TIN LIÊN QUAN | |
Hủy NAFTA – Mexico thiệt, Mỹ cũng gặp nguy | |
Kinh tế Mỹ đã thực sự "khỏe mạnh"? |
Tờ Washington Post vừa đăng bài phân tích về chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump của Phó Giáo sư Jeff Colgan, chuyên gia về lĩnh vực kinh tế chính trị của Viện nghiên cứu các vấn đề công và quốc tế Watson, thuộc Đại học Brown, Mỹ.
Theo Jeff Colgan, chính sách này sẽ là một sự thay đổi lớn so với kiểu chính sách kinh tế xem trọng thương nghiệp, tự do mà các Tổng thống Mỹ trước đó đã thực hiện. Dưới đây là nội dung bài viết.
Donald Trump muốn áp đặt những giới hạn mới cho các doanh nghiệp Mỹ. (Nguồn: Washington Post) |
Chính sách coi trọng đồng tiền
Việc chỉ định các chức danh đầu tiên cho thấy ông Trump vẫn chưa quyết định về mục tiêu kinh tế của ông. Nhà chiến lược hàng đầu của Trump, Stephen Bannon, tự coi mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc. Cả Bannon và Trump đều cho rằng cả một hệ thống đang chống lại tầng lớp trung lưu Mỹ. Họ muốn hạn chế nhập cư và thương mại, tăng lương tối thiểu và tăng chi tiêu công vào cơ sở hạ tầng. Tất cả là để tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Họ phản đối phương pháp tự do kiểu mới mà các doanh nghiệp, trí thức và tầng lớp chóp bu trong xã hội ủng hộ.
Việc ông Trump bổ nhiệm một chuyên gia tài chính tại phố Wall - Steven Mnuchin làm Bộ trưởng Tài chính và tỷ phú Wilbur Ross làm Bộ trưởng Thương mại cho thấy sự kế tục chính sách coi trọng đồng tiền từ các chính quyền trước đây. Cam kết của nhà tỷ phú trong việc giảm vai trò của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và nới lỏng sản xuất năng lượng cũng cho thấy điều đó. Việc ông Trump dàn xếp căng thẳng giữa nhóm cánh tả muốn giúp đỡ tầng lớp công nhân và nhóm bảo thủ tập trung ủng hộ chủ của họ cũng là một ẩn số.
Nếu ông Trump chuyển sang chủ nghĩa dân túy thì đó là một sự thay đổi lớn. Từ thời Reagan tới nay, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều ủng hộ chủ nghĩa tự do kiểu mới, có nghĩa là chính sách kinh tế tập trung vào mở rộng tự do buôn bán. Chủ nghĩa tự do kiểu mới đã mang lại lợi nhuận chủ yếu cho giới giàu có, mở rộng thương mại quốc tế và giữ mức lạm phát thấp với tỷ lệ thất nghiệp vừa phải, nhưng lại tạo ra mức thu nhập thấp. Nó hầu như có lợi cho giai cấp công nhân và trung lưu ở châu Á hơn là ở nước Mỹ.
Chính sách thị trường coi trọng lao động
Một phần trong giải pháp của Trump - Bannon là quay lại thời kỳ chính sách thị trường coi trọng lao động của những năm 1950 - 1960. Trump có thể chưa đưa ra chính sách cụ thể nhưng ông ủng hộ nâng cao thu nhập tối thiểu, tăng chi tiêu chính phủ cho cơ sở hạ tầng và trả lương cho công nhân nghỉ phép. Ở điểm này, ông đã nhận được sự ủng hộ rộng lớn, kể cả của Thượng nghị sỹ Bernie Sanders.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Seatimes) |
Tuy nhiên, ông Trump chỉ kêu gọi quay lại thời những năm 1960 nhưng lại phớt lờ lý do tại sao phương pháp hậu chiến tranh lại tan rã hồi những năm 1970. Chính sách coi trọng lao động chỉ là một nửa của cái vẫn được các học giả về quan hệ quốc tế gọi là "chủ nghĩa tự do" thời hậu chiến. Nửa còn lại là một hệ thống thương mại quốc tế mở nhằm tránh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vào những năm 1930.
Sự tăng trưởng chậm chạp, lạm phát gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong những năm 1970 là do nhiều nguyên nhân, trong đó có cạnh tranh thương mại. Các công ty Mỹ phải cạnh tranh với các công ty châu Á có mức lương tối thiểu thấp. Điều đó đã ảnh hưởng tới lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ và làm nảy sinh chủ nghĩa tự do kiểu mới vào những năm 1980.
Chủ nghĩa tự do kiểu mới vẫn duy trì hệ thống thương mại mở nhưng song hành với đó là các chính sách coi trọng vốn và lạm phát thấp. Điều đó cho phép các công ty Mỹ chuyển sản xuất ra bên ngoài mà vẫn giữ được khả năng sinh lợi.
Đội ngũ chuyên gia kinh tế của Trump ít nhất cũng hiểu tại sao các chính sách thời kỳ hậu chiến lại tan rã. Đó là lý do tại sao một nửa trong kế hoạch kinh tế của họ lại là hạn chế thương mại, nhập cư để bảo vệ việc làm cho công nhân Mỹ. Có một điểm mà nhóm cố vấn của Trump, từ Steve Bannon đến Wilbur Ross, đều nhất trí đó là đóng cửa biên giới.
Kế hoạch kinh tế của Trump gần giống nhất với biện pháp của Tổng thống Herbert Hoover - biện pháp cố gắng giải quyết sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ vào năm 1929 bằng cách bảo vệ nền công nghiệp Mỹ khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài và cả những người nhập cư từ Mexico. Đạo luật Smoot - Hawley năm 1930 đã tăng đáng kể thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu, vì vậy làm tổn hại đến các đối tác thương mại của Mỹ.
Các quốc gia đó, đặc biệt là ở châu Âu, phản ứng lại bằng cách cũng gia tăng thuế đối với hàng hóa vào nước họ. Kết quả là cuộc chiến thương mại đã càng làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế, tạo ra Cuộc Đại khủng hoảng và mở đường cho đảng Quốc xã (Nazis) tại Đức. Nếu như biện pháp "đóng cửa biên giới" của Trump dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc và các nước khác thì tình hình thế giới sẽ càng tồi tệ hơn. Chiến tranh thương mại có thể làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và tác động xấu tới mọi người dân, đấy là chưa kể đến nguy cơ từ chiến tranh thương mại dẫn tới chiến tranh quân sự.
Tóm lại, nếu Donald Trump vẫn quyết định đi theo con đường mới này, Mỹ sẽ phải chuẩn bị tiến hành một cuộc thử nghiệm mới trong chính sách kinh tế mà có thể đem lại những kết quả không thể lường trước đối với nền kinh tế Mỹ và thế giới.
“Nhân vật của năm 2016” Donald Trump và những kỳ vọng của dân Mỹ Tạp chí TIME đã lựa chọn tỷ phú Trump là nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất năm qua và dự đoán năm 2017 ông ... |
Mỹ: Ông Trump không nên trục xuất người nhập cư trẻ tuổi Lời kêu gọi được quan chức Mỹ đưa ra trước nguy cơ ông Donald Trump có thể xóa bỏ chương trình di trú liên quan ... |
Tổng thống đắc cử Mỹ D.Trump bán toàn bộ cổ phiếu tại các công ty Tờ Washington Post ngày 6/12 đưa tin, tháng 6 vừa qua, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã bán toàn bộ cổ phiếu của mình tại ... |