Cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran, Iran ngày 3/1/2016. |
Sau các vụ biểu tình bạo lực của người Iran nhằm vào các cơ quan ngoại giao của Saudi Arabia ở Iran để phản đối vụ hành quyết trên, ngày 3/1, Riyadh đã ngay lập tức tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran.
Quá trình dẫn tới khủng hoảng trong quan hệ Iran – Saudi Arabia có một số điểm cần nhìn nhận.
Thứ nhất, đó là cách ra quyết định hành quyết của Saudi Arabia. Saudi Arabia ra quyết định xử tử ngay đầu năm mới 2016 với việc hành quyết 47 người trên khắp 12 thành phố, trong đó có giáo sĩ Nimr al-Nimr. Giáo sĩ này là một nhân vật nổi tiếng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2011 ở miền Đông Saudi Arabia, là một người đấu tranh cho sự đối xử công bằng với cộng đồng người Shiite thiểu số. Riyadh nhận thức rõ rằng việc tử hình Nimr al-Nimr sẽ bị quốc tế chỉ trích và làm gia tăng căng thẳng với cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite trong khu vực nhưng vẫn thực thi bằng được bởi nhiều mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu là khẳng định không cho phép ai có tiếng nói đe dọa đến chính phủ cầm quyền và đánh đồng giáo sĩ Nimr al-Nimr với những kẻ khủng bố. Việc làm này rõ ràng là sự khiêu khích đối với những người Hồi giáo theo dòng Shiite. Ngay cả Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ thất vọng về việc kết án và quan ngại về bản chất cũng như tiến trình pháp lý của vụ hành quyết này.
Thứ hai, cách thức đối phó với khủng hoảng. Thông thường, khi xảy ra các vụ việc như vậy, hai nước liên quan phải tìm cách giảm thiểu xung đột, làm dịu tình hình, duy trì kênh đối thoại. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau các vụ tấn công đập phá Sứ quán thì Saudi Arabia đã ngay lập tức tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Trong khi đó, Iran lại đưa ra những tuyên bố như đổ thêm dầu vào lửa, không giúp gì cho việc xoa dịu tình hình, giống như cảnh báo một cuộc “trả thù thần thánh”. Đây rõ ràng không phải là cách đối phó với khủng hoảng theo chiều hướng tích cực.
Không phải ngẫu nhiên mà hai nước lại rơi vào cuộc khủng hoảng hiện nay. Thực ra việc cắt đứt quan hệ ngoại giao chỉ là giọt nước tràn ly khi hai bên vốn đã tồn tại nhiều mâu thuẫn, đặc biệt trong việc tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông cũng như cạnh tranh vị thế của hai hệ phái Sunni và Shiite trong cộng đồng Hồi giáo. Vì thế, việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai bên và xa hơn là việc chung sống hoà bình, có quan hệ hữu hảo giữa hai nước là chặng đường đầy khó khăn. Tình hình Trung Đông, vốn đã đầy bất ổn, thời gian tới sẽ lại thêm căng thẳng.