📞

Nguyện sống xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của đồng chí, đồng bào

14:00 | 26/07/2017
Phát biểu tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta nguyện sống xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của các đồng chí, đồng bào, đoàn kết một lòng, xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”.

Sáng 26/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo Nhân dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND Thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các đại biểu người có công.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.

Những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Hội nghị vô cùng cảm phục khi được nghe về tấm gương mẹ Nguyễn Thanh Tùng (bí danh Nguyễn Thị Điểm), 87 tuổi, vừa là Mẹ Việt Nam anh hùng, vừa là Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bố mẹ và 8 người anh của mẹ lần lượt hy sinh. Từ năm 11 tuổi mẹ đã làm giao liên, thư từ cho các cơ sở cách mạng. Lớn lên mẹ tham gia vào Mặt trận dân tộc giải phóng và công tác trong đội biệt động thành Sài Gòn. Rồi mẹ lập gia đình và sinh được hai người con trai là Phạm Quốc Nam và Phạm Quốc Trung, những cái tên đầy ý nghĩa, nặng tình đất nước. Cả hai người con của mẹ đều sinh ra trong địa đạo. Cuối năm 1967, mẹ nhận được hung tin chồng của mình là liệt sĩ Phạm Văn Tám hy sinh, đến tháng 4/1975, mẹ lại thêm muôn phần đau đớn khi cả 2 người con của mình đều hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc.

Trong số đại biểu về dự có nhiều người là thương binh nặng 1/4 với tỉ lệ mất sức trên 90%, song đã vượt qua vết đau của thương tật, vượt qua tất cả những khó khăn để sống có ích, làm điểm tựa vững vàng cho con cháu.

Nhiều người đã trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi, thu hút tạo việc làm, đóng góp hàng chục tỷ đồng vào công tác an sinh xã hội như thương binh 2/4 Phạm Thanh Xuân, tỉnh Lào Cai, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và bị thương nặng. Trở về với cuộc sống đời thường, anh xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, chọn nghề nuôi ong mật với số lượng trên 700 đàn ong ngoại, cho sản lượng hàng chục tấn mật ong; mang lại việc làm cho hàng trăm lao động có mức lương cao. Thu nhập mỗi năm của gia đình hàng chục tỷ đồng, một phần trong đó anh đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện, cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại địa phương.

Hội nghị biểu dương thương binh 2/4 Lê Hồng Quang, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bao bì 27/7 Hà Nội, từng tham gia chiến đấu và bị thương tại chiến trường miền Nam. Trở về với đời thường, ông cùng tập thể lãnh đạo đã đưa công ty từ một doanh nghiệp có cơ sở vật chất nghèo nàn lạc hậu trở thành một trong những công ty sản xuất bao bì hàng đầu Việt Nam với trang thiết bị hiện đại, đời sống thu nhập của cán bộ công nhân viên được bảo đảm.

Ở Thành phố Cảng Hải phòng có một con người đã trở thành niềm tin yêu, niềm tự hào của những cựu chiến binh và thương bệnh binh - thương binh nặng Trần Hồng Quảng. Anh cùng một số thương, bệnh binh thành lập Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh. Họ đi lên từ hai bàn tay trắng nhưng đến nay có hàng nghìn lao động với nhiều ngành nghề sản xuất khác nhau như sản xuất xi măng; nuôi trồng thủy sản; chế biến thức ăn chăn nuôi công nghệ cao; kinh doanh vận tải...

Đó còn là những người chiến sĩ trong thời bình vẫn đang ngày đêm vượt thác ghềnh hiểm trở, vượt qua bao hiểm nguy nơi non cao vực sâu để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng cao cả là khảo sát tìm kiếm, quy tập hài cốt những người đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp quốc tế trên nước bạn Lào, Campuchia. Đó là anh Thái Bá Ngọc, hiện đang công tác tại Đội quy tập, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, đã bị thương trong một lần đi tìm kiếm quy tập đồng đội ở huyện Xieng Khouang, Lào nhưng anh vẫn không hề e ngại, tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Từ năm 1996 đến nay, anh đã trực tiếp cất bốc hàng chục hài cốt liệt sĩ; góp phần cùng đơn vị từ năm 1984 đến nay đưa 11.781 hài cốt liệt sĩ về nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị biểu dương người chiến sĩ công an nhân dân quả cảm, chiến đấu và bị thương trong quá trình tấn công trấn áp tội phạm để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân. Đó là Thượng úy Trần Ngọc Thắng, công an tỉnh Nam Định, đã dũng cảm ngăn chặn nhóm đối tượng phạm tội có tổ chức gây ra hàng trăm vụ trộm cắp trên xe container dọc tuyến Quốc lộ 10 ở địa bàn nhiều tỉnh. Trong quá trình điều tra phá án, đồng chí đã bị nhóm đối tượng dùng kiếm chém đứt rời bàn tay trái, biết bị thương nặng nhưng đồng chí vẫn quyết tâm truy đuổi đối tượng đến cùng.

