Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập. |
Các quy định về đầu tư trong hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều điểm vênh so với các cam kết của EVFTA không, thưa bà?
Những quy định trong Hiệp định EVFTA về đầu tư phần lớn là các quy định về nguyên tắc mở cửa cho nhà đầu tư EU. Chúng tôi khẳng định, những cam kết liên quan đến tự do hóa đầu tư, bảo hộ đầu tư thì pháp luật Việt Nam đã tương đối tương thích với EVFTA. Cụ thể, trong nhiều điều khoản của Luật Đầu tư năm 2014 có rất nhiều điều khoản gần với các yêu cầu về bảo hộ đầu tư, đối xử quốc gia, không phân biệt đối xử trong EVFTA.
Hiện nay có một nhóm nhỏ những quy định chi tiết mà pháp luật Việt Nam chưa đáp ứng và cần phải sửa đổi để phù hợp với các quy định của EVFTA. Ví dụ, một trong những điểm khác biệt đó là về khái niệm “nhà đầu tư” ở cả hai chiều hẹp và rộng.
Ở chiều hẹp hơn với EVFTA, trong pháp luật Việt Nam,“nhà đầu tư” phải là chủ thể thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh nghĩa là đã thực hiện hoạt động đầu tư nhất định (ví dụ ít nhất đã đứng tên nộp hồ sơ đăng ký đầu tư). Trong khi đó, “nhà đầu tư” trong EVFTA không chỉ là chủ thể đang hoặc đã thực hiện việc đầu tư mà còn cả trường hợp “đang hướng tới việc đầu tư”. Nói cách khác, theo EVFTA, một chủ thể dù mới chỉ đang tập hợp vốn để đầu tư cũng đã được coi là nhà đầu tư và có các quyền và nghĩa vụ của một nhà đầu tư.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng rộng hơn EVFTA ở chỗ, nhà đầu tư trong EVFTA gắn với khoản đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của EVFTA, trong khi theo pháp luật Việt Nam, nhà đầu tư không bị giới hạn ở phạm vi này. Vì vậy, thời gian tới, cần đưa định nghĩa “nhà đầu tư” như trong cam kết của EVFTA vào văn bản thực thi EVFTA về đầu tư của Việt Nam để có hướng thực hiện cụ thể.
Vậy quá trình điều chỉnh sẽ có tác động như thế nào đến lợi ích của doanh nghiệp hai bên?
Tôi tin chắc rằng việc thực thi các cam kết EVFTA sẽ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư EU tại Việt Nam. Còn đối với các nhà đầu tư Việt Nam, nếu chúng ta thực hiện việc sửa đổi, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư trong nước để hướng tới những mục tiêu như trong EVFTA cũng sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư Việt Nam.
Có thể thấy, việc thực thi các cam kết EVFTA theo những khuyến nghị do chúng tôi nêu ra trong quá trình rà soát sẽ mang lại lợi ích cho cả các nhà đầu tư EU cũng như Việt Nam.
EU đang là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Nếu rà soát mà phát hiện ra nhiều điều chưa tương thích thì có ảnh hưởng nhiều đến các nhà đầu tư nước ngoài không, thưa bà?
Thực ra, cam kết về đầu tư trong EVFTA khác với các cam kết trong các lĩnh vực như Sở hữu trí tuệ, Hải quan, Đấu thầu... Hiện nay, các cam kết trong lĩnh vực này phần lớn chỉ dành cho nhà đầu tư EU và dự án đầu tư từ EU, chứ chưa dành cho các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, chúng tôi thấy rằng nhiều quy định về đầu tư nếu được điều chỉnh theo cam kết của EVFTA cũng có thể được áp dụng cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước. Còn theo cam kết, nếu nhà đầu tư trong nước không thực hiện thì cũng không bị ảnh hưởng, tất nhiên sẽ gặp những bất lợi vì lúc này chúng ta buộc phải thực hiện theo cơ chế thoáng hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước mắt, nhóm nghiên cứu chúng tôi mới chỉ kiến nghị điều chỉnh để áp dụng cho các nhà đầu tư EU, còn về lâu dài, chúng ta có thể xem xét để áp dụng cho cả các nhà đầu tư trong nước cũng như các nhà đầu tư các nước khác.
Trong cam kết của EVFTA có quy định nhà đầu tư EU tại Việt Nam được quyền kiện các cơ quan nhà nước liên quan tới hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU, bà có thể làm rõ thêm về quy định này?
Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài (ISDS) là một trong ba phần chính của chương Đầu tư của EVFTA. Hai phần còn lại là tự do hóa đầu tư và bảo hộ đầu tư.
Lý do của việc kiện là các cơ quan nhà nước có thể vi phạm các cam kết tại Mục Bảo hộ Đầu tư của EVFTA; hoặc các cam kết tại một số khoản liên quan tới nguyên tắc đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc; và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Theo EVFTA, Việt Nam và EU sẽ xây dựng cơ quan thường trực giải quyết tranh chấp, có hai cấp là sơ thẩm và phúc thẩm. Chính phủ Việt Nam và Cộng đồng châu Âu (EC) sẽ chọn các trọng tài làm thành viên của cơ quan này. Bên cạnh đó, còn có cả cơ quan trung gian hòa giải.
Vì sao chúng ta lại lựa chọn lĩnh vực đầu tư để rà soát?
EU đang là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam nên họ rất quan tâm tới vấn đề Việt Nam bảo hộ đầu tư cho các nhà đầu tư EU như thế nào? Việt Nam mở cửa thị trường đầu tư cho nhà đầu tư EU ở mức độ nào?
Để tuân thủ các cam kết EVFTA trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam không chỉ phải rà soát, điều chỉnh pháp luật mà còn phải thực thi hiệu quả trên thực tế. Nếu làm tốt, chúng ta vừa thúc đẩy mạnh dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam, vừa kích thích hoạt động giao thương hai chiều.
Hội thảo “Rà soát Pháp luật Việt Nam với các cam kết của EVFTA về đầu tư: Kết quả rà soát và đề xuất điều chỉnh từ góc độ lợi ích của doanh nghiệp” là hoạt động cuối cùng thuộc chuỗi các hoạt động Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA trong bốn lĩnh vực quan trọng: Đấu thầu, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Thuận lợi hóa thương mại và Minh bạch. Hội thảo do Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam. |