Những thành phố sắp “chìm”
Với mật độ dân số cao, lại tọa lạc ngay trên bề mặt nước biển, New York và Los Angeles bị đưa vào danh sách những nơi có nguy cơ phải đối mặt với các trận lũ lụt thảm khốc do mực nước biển tăng cao và các cơn bão trở nên mạnh hơn trong vòng một thế kỉ nữa. Được thiết kế để bảo vệ London khỏi sự tàn phá của những cơn bão và đợt thuỷ triều dâng quá cao, nhưng một số chuyên gia phân tích lo ngại rằng con đập Thames Barrier sẽ không thể “cầm cự” lâu hơn được với việc mực nước biển liên tục tăng nhanh như hiện nay.
Người dân Venice (Italy) không lạ gì với cảnh ngập lụt. Tình trạng này thường xuyên xảy ra làm cho cuộc sống nơi đây gặp không ít khó khăn. Chính quyền thành phố xinh đẹp và cổ kính này đã quyết định bỏ ra 4,5 tỉ USD để xây dựng hệ thống thoát nước dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Tuy nhiên, những dự báo mới nhất về sự thay đổi mực nước biển đã khiến cho không ít người lo ngại rằng hệ thống này cũng chưa thể phát huy tác dụng trong việc giúp cho Venice trở nên khô ráo hơn.
Thách thức từ những “tảng băng trôi”
Gần đây, các nhà khoa học nghiên cứu về thời tiết đã phân tích, dự báo rằng sông băng ở dãy núi Alps (Thụy Sĩ) sẽ bị tan hoàn toàn vào năm 2050. Công viên quốc gia Kenai Fjords, Alaska cách đây 30 năm, từng là nơi con sông băng thuộc công viên quốc gia Kenai Fjords chảy qua. Thế nhưng đến nay, dòng sông băng này đã bị tan chảy một phần và hiện chảy cách tấm biển mốc tới 800 m. Mỗi năm Alaska thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch, vì vậy Alaska đang phải đối mặt với tình trạng nhiều dòng sông băng đang bị tan chảy một cách rất nhanh chóng.
Theo nghiên cứu địa lý mới đây của Tanzania, trong suốt thế kỷ qua, lớp tuyết trắng dày đặc của núi Kilimanjaro đã bị tan chảy nhiều và tất cả dòng sông băng của ngọn núi này có thể dần biến mất từ nay đến năm 2020. Đảo South Georgia, nằm ở phía Bắc Nam cực, là điểm dừng chân của khách du lịch muốn khám phá Đại Tây Dương với bộ phận “cư dân” chim cánh cụt, hải cẩu, cá voi và chim hải âu cũng đang trong tình trạng “báo động”.
Những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, cả hai cực băng đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của hành tinh, điều này dẫn đến việc giảm độ dày của các tảng băng và làm cho phần băng ở dưới những dải đá ngầm tan chảy nhanh hơn.
Cạn kiệt nguồn du lịch
Có lẽ không nơi nào ở nước Mỹ lại chịu ảnh hưởng nặng nề của việc thay đổi khí hậu như bang Florida. Ngay cả một sự tăng rất nhẹ về nhiệt độ, mực nước biển cũng có thể dâng lên dẫn đến sự tàn phá những địa điểm du lịch nổi tiếng như: Everglades, bãi biển Miami hay quần đảo Florida Keys. Mặt khác, hiện trạng dân số tăng nhanh, phát triển và mở rộng đô thị đã tàn phá mất một nửa diện tích đất ngập nước nguyên sơ.
Great Barrier Reef - Vỉa san hô ngầm của Australia cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nơi đây có những vỉa san hô khổng lồ rất quý hiếm, nhưng thể bị giết chết do nhiệt độ nước biển tăng cao và kết quả là chúng sẽ bị tẩy trắng hoàn toàn.
Australia dễ bị tổn thương bởi sự nóng lên của toàn cầu do hệ sinh thái của quốc gia này khá mỏng manh, dễ bị tác động, do nguồn nước không ổn định và do mật độ tập trung dân cư trên bờ biển khá cao. Gấu Bắc Cực tại vùng Tây Bắc Canada hiện là một trong những nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng nóng lên của Trái đất. Các nhà khoa học dự đoán rằng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, gấu Bắc Cực có thể bị tuyệt chủng trong vòng vài trăm năm nữa.
Hà Lê (tổng hợp)