📞

Nguyễn Cơ Thạch: Nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược

22:42 | 23/08/2015
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chắc chắn là một trong những nhà tư tưởng chiến lược khôn ngoan nhất và có tư duy tiên tiến nhất nổi lên ở Việt Nam từ sau khi nước này giành được độc lập.
Ngoại trưởng Thạch trong vòng vây của phóng viên tại JIM1 năm 1988.

Ông Nguyễn Cơ Thạch giữ nhiều chức vụ trong Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông đã mang lại hình ảnh một nhà lãnh đạo thanh lịch, dí dỏm, hài hước rất hiếm thấy trong hệ thống chính quyền Việt Nam.

Ông Thạch tham gia kháng chiến chống Pháp khi mới 14 tuổi và làm trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời kỳ Việt Nam giành chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Lần đầu tiên ông được dư luận quốc tế chú ý là vào năm 1968, khi làm trợ lý cho ông Lê Đức Thọ trong các cuộc đàm phán hòa bình bí mật với nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ Henry Kissinger. Ông là một trong những nhân vật chủ chốt trong Hiệp định Paris 1973 dẫn đến việc Mỹ rút khỏi Việt Nam và sau đó là sự sụp đổ của chính quyền miền Nam Việt Nam.

Sau khi Việt Nam giành độc lập, ông Thạch tham gia ngành ngoại giao vào năm 1954 và đã được cử sang Ấn Độ hai năm sau đó để mở cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam. Lúc đó, ông 31 tuổi. "Ông có ngửi thấy mùi cà-ri trong hơi thở của tôi không?”, ông thường nói đùa như vậy về giọng Anh-Ấn của mình.

Ông Thạch nhanh chóng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao và sau đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao năm 1980, thời điểm Việt Nam bị cô lập trên trường quốc tế sau khi Hà Nội lật đổ chính quyền Khmer Đỏ ở Campuchia và Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh trả đũa ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng hỗn độn và phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Liên Xô.

Vào lúc Hà Nội vẫn đang đứng về phía Liên Xô, ông Thạch đã nỗ lực không mệt mỏi để cố gắng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ và phương Tây nói chung. Vị Bộ trưởng này sớm nhận ra rằng, việc cải thiện quan hệ đòi hỏi phải giải quyết vấn đề lính Mỹ mất tích tại Việt Nam trong chiến tranh, việc rút quân Việt Nam khỏi Campuchia, và việc xây dựng cầu nối với các nước láng giềng của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á - các nước từng đứng về phía Trung Quốc để phản đối các hành động của Hà Nội tại Campuchia.

"Ông là người tiên phong trong việc hướng Việt Nam về phía Hoa Kỳ và phương Tây", theo Richard Childress, từng là quan chức cao cấp phụ trách châu Á tại Nhà Trắng trong những năm 1980 và từng đưa nhiều đoàn công tác bí mật đến Hà Nội để thảo luận về việc giải quyết vấn đề quân nhân Mỹ mất tích cũng như vai trò của Việt Nam tại Campuchia. “Ông ấy nhận ra rằng tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào tiến trình tự do hóa kinh tế và việc khôi phục quan hệ với Hoa Kỳ...” Childress còn tiết lộ, trong những cuộc nói chuyện kéo dài nhiều giờ đồng hồ, ông Thạch thường nói bóng gió đến những khó khăn của mình khi giải quyết những thách thức này một cách nhanh chóng.

Ông Thạch được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng năm 1986, kỳ họp đã đưa ra những biện pháp cải cách hướng nền kinh tế nước này sang những nguyên tắc thị trường tự do. Nhiều nhà kinh tế Việt Nam cho biết chính ông Thạch đã tiếp cận họ để hỏi thông tin về nền kinh tế thị trường và đề nghị ban cố vấn kinh tế của Chính phủ dịch nhanh cuốn sách giáo khoa kinh điển của Paul Samuelson về kinh tế sang tiếng Việt.

Richard Solomon, Trợ lý Bộ trưởng phụ trách châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1989-1992, đã gặp ông Thạch thường xuyên để thảo luận về giải pháp cho vấn đề Campuchia. Trong một cuộc họp tại New York vào năm 1990, ông Thạch đã đưa cho Ngoại trưởng James Baker một bản dịch cuốn sách giáo khoa của Samuelson, “như để nói rằng Việt Nam đang muốn cải cách kinh tế và đã sẵn sàng phát triển quan hệ thương mại với Mỹ”, ông Solomon kể.

Đầu năm sau, Baker đưa cho ông Thạch một bản "lộ trình" cho việc bình thường hóa quan hệ theo từng giai đoạn. Mặc dù cho rằng một số lĩnh vực trong lộ trình vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Hà Nội, ông Thạch đã trả lời Baker rằng Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác với Washington trong việc xác định vị trí quân nhân Mỹ mất tích. Trong vòng một vài tháng, Hoa Kỳ đã mở một văn phòng tại Hà Nội dành riêng cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến người Mỹ mất tích.

