📞

Nguồn lực trong cuộc chiến chống bạo lực giới

Hà Anh 17:00 | 05/12/2019
TGVN. Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, Hội nghị đầu mối Giới lần thứ tư của Kế hoạch Colombo (từ ngày 3-5/12) đã ưu tiên bàn thảo một vấn đề quan trọng và luôn “nóng” trên khắp thế giới là chống bạo lực giới.
Đại biểu tham dự Hội nghị đầu mối Giới tại Hà Nội. (Ảnh: Hà Anh)

Hội nghị lần này được Kế hoạch Colombo phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhằm hưởng ứng chiến dịch toàn cầu hàng năm “16 ngày hoạt động chống bạo lực trên cơ sở giới”.

Tổng Thư ký Kế hoạch Colombo Phan Kiều Thu cho biết bà rất vinh dự vì Hội nghị được tổ chức tại quê hương khi Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài vì bình đẳng và phát triển, đặc biệt được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những quốc gia có thành tựu bình đẳng giới ấn tượng.

Tuy nhiên, câu chuyện về bạo lực giới vẫn chưa khi nào “ngủ yên” và bà mong rằng qua Hội nghị sẽ mở rộng mạng lưới các đầu mối và đẩy mạnh các hoạt động chống bạo lực giới tốt và hiệu quả hơn. Hội nghị cũng cần tìm ra đáp án và các nguồn lực giúp tăng tính bền vững của chính sách chống bạo lực giới, cũng như huy động sự tham gia của mọi thành phần giới vào giải quyết vấn nạn này.

Từ những địa chỉ tạm lánh

Kể từ khi thành lập Chương trình các vấn đề về giới năm 2014, Kế hoạch Colombo đã tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nước trong khu vực và các nước láng giềng về vấn đề liên quan đến giới, quyền và bảo vệ trẻ em.

Ban đầu, những dự án của Chương trình đã tập trung vào Afghanistan, đặc biệt là xây dựng Quỹ Bảo vệ Phụ nữ Afghanistan nhằm hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới và Quỹ Trung tâm Hỗ trợ trẻ em Afghanistan để hỗ trợ cho trẻ em các gia đình có bố mẹ bị giam giữ. Hiện tại, các dự án Afghanistan đang được triển khai là địa chỉ tạm lánh dành cho phụ nữ và lan tỏa sang nhiều địa bàn trên khắp quốc gia này.

Chương trình các vấn đề về giới đã dần được mở rộng sang Indonesia, Sri Lanka và Việt Nam với những kế hoạch thiết thực nhằm hỗ trợ và tạo cơ hội hợp tác để giúp đỡ phụ nữ, nam giới, trẻ em trai và trẻ em gái dễ bị tổn thương. Đặc biệt, đến nay, Kế hoạch Colombo đã hỗ trợ các nước xây dựng 14 trung tâm tư vấn pháp lý và tâm lý nhằm hỗ trợ chỗ tạm trú cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và tạo cơ hội giúp họ hòa nhập cộng đồng.

“Khó khăn rất nhiều khi đi làm những chương trình, dự án về giới, đặc biệt ở nhiều quốc gia trình độ dân trí còn thấp và tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Chúng tôi đã làm việc hết sức tích cực vì nguồn lực cho công tác này vẫn còn hạn chế”, bà Phan Kiều Thu chia sẻ.

... đến ngôi nhà bình yên thực sự

Giống như những trung tâm hỗ trợ của Kế hoạch Colombo, nhiều năm qua tại Việt Nam cũng ra đời mô hình “Ngôi nhà bình yên” dành cho những nạn nhân bạo lực giới.

Chia sẻ về những mái ấm này, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết giới thiệu “Ngôi nhà bình yên” ở Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tại Hà Nội chuyên tham vấn, hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình và nạn nhân bị buôn bán người. Tại đây, họ còn hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và đào tạo những kỹ năng để tự bảo vệ mình, tái hòa nhập cộng đồng… Tất cả các hoạt động này đều hướng tới bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em không may mắn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết cũng cho biết Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn ưu tiên hướng tới các đối tượng yếm thế, trong đó đặc biệt là các nạn nhân vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc nâng cao năng lực, Hội tạo điều kiện hỗ trợ sinh kế để chị em tăng thu nhập, hỗ trợ xây nhà cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, để các nạn nhân bạo lực giới có được ngôi nhà bình yên thực sự thì việc quan trọng hơn là giúp họ tự tin, trở lại cuộc sống và sớm hòa nhập với cộng đồng trong một môi trường an toàn nhất.

Theo bà Tooba Mayel – Giám đốc Chương trình Giới, Kế hoạch Colombo, Chương trình các vấn đề về giới sẽ tiếp tục giới thiệu các sáng kiến mới ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Với các chuyên gia mới gia nhập đội ngũ nhân viên cao cấp của Kế hoạch Colombo, bà Tooba Mayel kỳ vọng, họ sẽ đóng góp chuyên môn cho các quốc gia thành viên của mình nhiều hơn nữa.

“Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau để thiết lập một mạng lưới có thể giúp mở rộng chương trình tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các ưu tiên khu vực. Tôi hy vọng rằng, Kế hoạch Colombo sẽ có thể biến những ý tưởng thành hành động thực tế để hỗ trợ các chương trình và ưu tiên của các nước thành viên”, bà Tooba Mayel nói.

Tổng Thư ký Kế hoạch Colombo Phan Kiều Thu cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đến đây với tư cách là những quốc gia riêng lẻ, với những câu chuyện và trải nghiệm riêng. Thế nhưng, mục tiêu Kế hoạch Colombo là hỗ trợ để có một tiếng nói chung ủng hộ và bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái ở cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và đến từng địa phương”.

Kế hoạch Colombo là một trong những tổ chức liên chính phủ lâu đời nhất trên thế giới (thành lập từ năm 1951), hiện có 27 nước tham gia, hoạt động trên cơ sở hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau nhằm tăng cường sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia thành viên. Bà Phan Kiều Thu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka là Tổng Thư ký Kế hoạch Colombo từ cuối năm 2017.