📞

Nguy cơ sao chổi va vào Trái đất là có thật

15:05 | 23/12/2015
Nguy cơ Trái Đất bị sao chổi va vào là cao hơn so với quan niệm trước đây, một số nhà thiên văn học cho biết.

Một tiểu hành tinh được ghi hình khi bay qua gần Trái Đất (Nguồn: NASA)   

Một nhóm các nhà nghiên cứu Anh vừa tuyên bố rằng sự phát hiện hàng trăm sao chổi khổng lồ (được gọi là "nhân mã") đòi hỏi danh sách các đối tượng có thể gây nguy hiểm cho Trái Đất phải được mở rộng.

Sao chổi là những quả cầu có thành phần băng và bụi với một quỹ đạo không ổn định, xuất phát từ bên ngoài sao Hải Vương. Trong quỹ đạo của chúng, sao chổi băng ngang qua các hành tinh trong hệ Mặt Trời là Mộc tinh, Thổ tinh, Thiên Vương tinh và Hải Vương tinh. Trọng lực của những hành tinh này làm sao chổi chệch hướng liên tục và bay hướng về phía Trái Đất, điều này chỉ xảy ra khoảng một lần mỗi 40.000 đến 100.000 năm. Một sao chổi thường có khối lượng lớn hơn toàn bộ các tiểu hành tinh bay ngang qua Trái Đất được phát hiện cho đến nay, nhóm nghiên cứu cho biết.

Khi sao chổi tiến đến gần Mặt Trời, chúng bị sức nóng Mặt Trời làm tan rã thành những mảnh vỡ, khiến tác động tới Trái Đất là không thể tránh khỏi, nhóm nghiên cứu cho biết trong bài báo vừa đăng tải trên tạp chí Thiên văn học và Địa vật lý của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh. Nhóm nghiên cứu cho rằng, các nhà thiên văn học nên tập trung vào quan sát các sao chổi nhiều hơn các tiểu hành tinh bay qua gần Trái Đất. NASA hiện đang theo dõi khoảng 12,992 tiểu hành tinh có quỹ đạo gần với quỹ đạo của Trái Đất. Họ ước tính khoảng 1.607 trong số chúng được phân loại là tiểu hành tinh có thể gây nguy hiểm.

"Trong ba thập kỷ qua, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều công sức trong việc theo dõi và phân tích các nguy cơ của một vụ va chạm giữa Trái Đất và một tiểu hành tinh," đồng tác giả Bill Napier của Đại học Buckingham (Anh) cho biết. "Chúng ta cần phải quan sát xa hơn nữa, ra phía ngoài quỹ đạo của Mộc tinh để tìm kiếm các sao chổi “nhân mã”. Những sao chổi xa xôi này có thể là mối nguy hiểm nghiêm trọng và bây giờ là lúc chúng ta cần nghiên cứu chúng sớm".

Một số nhà khoa học cho rằng thuở xa xưa, một cuộc “oanh tạc” của sao chổi có thể đã gieo mầm sự sống trên Trái Đất bằng cách mang nước và các phân tử hữu cơ tới hành tinh chúng ta, và họ cũng cho rằng có thể một sao chổi khác đã xóa sổ loài khủng long trên Trái Đất 65 triệu năm trước đây.