Mỹ cùng 13 quốc gia khác đã bày tỏ quan ngại rằng, báo cáo của WHO về nguồn gốc đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bị chậm trễ. (Nguồn: You Gov) |
Tuyên bố chung của Mỹ, Australia, Canada, Czech, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia và Anh nêu rõ: "Có một điều quan trọng không kém là chúng tôi phải bày tỏ mối quan ngại chung rằng báo cáo của chuyên gia quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đã bị chậm trễ đáng kể và thiếu sự tiếp cận đối với các dữ liệu và mẫu phẩm đầy đủ, nguyên bản".
Trong khi đó, cùng ngày, Nhà Trắng kêu gọi WHO thực hiện thêm các biện pháp nhằm xác định nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Trả lời phóng viên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nêu rõ: "Có giai đoạn thứ hai trong quá trình này mà chúng tôi cho rằng nên để các chuyên gia độc lập và quốc tế dẫn dắt. Họ sẽ có thể đặt câu hỏi cho những người ở nơi mà đại dịch xảy ra một cách kịp thời”.
Theo bà Psaki, đó là một bước đi mà WHO có thể thực hiện.
Cũng trong ngày 30/3, Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/3 tuyên bố, báo cáo của WHO là "bước đi đầu tiên hữu ích", song vẫn còn nhiều việc phải làm để hiểu rõ đại dịch bắt nguồn thế nào và lây nhiễm sang người ra sao.
Tuyên bố của EU nêu rõ: "Dù lấy làm tiếc về việc nghiên cứu được bắt đầu muộn, việc triển khai chậm trễ của các chuyên gia cũng như sự hạn chế của các mẫu nguyên bản và dữ liệu liên quan, chúng tôi coi công tác được thực hiện cho đến nay và báo cáo được công bố hôm nay là bước đi đầu tiên hữu ích".
27 quốc gia thành viên EU nhấn mạnh cần phải tiếp tục công tác nghiên cứu nguồn gốc virus SARS-CoV-2 cũng như con đường lây nhiễm sang người.
Trong một động thái mới nhất, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nhà điều tra tìm hiểu sâu hơn đối với giả thuyết xảy ra sự cố tại phòng thí nghiệm mà nhóm điều tra gần như đã loại trừ.
Phát biểu với các nước thành viên WHO về báo cáo của các điều tra viên sau khi một phái đoàn quốc tế tới thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, ông Ghebreyesus nêu rõ: "Mặc dù nhóm điều tra đã kết luận rằng việc rò rỉ từ phòng thí nghiệm là giả thuyết ít khả năng xảy ra nhất, song điều này cần được điều tra sâu hơn, khả năng là sẽ có thêm các phái đoàn khác với sự tham gia của các chuyên gia chuyên sâu mà tôi sẵn sàng triển khai".
Người đứng đầu WHO cũng bày tỏ quan ngại rằng, nhóm điều tra quốc tế gặp khó khăn trong việc tiếp cận dữ liệu thô trong khi thực hiện nhiệm vụ.
"Tôi mong đợi các nghiên cứu hợp tác trong tương lai sẽ bao gồm việc chia sẻ dữ liệu toàn diện và kịp thời hơn", ông Ghebreyesus nói.