Chào mừng và vinh danh 700 người có công tiêu biểu đại diện cho hơn 9 triệu người có công trên cả nước, Thủ tướng nêu rõ: “Ngày nay, đất nước ta đã độc lập. Tổ quốc ta đã thống nhất. Chúng ta được sống cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc là nhờ có sự đóng góp hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, của hàng triệu người con ưu tú đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, anh dũng hy sinh, cống hiến máu xương, trí tuệ, công sức, tài sản cho sự nghiệp cách mạng cao cả”.

Để các Mẹ vẫn được nghe tiếng gọi: Mẹ ơi!

“Hội nghị chúng ta cũng vui mừng được đón 19 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có Mẹ Hoàng Thị Khuê, Mẹ Nguyễn Thị Lát, Mẹ Nguyễn Thanh Tùng… đại diện cho hàng trăm nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước về dự”, Thủ tướng bày tỏ.

“Chúng ta vô cùng xúc động được gặp các Mẹ - những người còn mang nặng trong lòng những đau thương, mất mát như lời hát: 'Nước mắt Mẹ không còn, vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi mãi mãi. Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da, đã lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng Mẹ vẫn còn nặng mang'. Những người con của các Mẹ đã ra đi mãi mãi nhưng từ đáy lòng, mọi người dân Việt Nam luôn tri ân và bằng tình yêu thương sâu nặng luôn quan tâm chăm sóc để các Mẹ vẫn được nghe tiếng gọi: Mẹ ơi!”.

Thủ tướng cùng bày tỏ vui mừng chào đón hơn 30 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang, 500 đại biểu đại diện cho hàng trăm nghìn thương binh, bệnh binh, những người đã anh dũng chiến đấu nơi chiến trường. Trong hòa bình, phát huy bản chất “Anh Bộ đội Cụ Hồ”, các anh đã hòa mình vào cuộc sống, tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

700 đại biểu về dự Hội nghị hôm nay là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên trong mỗi chúng ta.

Các đại biểu dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu.

Nhấn mạnh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, Thủ tướng cho biết, trong những năm qua, chúng ta đã ban hành và quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công. Hệ thống chính sách ngày càng được hoàn thiện. Mở rộng đối tượng dù ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng mức hỗ trợ ngày càng tăng. Đến nay, chúng ta đã thực hiện chính sách ưu đãi đối với hơn 9 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, bệnh binh; hàng trăm nghìn người bị địch bắt, tù đày, bị nhiễm chất độc hóa học…

Đời sống vật chất tinh thần của người có công ngày càng được cải thiện. Đến nay, 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

“Tuy nhiên, chúng ta chưa bằng lòng với những kết quả đạt được khi còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những người, những gia đình chưa được đầy đủ chế độ ưu đãi”, Thủ tướng bày tỏ. “Đây là điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta”.

Với trách nhiệm lớn lao và tình nghĩa sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định việc thực hiện ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14 ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 21 ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về ưu đãi người có công theo hướng mở rộng đối tượng, tăng mức hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực của xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và chính sách ưu đãi người có công. Quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở, trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công. Đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ xác định người có công còn tồn đọng.

Phát triển sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn. Thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Với những hy sinh, mất mát to lớn không gì bù đắp được, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta kiên quyết bảo vệ những gì đã giành được, nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình giữ vững độc lập, tự do, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, để con cháu chúng ta, các thế hệ mai sau được sống trong hòa bình, thống nhất, ổn định và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. Thủ tướng nhấn mạnh. “Chúng ta nguyện sống xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của các đồng chí, đồng bào, đoàn kết một lòng, xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho 70 đại biểu người có công. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định trao tặng 630 Bằng khen cho đại biểu người có công.