Một vụ vỡ nợ có thể sẽ phủ bóng lên nền kinh tế Mỹ trong một thời gian dài sắp tới. (Nguồn: Sohu) |
Moody's Analytics dự báo, nếu Mỹ không trả được nợ và tình trạng bế tắc kéo dài, cuộc suy thoái tiếp theo sẽ xóa sổ gần 6 triệu việc làm và nâng tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này lên gần 9%. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu sẽ giảm xuống 1/3 và 15 nghìn tỷ USD tài sản hộ gia đình có thể bị "thổi bay".
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi tại Moody's Analytics nhấn mạnh, kịch bản kinh tế này là một trận 'đại hồng thủy'.
Bộ Tài chính Mỹ ước tính, cơ quan này có thể hết tiền để thanh toán các hóa đơn của chính phủ vào một thời điểm nào đó trong tháng 10, gây ra nguy cơ vỡ nợ, trừ khi Quốc hội nâng trần nợ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, lịch sử cho thấy, việc đợi tới phút chót mới đình chỉ hoặc nâng trần nợ quốc gia có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm gia tăng chi phí vay nợ đối với người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.
Trong trường hợp Washington vỡ nợ, trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ bị bán tháo, lãi suất tăng vọt, thị trường chứng khoán suy sụp, tài khoản lương hưu của người Mỹ “bốc hơi”, giá trị USD và uy tín tài chính của nền kinh tế lớn thứ nhất sẽ sứt mẻ.
Bất chấp "bóng ma" vỡ nợ, đảng Cộng hòa đã từ chối nâng trần nợ, một phần do lo ngại về kế hoạch chi tiêu khổng lồ của chính quyền Biden.
Tuy nhiên, Moody's Analytics cũng tin rằng, các thị trường tài chính không phải lo lắng về việc giảm trần nợ và dự đoán, Quốc hội cuối cùng sẽ "ra tay" hành động.
Hiện tại, Phố Wall chưa bị tác động nhiều trước thông tin này.
Nhà kinh tế Zandi cho hay: "Các nhà đầu tư dường như quá lạc quan. Các nhà hoạch định chính sách đang tin rằng, họ không có gì phải lo lắng. Đây sẽ là một lỗi nghiêm trọng".
Báo cáo của Moody's Analytics cho biết, lo ngại về việc Mỹ vỡ nợ vào năm 2013 đã làm tăng lợi suất của kho bạc, khiến người nộp thuế phải trả thêm khoảng nửa tỷ USD chi phí lãi suất cũng như khiến các gia đình và doanh nghiệp phải vay vốn với mức lãi suất cao.
Nếu Quốc hội không nâng trần nợ và Kho bạc bắt đầu thanh toán các tín phiếu trễ hạn, thị trường sẽ phản ứng rất tiêu cực. Nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, trái phiếu kho bạc sẽ bị bán tháo, lợi suất sẽ tăng vọt và dẫn đến một phản ứng dây chuyền trên thị trường tài chính.
Ông Zandi nói: “Giá cổ phiếu sẽ cắm đầu mà rơi. Tất cả chúng ta sẽ nghèo đi ngay lập tức”.
Nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics nhận định, Mỹ có thể sẽ phải thực hiện chương trình trợ cấp các tài sản xấu (TARP) - một sáng kiến do Kho bạc Mỹ tạo lập và vận hành nhằm ổn định hệ thống tài chính của đất nước, khôi phục tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu sự tịch thu tài sản để thế nợ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Nếu Quốc hội vẫn không hành động để dỡ bỏ trần nợ và tình trạng bế tắc vẫn tiếp diễn, chính phủ liên bang buộc phải trì hoãn khoảng 80 tỷ USD thanh toán đến hạn vào ngày 1/11. Quốc gia này sẽ cần phải cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ hơn nữa nếu cuộc khủng hoảng kéo dài đến tháng 11/2021.
Ngoài tác động tức thời đối với nền kinh tế Mỹ, một vụ vỡ nợ có thể sẽ phủ bóng lên quốc gia này trong một thời gian dài sắp tới.
Nhà kinh tế Zandi viết: “Người Mỹ sẽ phải trả giá cho sự vỡ nợ này trong nhiều thế hệ".
| Mỹ sẽ phải đối mặt với 'thảm họa kinh tế' nếu không tăng giới hạn nợ công Ngày 20/9, chính quyền Tổng thống Joe Biden cảnh báo, Mỹ sẽ phải đối mặt với "thảm họa kinh tế" nếu Quốc hội không đạt ... |
| 'Bóng ma' lạm phát kèm suy thoái vẫn đeo đẳng kinh tế Mỹ Tại Mỹ, ngày càng có nhiều sự đồng thuận cho rằng, những áp lực đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới như lạm ... |