📞

Nguyên nhân nào khiến quân đội Afghanistan sụp đổ chóng vánh?

Khánh Vy 07:28 | 18/08/2021
Dù được Mỹ huấn luyện trong 20 năm và đầu tư hàng tỷ USD, quân đội Afghanistan lại để cho Taliban chiếm lấy thủ đô Kabul một cách dễ dàng.

Chỉ một tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden bảo vệ quyết định chấm dứt sự can dự của Mỹ ở Afghanistan, ông thậm chí còn khẳng định khó có khả năng Taliban tiếp quản chính quyền tại quốc gia này.

Ông Biden nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng vào năng lực của quân đội Afghanistan, những người được đào tạo bài bản hơn, trang bị tốt hơn và có năng lực hơn”.

Quân đội Afghanistan duyệt binh tại Kabul hồi tháng 4/2021. (Nguồn: Washington Post)

Tuy nhiên, đội quân hùng hậu và được trang bị đầy đủ đó đã sụp đổ nhanh chóng và đầy bất ngờ. Trong vòng hơn một tuần, các tay súng của Taliban đã đánh chiếm 13 thủ phủ và tiến vào thủ đô Kabul mà hầu như không gặp phải sự phản kháng.

Khi đến Kabul, Taliban đã nhanh chóng chiếm được các tòa nhà của chính phủ, còn Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phải bỏ trốn.

Tốc độ sụp đổ nhanh chóng của lực lượng quân sự đã khiến nhiều quan chức Mỹ và các nhà quan sát nước ngoài khác không khỏi sửng sốt. Chính phủ Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nỗ lực sơ tán nhân viên ngoại giao, công dân khỏi chiến trường Afghanistan.

Những diễn biến đáng chú ý này xảy ra bất chấp việc Mỹ đã đổ hơn 83 tỷ USD vào vũ khí, trang thiết bị và đào tạo cho lực lượng an ninh của Afghanistan trong hơn 2 thập kỷ.

Xây dựng bộ máy an ninh Afghanistan là một trong những phần quan trọng trong chiến lược của chính quyền Barack Obama nhằm tìm cách chuyển giao an ninh và rút quân đội về nước từ 10 năm trước.

Những nỗ lực này đã tạo ra một đội quân được mô phỏng theo hình ảnh của quân đội Mỹ, một thể chế Afghanistan với kỳ vọng tồn tại lâu hơn trong cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành. Thế nhưng, mọi chuyện đã chấm dứt trước cả khi Mỹ hoàn toàn rút lui khỏi quốc gia này.

Một câu hỏi đã được đặt ra: Làm thế nào mà một đội quân với quân số đông, được cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ huấn luyện, tài trợ và trang bị, lại có thể mất phương hướng nhanh chóng như vậy?

Những dấu hiệu ban đầu

Những tín hiệu phản ánh sự tan rã của quân đội Afghanistan đã xuất hiện từ rất lâu trước đó. Năm 2020, Mỹ và Taliban đã đạt được một thỏa thuận lịch sử trong cuộc đàm phám được tổ chức ở Doha, trong đó xác nhận Mỹ rút quân hoàn toàn cùng với việc giảm sự hiện diện của các lực lượng đồng minh.

Do đó, một phần không nhỏ trong lực lượng Afghanistan nhận ra rằng họ sẽ mau chóng không thể trông chờ vào sức mạnh không quân Mỹ cũng như các hỗ trợ quan trọng từ các lực lượng khác. Taliban đã nắm bắt được tâm lý rệu rã của binh lính Afghanistan và tận dụng triệt để điều này.

“Một số người chỉ cần có tiền”, một sĩ quan đặc nhiệm Afghanistan giấu tên nói về những người đầu tiên đồng ý đàm phán với Taliban. Những người khác coi việc Mỹ rút quân không khác nào một sự "đảm bảo" rằng Taliban sẽ trở lại nắm quyền ở Afghanistan, và họ muốn chắc chắn rằng mình sẽ về với bên chiến thắng.

Thỏa thuận năm 2020 vốn được đề xuất nhằm chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan. Nhưng thay vào đó, nó khiến nhiều binh sĩ Afghanistan trở nên mất tinh thần, đồng thời phơi bày tình trạng tham nhũng của nhiều quan chức, cũng như lòng trung thành mong manh của họ dành cho chính quyền.

Những thỏa thuận ngầm

Không những vậy, theo Washington Post, Taliban còn “ngấm ngầm” thỏa thuận riêng lẻ với các quan chức các cấp của Afghanistan, từ thấp đến cao. Theo lời một sĩ quan Afghanistan và một quan chức Mỹ, giới chức Afghanistan đã công bố các thỏa thuận đạt được giữa hai bên vào đầu năm ngoái là các thỏa thuận ngừng bắn.

