📞

Nguy cơ khôn lường từ hút thuốc thụ động

12:52 | 17/05/2018
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, ước tính có hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm vì những bệnh do hít phải khói thuốc của người khác (hút thuốc thụ động) dù chưa bao giờ hút thuốc.

Kẻ giết người thầm lặng

Theo WHO, khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Trong khói thuốc, có khoảng 7000 chất hóa học, trong đó có 70 chất được xếp vào loại gây ung thư. Khói thuốc lá vẫn có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy được. Người không hút thuốc nếu thường xuyên hít phải khói thuốc lá cũng chịu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe giống như những người hút thuốc lá trực tiếp, như nguy cơ mắc ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch. Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ở những người hút thuốc thụ động cao hơn 25-30% so với những người không hít phải khói thuốc.

Đáng chú ý, khói thuốc sẽ gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10 m. Do đó ngay cả khi ở rất xa người hút thuốc thì người hút thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe không kém những người đang hút thuốc. “Không có mức an toàn nào của phơi nhiễm khói thuốc thụ động”, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Đại diện của WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ hút thuốc thụ động là trẻ em. Nhiều nghiên cứu chứng minh, hút thuốc thụ động sau khi sinh sẽ làm giảm chức năng phổi của trẻ. Trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 0,32% dung tích sống gắng sức; 1,2% thể tích thở ra gắng sức, 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ.

Hút thuốc lá thụ động cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, cân nặng khi sinh thấp, viêm đường hô hấp cấp tính, bệnh tai giữa và các triệu chứng hen ảnh hưởng xấu đến phát triển chức năng phổi…

Ngoài ra, tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có liên quan với hút thuốc lá thụ động cao hơn trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính). Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ.

Nghiên cứu gần đây cho thấy, tiếp xúc với khói thuốc lá làm suy yếu khả năng học hỏi của trẻ, bởi trong khói thuốc lá có chứa nhiều chất gây hại cho hệ thần kinh của con người. Trẻ em có người mẹ hoặc bố hút thuốc lá thường xuyên mỗi ngày, có chỉ số thông minh thấp hơn ít nhất 2,87 điểm so với trẻ khác.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Lá phổi xanh)

Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá còn có thể làm tăng nguy cơ rối loạn hành vi với trẻ em như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), quá hiếu động, hung hăng, trầm cảm, phạm pháp…Hiện nay, tác hại của thuốc lá đối với lĩnh vực tâm thần vẫn đang được nghiên cứu.

Trẻ em tiếp xúc lâu dài với khói thuốc lá có nguy cơ cao bị bệnh động mạch vành sớm, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch… khi trưởng thành. Ngoài ra, béo phì, đột quỵ và tiểu đường cũng có liên quan mật thiết đến thuốc lá.

Với người trưởng thành, nhất là phụ nữ mang thai, khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân…

Dù tỷ lệ hút thuốc một vài năm trở lại đây đã có xu hướng giảm nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, có tới 56% người hút thuốc ở Việt Nam bắt đầu hút thuốc trước 20 tuổi.

Số người bị ảnh hưởng và tử vong vì hút thuốc lá thụ động cũng đang ở mức đáng báo động. Hiện Việt Nam có hơn 15 triệu người hút thuốc lá, mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người và con số này có thể tăng lên 70.000 người vào những năm tới. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cứ 10 người tử vong do hút thuốc lá thì có 1 người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Như vậy, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 4.000 trường hợp tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Giá thuốc lá tại Việt Nam còn quá rẻ

Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, Việt Nam có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ người không hút thuốc lá phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động ở Việt Nam cao nhất ở quán bar, cà phê, nhà hàng.

Theo số liệu thống kê, năm 2010, tỷ lệ hít khói thuốc thụ động tại các quán bar hay cà phê là 92%, tỷ lệ này giảm xuống còn 89% năm 2015. Tại nhà hàng, tỷ lệ này là 84% xuống còn 80%. Tỷ lệ hít khói thuốc thụ động tại nhà năm 2010 là hơn 73%, giảm xuống gần 60% năm 2015.

Tiến sỹ Tom Carroll- chuyên gia của Vital Strategies - Tổ chức chăm sóc sức khoẻ toàn cầu đang hoạt động ở hơn 60 quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá cho rằng, dù đã có nhiều chiến dịch giáo dục cộng đồng, kêu gọi người dân từ bỏ thuốc lá và bảo vệ người không hút thuốc khỏi phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động nhưng Việt Nam vẫn còn có những điểm cần nhiều nỗ lực cải thiện hơn so với các quốc gia khác, ví dụ, như về mức thuế trên mặt hàng thuốc lá.

Giá thành của một bao thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn khá rẻ so với nhiều nước khác. Điển hình như tại Australia, người hút thuốc sẽ tiêu tốn khoảng 30 USD cho một bao thuốc lá, trong khi đó ở Việt Nam giá thành cho một bao thuốc lá chỉ khoảng 1 USD.

Tăng thuế thuốc lá đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam. (Nguồn: Báo Tiền Phong)

“Tăng thuế thuốc lá đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam, bởi vì đó là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu tác hại của thuốc lá và gánh nặng kinh tế do thuốc lá gây nên cho Việt Nam, thông qua việc giảm số lượng người hút thuốc lá”

Chuyên gia Tom Carroll cũng khuyến nghị, khi triển khai chương trình tại các địa điểm công cộng như bệnh viện, trường học, quan trọng nhất là mọi người đều phải biết rõ, những địa điểm như vậy cấm hút thuốc lá. Cần có những cam kết triệt để từ cơ quan quản lý của các tổ chức, địa điểm đó và nên có các biển thông báo rõ ràng để mọi người biết rằng địa điểm đó cầm hút thuốc lá. Cũng cần có các hành động như nhắc nhở người có ý định hút thuốc lá tại các nơi cấm hút thuốc rằng, họ không được phép hút tại địa điểm đó.

“Định hướng chính sách nhất quán trong quản lý, các biển hiệu cấm hút thuốc dễ nhận biết ở các địa điểm công cộng và việc lên tiếng nhắc nhở những người có ý định hút thuốc dừng hút thuốc tại các nơi công cộng là yếu tố tiên quyết để các mô hình trên có hiệu quả”, ông Tom Carroll chỉ rõ.