Sự thiên tài của ông Thạch còn thể hiện ở chỗ ông sớm nhận ra rằng Việt Nam cần quan hệ chặt chẽ với Washington nhằm góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam ba năm sau khi ông Thạch rời khỏi Bộ Chính trị và vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, rồi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm sau đó.

Ông Thạch cũng đã rất khôn ngoan khi nỗ lực tạo ra chiếc cầu nối ngoại giao giữa Việt Nam với Thái Lan - một trong những láng giềng quan trọng nhất của Việt Nam ở Đông Nam Á. Ông hiểu rằng làm cho Thái Lan cảm thấy thoải mái về việc Việt Nam mở cửa sẽ là điều rất quan trọng để đảm bảo sự ủng hộ của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – và thực tế sau đó Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội.

Ông Thạch qua đời năm 1998 ở tuổi 75 và như một sự công bằng của tạo hóa, giấc mơ của ông về mối quan hệ gần gũi hơn giữa Mỹ và Việt Nam đã trở thành sự thật dưới thời con trai ông, Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm Phạm Bình Minh. Năm 2013, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã tháp tùng Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến thăm Mỹ. Trong chuyến đi đó, ông và đối tác phía Mỹ đã nhất trí xác lập “quan hệ đối tác toàn diện" - một thỏa thuận mở đường cho mối quan hệ gần gũi hơn về chính trị, an ninh, đầu tư và thương mại giữa hai nước.

Vào tháng 7/2015, ông Minh tiếp tục đến Washington cùng với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa hai nước mà người cha của ông đã đặt ra nền tảng chiến lược từ ba thập kỷ trước đó.

"Ông Nguyễn Cơ Thạch là người định hình cho chiến lược ngoại giao của Việt Nam trong những năm khó khăn sau chiến tranh", Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, người từng là Trợ lý Ngoại trưởng, nói. "Tầm nhìn sâu rộng, tính cách mạnh mẽ, sự tài giỏi và sự cân bằng tuyệt vời trong thực hiện chính sách ngoại giao đã khiến ông nhận được sự kính trọng của các đối tác bạn bè quốc tế, đặc biệt là những người Mỹ, khi ông đã thúc đẩy con đường hướng tới bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ và sự hội nhập của Việt Nam với phần còn lại của thế giới”.

Murray Hiebert*

* Phó Giám đốc và thành viên cao cấp trong Ban Nghiên cứu về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, DC. Ông là phóng viên phụ trách mảng Việt Nam cho tờ Far Eastern Economic Review từ năm 1986-1994. Bài viết riêng cho Báo Thế giới & Việt Nam

Hài hước và mạnh mẽ như Nguyễn Cơ Thạch

Nhà báo Jean-Claude Pomonti, nguyên Trưởng ban quốc tế báo Thế giới (Le Monde, Pháp), chuyên gia về Đông Nam Á. Ông sống và làm việc tại khu vực từ những năm 1960 đến nay và đã nhiều lần gặp cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch:

Năm 1991, thời điểm ông vừa rời các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao, tôi và một đồng nghiệp của hãng thông tấn AFP đến gặp ông lần cuối tại Văn phòng. Khi được hỏi sẽ làm gì, ông trả lời: “Bây giờ, tôi có thể đi cắt tóc”. Năm năm sau, khi tôi hỏi về sức khỏe, ông trả lời một cách dí dỏm như thường lệ: “Ngôi mộ của tôi đã sẵn sàng nhưng nó vẫn đang trống”. Đó là vào năm 1996, ông dự Đại hội lần thứ VIII của Đảng tại quảng trường Ba Đình với danh nghĩa cựu ủy viên Bộ Chính trị.

Vào thời kỳ Chatichai Choonhavan là Thủ tướng Thái Lan (1988-1991), ông Thạch đến Bangkok dự một hội nghị về tương lai bán đảo Đông Dương. Thủ tướng Chatichai Choonhavan lúc đó ước ao biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường dựa trên đồng bạt của Thái, một tham vọng đáng ngạc nhiên. Ông Thạch tỏ ra đặc biệt dễ mến đối với người đồng cấp, Thống chế Không quân Siddhi Sawetsila, một người chủ trương chống Cộng quyết liệt. Khi tôi hỏi ông lý do của những nỗ lực này, ông đáp: “Đó là người anh em của tôi!”

Luôn hài hước, bặt thiệp và nhiều lúc quyết liệt, ông Nguyễn Cơ Thạch, nhà ngoại giao xuất sắc của các hồ sơ nan giải, được các nhà lãnh đạo nhiều nước đánh giá cao về tính cách và tài năng. Quân đội Việt Nam vào Campuchia, phản ứng giận dữ của Trung Quốc, cấm vận của Mỹ... đó là những thách thức mà người lãnh đạo ngành ngoại giao phải đương đầu suốt từ năm 1980 đến năm 1991.

Hải Vũ (gt)