Nhưng trên thực tế, các điều khoản trong đó quy định, Taliban sẽ trả tiền để đổi lấy vũ khí từ Afghanistan. Do vậy, khi các tay súng Taliban mở rộng khu vực kiểm soát, các quận do chính phủ nắm giữ thất thủ dễ dàng mà không hề có một sự đáp trả nào.

Kunduz, cứ điểm then chốt mang tầm quan trọng chiến lược, đã trở thành thành phố lớn đầu tiên bị Taliban chiếm đóng cách đây một tuần. Trước đó, các cuộc đàm phán kéo dài nhiều ngày giữa Taliban và các trưởng lão bộ lạc cuối cùng đã dẫn đến một thỏa thuận đầu hàng.

Ngay sau đó, các cuộc đàm phán diễn ra tại Herat ở miền Tây đã khiến thống đốc, quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ, các quan chức tình báo cùng hàng trăm binh sĩ từ chức. Thỏa thuận đạt được chỉ trong một đêm.

Trong tháng vừa rồi, tỉnh Helmand tại miền Nam nước này cũng chứng kiến những vụ đầu hàng hàng loạt.

Khi các chiến binh Taliban tiến vào tỉnh Ghazni ở phía Đông Nam ngày 12/8, Thống đốc Dawood Laghmani sau khi thương lượng với Taliban đã được thả tự do và cho một xe hộ tống để rời khỏi tỉnh. Trên đường đến thủ đô, ông ta cùng người thân đã bị bắt theo lệnh của Bộ Nội vụ.

Một sĩ quan cảnh sát Afghanistan tại tỉnh Kandahar ngày 28/7. (Nguồn: Washington Post)

Đầu hàng hàng loạt

Theo các chuyên gia phân tích thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chính phủ Afghanistan chủ yếu dựa vào các lực lượng quân đội chính quy, đặc biệt chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian qua, những đơn vị này thường được điều động để hỗ trợ cho các đơn vị quân đội, cảnh sát thiếu kinh nghiệm, vốn đã nhiều lần chùn bước trước sức mạnh của Taliban.

Khi Taliban tiến công vào Kandahar, lực lượng cảnh sát biên giới đã nhanh chóng đầu hàng, khiến cho các đơn vị đặc nhiệm bị bỏ rơi và phải chiến đấu một mình.

Không muốn đầu hàng, nhưng do bị áp đảo, các thành viên của đơn vị đặc nhiệm lần lượt hạ vũ khí, thay trang phục dân sự và bỏ trốn khỏi vị trí.

Khi một sĩ quan cảnh sát ở Kandahar được hỏi về việc vì sao lực lượng của anh không có động lực chiến đấu, anh giải thích rằng cảnh sát đã không được trả lương trong khoảng sáu đến chín tháng.

Trong bối cảnh đó, các khoản tiền trợ cấp của Taliban trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Bacha, một chỉ huy cảnh sát 34 tuổi ở Kandahar, nói rằng, việc liên tục phải rút lui trước Taliban đã làm thui chột niềm tự hào của anh, nhưng việc không được trả lương khiến anh ấy cảm thấy tuyệt vọng.

Nói chuyện với phóng viên The Washington Post, Bacha cho biết Taliban đã đề nghị một khoản 150 USD cho bất kỳ ai từ chính phủ đầu hàng và tham gia cùng họ. Nhưng đến nay, số tiền này đã tăng lên.

Cứ như thế, Taliban từng bước tiến vào thủ đô Kabul trong khoảng thời gian ngắn ngủi và khiến thế giới vô cùng ngỡ ngàng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay: "Thực tế của vấn đề là chúng tôi thấy rằng lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan đã không thể bảo vệ đất nước. Điều đó đã xảy ra nhanh hơn chúng tôi dự đoán".

Giờ đây, Afghanistan đã rơi vào sự kiểm soát của Taliban và đón chờ một tương lai khó đoán định.

Hệ thống của lực lượng an ninh Afghanistan trên giấy tờ là khoảng 300.000 người, song theo giới chức Mỹ, quân số thực tế gần đây chỉ bằng 1/6 số này.

Theo một nguồn tin quân sự cấp cao của Mỹ, nhà chức trách Afghanistan đã thổi phồng các con số với "các tiểu đoàn ma", nhằm tăng hóa đơn chi trả của Mỹ và tiếp tay cho nạn tham nhũng.

(theo Washington Post/New York Times)