Khái quát về con người đồng chí Nguyễn Duy Trinh với lòng kính trọng và tình cảm dành cho một "người thầy", nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm trong bài viết của mình cũng như trong bài phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách cho rằng: Thứ nhất, đồng chí Nguyễn Duy Trinh là người nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Ngoại giao trong thời điểm thử thách gắt gao (Mỹ mở rộng chiến tranh, đánh phá ác liệt, phe XHCN bất đồng sâu sắc), nhưng đồng chí đã lãnh đạo toàn bộ khối đối ngoại (ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoài giao nhân dân) thực hiện đúng đường lối đoàn kết quốc tế, và vẫn tranh thủ được sự ủng hộ của cả Liên Xô và Trung Quốc. Thứ hai, trong thời kỳ diễn ra đàm phán Paris, trong khi đồng chí Lê Đức thọ làm cố vấn, đồng chí Nguyễn Xuân Thủy làm trưởng đoàn thì đồng chí Nguyễn Duy Trinh ở trong nước thay mặt Bộ Chính trị đã chuẩn bị tất cả những vấn đề cần thiết để Bộ Chính trị có ý kiến trên cơ sở đó chỉ đạo đoàn đàm phán ở Hội nghị. Có thể nói trong thành công của việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973 có đóng góp chuẩn bị của đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Thứ ba, ông là một người rất thương cán bộ, những người càng ở cấp dưới ông càng quan tâm. Chưa bao giờ thấy ông mắng hay nói nặng lời với cán bộ dù họ sai. Ông luôn tôn trọng người đối thoại, dù đó là ai. Ông là người luôn ghi chép bất kỳ điều gì và có trí nhớ tuyệt vời, ông có thể trích dẫn câu nói của Mác - Lênin trong các cuộc họp và nói rõ câu đó ở chương nào, quyển nào...
Ông Phạm Quang Huấn (thư ký của đồng chí Nguyễn Duy Trinh) bày tỏ kính phục về tầm nhìn chiến lược đối với xây dựng và phát triển kinh tế, về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của cố Bộ trưởng. Ông Nguyễn Duy Trinh từng phụ trách Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước. Ông rất chú ý đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Sau khi thăm Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, ông đề nghị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng quan tâm đến vấn đề độc hại ở Viện và có cơ chế đối xử tốt với đội ngũ cán bộ này. Thăm trung tâm tằm giống ở Bảo Lộc, nơi lai tạo được giống tằm cho sợi tơ dài hơn, ông đề nghị nhân rộng giống tằm này để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm làm hàng xuất khẩu... Ông cũng rất coi trọng trí thức Việt kiều nên đề nghị có chính sách cụ thể, rõ ràng để thu hút lực lượng này vào công cuộc xây dựng đất nước. Đến nay, những ý kiến này vẫn nguyên giá trị.
Trong khi đó, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tự nhận mình là một "fan hâm mộ" đ/c Nguyễn Duy Trinh. Nhấn mạnh về "cái đức" của cố Bộ trưởng, ông cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh là người khiêm nhường, kiệm lời, không tìm cách "PR", đánh bóng bản thân. Ông Nguyễn Duy Trinh luôn luôn tìm cách học, đọc để suy ngẫm. Trong cặp của ông lúc nào cũng đầy tài liệu. Đi đâu cũng mang theo sách, tranh thủ đọc mọi lúc, mọi nơi. Ông chính là hình mẫu của "cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư".
Đối với ông Việt Phương, thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, con người của đồng chí Nguyễn Duy Trinh có thể nói gọn trong những từ "Nắm thật chặt, đặt thật êm, luôn luôn tìm cái mới". Nghẹn ngào khi nhớ về người mà ông coi là thủ trưởng trực tiếp, người thầy về cả trí tuệ và tài năng và phẩm hạnh, ông Việt Phương nói: "Điều thống nhất và nhất quán trong con người và hoạt động của Nguyễn Duy Trinh là chất văn hóa. Văn hóa ở đây không phải là một ngành hoạt động bên cạnh chính trị, kinh tế, quân sự mà với cái nghĩa rộng lớn và đẹp đẽ của văn hóa mà cốt lõi là chủ nghĩa nhân văn, là sự tin cậy, yêu quý, tôn vinh con người, dành ưu tiên cho con người nghèo khổ thiếu thốn bất hạnh, đặc biệt chăm lo phát hiện bồi dưỡng phát huy những nhân tài đích thực của đất nước với tấm lòng chân thành, thẳng thắn và phẩm hạnh giản dị, khiêm nhường".
Cuốn sách Nguyễn Duy Trinh - Người cộng sản kiên cường, nhà ngoại giao tài năng được tổ chức biên soạn trong vòng hai năm 2011-2012 trên cơ sở cuốn sách Nguyễn Duy Trinh - Hồi ký và tác phẩm đã được xuất bản năm 2003. Trong lần xuất bản này, cuốn sách bổ sung nhiều bài viết quan trọng chọn lọc từ Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh do Bộ Ngoại giao tổ chức tháng 5/2010. Cuốn sách chính là sự thể hiện lòng thành kính, tri ân, trân trọng của các thế hệ kế tiếp đối với các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, trong đó có đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, cuốn sách như một "viên gạch lấp đầy những lỗ hổng" trong lịch sử oai hùng của dân tộc ta và hy vọng các "tài liệu sống về lịch sử dân tộc" như cuốn sách này đến được với nhiều độc giả cả nước.
Kim Chung