta cần ý thức rằng mình giống như những cây nhỏ bé giữa bầu trời giông bão mà bản sắc văn hóa dân tộc chính là cội rễ. Nếu rễ càng sâu thì cây càng vững, nếu rễ cạn và ít, dĩ nhiên sẽ bị cuốn đi bởi bão táp của các nền văn hóa khác, và khi ấy họ sẽ tự đánh mất chính mình. Đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, tức đánh mất cái giúp họ phân biệt được mình với "phần còn lại của thế giới".

Võ Xuân Hoài (Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp)