Khinh hạm Đô đốc Grigorovich của Hải quân Nga neo đậu tại Cảng Sudan hồi đầu năm. (Nguồn: AFP) |
Ông Husein nói: "Chúng tôi đang trong quá trình xem xét lại thỏa thuận", lưu ý rằng, Sudan có khả năng sửa đổi hoặc thay đổi thỏa thuận hợp tác quân sự với Nga ở Biển Đỏ, khi tính đến lợi ích của nước này.
Theo ông Hussein, thỏa thuận quân sự giữa Sudan và Nga chưa được hội đồng lập pháp, cơ quan phê chuẩn các thỏa thuận quốc tế của Khartoum, thông qua trong thời chính phủ tiền nhiệm.
Cuối tháng 4, kênh truyền hình Al-Arabiya dẫn một nguồn tin cho biết, Sudan đang đóng băng thỏa thuận về việc thiết lập căn cứ quân sự của Nga trên Biển Đỏ, được ký với chính quyền tiền nhiệm.
Sau đó, Đại sứ quán Nga tại Khartoum tuyên bố thông tin về việc ngừng thỏa thuận thành lập căn cứ hải quân của Nga không phù hợp với thực tế.
Phản ứng về tuyên bố của Sudan, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết, Moscow "thường xuyên liên lạc với phía Sudan thông qua kênh ngoại giao và sẽ làm rõ vấn đề này".
Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết, Sudan vẫn chưa rút khỏi thỏa thuận với Moscow.
Thứ trưởng Bogdanov nêu rõ: "Tôi nghĩ luôn có thể tìm ra một giải pháp thỏa hiệp. Họ vẫn chưa tuyên bố bãi bỏ thỏa thuận, chưa thu hồi chữ ký, họ chỉ bày tỏ, đã nổi lên một số vấn đề".
Nga và Sudan đã ký một thỏa thuận về việc thành lập một căn cứ hậu cần-kỹ thuật cho hải quân Nga ở Biển Đỏ vào tháng 12/2020.
Theo thoả thuận, Nga có thể bố trí tại căn cứ không quá 300 nhân viên, bao gồm cả nhân viên quân sự và dân sự.
Thoả thuận có hiệu lực trong 25 năm và tự động gia hạn thêm 10 năm nếu không bên nào thông báo bằng văn bản cho bên kia về ý định chấm dứt thoả thuận một năm trước khi hết hạn.