📞

Nguồn nước dồi dào xuất hiện tại Sahara, sa mạc khô cằn nhất thế giới

Kha Ninh 15:14 | 09/10/2024
Sau những trận mưa hiếm hoi ở sa mạc Sahara khu vực Đông Nam Morocco, hồ Iriqui, lòng hồ nổi tiếng đã khô cạn trong 50 năm, nay lại tràn đầy nước.

Các trận mưa lớn hiếm hoi đã tạo ra đầm nước xanh giữa những cồn cát ở sa mạc Sahara, cung cấp cho các vùng khô cạn lượng nước dồi dào so với trước đó nhiều thập kỷ. Sa mạc Sahara khu vực Đông Nam Morocco là một trong những nơi khô cằn nhất thế giới và hiếm khi có mưa vào cuối mùa Hè. (Nguồn: AP)

Chính phủ Morocco cho biết, chỉ hai ngày trong tháng 9, lượng mưa đã vượt quá mức trung bình hàng năm ở một số khu vực có lượng mưa trung bình dưới 250 mm/năm, bao gồm Tata, một trong những khu vực khô cạn nhất. (Nguồn: AP)

Ở Tagounite, một ngôi làng cách thủ đô Rabat (Morocco) khoảng 450 km về phía Nam, lượng mưa trung bình hơn 100 mm đã được ghi nhận trong chỉ 24 giờ. (Nguồn: AP)

Những cơn bão đã mang lại nguồn nước dồi dào chảy qua bãi cát Sahara, nuôi dưỡng các thảm thực vật sa mạc. Các vệ tinh của NASA cho thấy, hồ Iriqui, lòng hồ nổi tiếng giữa hai tỉnh Zagora và Tata của Morocco khô cạn trong 50 năm, nay lại tràn đầy nước. (Nguồn: AP)

Chuyên gia của Cơ quan khí tượng Morocco Houssine Youabeb cho hay “phải 30-50 năm nay, nơi đây mới có lượng mưa lớn như vậy trong thời gian ngắn”. (Nguồn: AP)

Theo Youabeb, những trận mưa được các nhà khí tượng học gọi là bão ngoài nhiệt đới, có thể thay đổi tiến trình thời tiết của khu vực này trong nhiều tháng và nhiều năm tới do không khí giữ lại nhiều độ ẩm hơn, dẫn đến nhiều sự bốc hơi hơn và kéo theo nhiều cơn bão. (Nguồn: AP)

Trước đó, 6 năm hạn hán liên tiếp đã gây ra nhiều thách thức cho Morocco, buộc nông dân phải bỏ hoang ruộng đồng và các thành phố, làng mạc phải hạn chế lượng nước tiêu thụ. Lượng mưa dồi dào có thể sẽ giúp bổ sung nước cho các tầng chứa nước ngầm lớn nằm bên dưới sa mạc, trở thành nguồn cung cấp nước cho các cộng đồng khu vực này. (Nguồn: AP)

Theo các chuyên gia, tuy các hồ chứa nước trên sa mạc đã được “bổ sung” lượng nước với tốc độ kỷ lục trong suốt tháng 9 nhưng vẫn chưa rõ lượng mưa này giúp giảm hạn hán đến mức nào. (Nguồn: AP)