📞

Nguồn cung khí đốt từ Nga bấp bênh, châu Âu đã tìm ra cách nhanh và rẻ nhất?

Việt An 16:19 | 12/08/2022
Tiết kiệm đang được xác định là công cụ quan trọng trong các chính sách trước mắt nhằm tái thiết ngành năng lượng EU, trong bối cảnh khối phải vật lộn với giá khí đốt tăng vọt và nguồn cung bấp bênh.
Mùa Đông sắp đến, kéo theo các cuộc vận động lớn để tích trữ khí đốt bắt đầu ở châu Âu. (Nguồn: The Aussie Flashpacker)

Thời gian qua, giá khí đốt tăng với tốc độ chưa từng có bởi các quốc gia trên thế giới gỡ bỏ các biện pháp “bế quan tỏa cảng” liên quan đến đại dịch Covid-19 và sự bùng bổ của xung đột ở Ukraine.

Theo chuyên gia Sylviane Delcuve, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng BNP, từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tăng khoảng từ 3 đến 18 lần so với trước đây.

Châu Âu phải trả giá đắt

Châu Âu đang phải trả một cái giá đắt khi phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga.

Kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, một cuộc chạy đua để thay thế khí đốt Moscow đã diễn ra.

Xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ đã được chuyển hướng từ châu Á sang châu Âu. Hiện tại, gần 3/4 lượng LNG mà Mỹ xuất khẩu được dành cho châu Âu, so với mức chỉ 1/3 vào năm 2021. Phần còn lại đến từ nơi khác, đặc biệt là Nga.

Việc giá khí đốt tăng cao sẽ tác động rất lớn đến sức mua của các hộ gia đình vốn lựa chọn sưởi ấm bằng nhiên liệu này. Điều đáng lo ngại hơn nữa là không ai có thể đánh giá chính xác tác động này vì rất ít người có thể theo dõi mức tiêu thụ thực tế hàng ngày.

Ở Bỉ, việc ghi chỉ số đồng hồ hàng năm sẽ được thực hiện vào mùa Xuân và chỉ khi đó hóa đơn mới được xuất ra. Điều này được ví như “thanh gươm của Damocles” trong thời kỳ lạm phát phi mã và sức mua giảm.

Nhiều hộ gia đình đã không khỏi ngạc nhiên khi họ nhìn thấy tờ hóa đơn tiêu thụ khí đốt của năm 2021, được thông báo vào tháng 4/2022 và khoản dự kiến hàng tháng mới mà các nhà cung cấp sẽ áp dụng trong 12 tháng tới.

Khoản dự kiến này tăng và đôi khi gần bằng số tiền thuê nhà hoặc khoản thanh toán thế chấp hàng tháng của họ. Đó là một cú sốc thực sự, đôi khi khó vượt qua đối với một số người.

Không chỉ thế, khủng hoảng năng lượng đã lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế, khiến chi phí nhà máy tăng cao và đe dọa đẩy một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái.

Nỗi lo lạm phát cũng như giá năng lượng tăng phi mã cũng khiến mỗi thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) tức tốc lao vào cuộc chạy đua tiết kiệm năng lượng theo cách riêng.

Tây Ban Nha, Pháp, Italy kêu gọi nâng cao ý thức người dân về tiết kiệm năng lượng, khuyến khích công chúng áp dụng hiệu quả những quy định liên quan tới giới hạn nhiệt độ làm mát đối với hệ thống điều hòa trong các tòa nhà công cộng, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, các tụ điểm thương mại không còn được chiếu sáng sau 22h…

Còn tại Thụy Sỹ, quốc gia này đang cấm các phương tiện cá nhân lưu thông vào chủ nhật, trong khi Đức ngừng chiếu sáng các tượng đài vào ban đêm, bao gồm cả tòa thị chính và nhà hát Opera quốc gia Berlin.

Tiết kiệm năng lượng - cách nhanh và rẻ nhất

Canh cánh nỗi lo Nga sẽ "vũ khí hóa" khí đốt tự nhiên, nên ngay trong giai đoạn cao điểm của những ngày nắng nóng kỷ lục đang diễn ra, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lo tính đến "chiếc áo ấm" cho mùa Đông sắp tới.

Mùa Đông sắp đến, kéo theo các cuộc vận động lớn để tích trữ khí đốt bắt đầu ở châu Âu.

Kể từ ngày 9/8, thỏa thuận được ký kết vào cuối tháng 7/2022 bởi 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) về việc tự nguyện giảm lượng tiêu thụ khí đốt, chính thức có hiệu lực. Việc giảm tiêu thụ ngay lập tức ở châu Âu nhằm giúp các quốc gia đẩy nhanh việc lấp đầy các kho dự trữ khí đốt của họ trước mùa Đông.

Trong một tuyên bố, Hội đồng châu Âu cho biết, mục tiêu của việc giảm nhu cầu khí đốt là đạt được mức tiết kiệm trước mùa Đông để chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung khí đốt có thể xảy ra từ Nga.

Văn bản quy định rằng mỗi quốc gia thành viên "làm mọi thứ có thể" để giảm trong khoảng thời gian từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/3/2023 lượng tiêu thụ khí đốt của mình ít nhất 15% so với mức trung bình của 5 năm qua trong cùng thời kỳ.

Để cho phép theo dõi chính xác, mỗi quốc gia sẽ phải "cập nhật kế hoạch khẩn cấp quốc gia” chậm nhất vào ngày 31/10/2022.

Trong trường hợp xảy ra "nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng", Hội đồng châu Âu, Cơ quan đại diện cho các quốc gia thành viên, theo đề nghị của Ủy ban châu Âu (EC), có thể tuyên bố tình trạng cảnh báo. Cơ chế này sau đó sẽ mang tính ràng buộc với mức giảm 15%. Các trường hợp ngoại lệ được xem xét.

Theo EC, tiết kiệm năng lượng vẫn là cách nhanh nhất và rẻ nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và tất nhiên là giảm cả hóa đơn tiền điện.

Trong bài phát biểu công bố kế hoạch REPowerEU, Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans đã đề xuất các hành động mà mọi người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện để giảm mức tiêu thụ năng lượng của mình, như “sưởi ấm ít hơn một chút hoặc trì hoãn thời gian bật điều hòa”.

Tiết kiệm năng lượng rõ ràng đang được xác định là công cụ quan trọng trong các chính sách trước mắt nhằm tái thiết ngành năng lượng EU.

Hiện tại, EU không có nhiều giải pháp và đang đứng trước sức ép về thời gian khi phải bù đắp nguồn cung năng lượng thiếu hụt rất lớn trước mùa Đông sắp tới, trong khi việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế sẽ còn mất thêm nhiều thời gian, không dễ gì triển khai trong một sớm một chiều.

(tổng hợp)