Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B của Trung Quốc được phóng vào hôm 29/4 để đưa một trạm không gian vào quỹ đạo. (Nguồn: THX) |
Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho hay, tên lửa Trường Chinh 5B được phóng vào tuần trước để đưa một trạm không gian vào quỹ đạo. Tuy nhiên, một mảnh vỡ lớn của tên lửa này dự kiến sẽ rơi tự do xuống Trái đất ngày 8/5 (giờ Mỹ).
Để tìm các cách cùng đối phó vụ việc này, Không quân Hàn Quốc và Trung tâm Điều hành Không gian Liên hợp (CSpOC) do Mỹ đứng đầu đã tổ chức một hội nghị trực tuyến và chia sẻ dữ liệu giám sát và phân tích. Hội nghị cũng có sự tham gia của đại diện quân đội Đức và Nhật Bản.
Trung tá Choi Seong-hwan thuộc Trung tâm Điều hành Vũ trụ Hàn Quốc nói: "Chúng tôi không thể loại trừ hoàn toàn khả năng các mảnh tên lửa rơi xuống Bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi duy trì sự sẵn sàng cao độ, tối đa hóa khả năng giám sát không gian của mình và hợp tác chặt chẽ với CSpOC cùng các cơ quan liên quan khác để chuẩn bị đầy đủ cho mọi tình huống xảy ra".
Quân đội Mỹ cho biết, chỉ có thể xác định chính xác điểm rơi của mảnh vỡ tên lửa "vài giờ sau khi nó rơi". Các chuyên gia cho rằng, các mảnh vỡ này có thể rơi xuống biển, song không loại trừ khả năng có thể rơi xuống các khu vực đông dân cư.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố, ở thời điểm hiện tại, Mỹ không có kế hoạch bắn hạ bộ phận của tên lửa đẩy Trung Quốc Trường Chinh 5B, đồng thời bày tỏ hy vọng bộ phận này sẽ rơi xuống đại dương.
Ngày 29/4, Trung Quốc đã phóng module đầu tiên của trạm không gian mới lên quỹ đạo. Thay vì rơi xuống điểm đã định trên biển như các tên lửa đẩy trước đây, tầng trung tâm nặng 21 tấn của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B bắt đầu xoay quanh địa cầu trong tình trạng mất kiểm soát và đang rơi tự do.
Tầng trung tâm của Trường Chinh 5B có chiều dài 30m, bề ngang 5m. Với kích thước này, nhiều khả năng vẫn còn một mảnh lớn tên lửa tồn tại khi lao qua tầng khí quyển của địa cầu.
Cuộc hành trình của xác tên lửa Trường Chinh 5B đi ngang New York (Mỹ), Madrid (Tây Ban Nha), phía Bắc Bắc Kinh (Trung Quốc), miền Nam Chile và phía Nam Wellington (New Zealand) mà hoàn toàn không loại trừ khả năng nó có thể rơi xuống Trái đất trong khoảng này.
TIN LIÊN QUAN | |