Nhà báo Sascha Matuszak tham gia tập luyện tại Học viện võ thuật Thiếu Lâm Tự. |
Chùa Thiếu Lâm với môn phái Thiếu Lâm được xem là nguồn gốc võ thuật Trung Quốc hiện nay. Nằm ở Tung Sơn (Đăng Phong, Hà Nam), ngôi chùa này được rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi mối liên hệ giữa Phật giáo Thiền tông và võ thuật. Môn phái võ này do đại sư Bồ Đề Đạt Ma sáng lập.
Xung quanh ngôi chùa là hàng chục ngôi trường dạy võ thuật. Trong đó, Học viện võ thuật Thiếu Lâm Tự là trường dạy võ lớn nhất tại Trung Quốc (730 nghìn m2). Hiện tại, nhà trường đang giảng dạy cho 35 nghìn học viên.
"Nếu không chịu tản bộ và tự khám phá ngôi chùa này, bạn có thể sẽ cảm thấy thất vọng với những gì mà người ta thường nói về Thiếu Lâm tự. Chỉ khi được xem các võ sinh biểu diễn, bạn mới hiểu thế nào là võ thuật thực thụ", nhà báo Matuszak chia sẻ.
Môn võ của Đạo Lão
Núi Võ Đang nằm bên bờ sông Hán, phía nam Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc. Đây là nơi môn võ Thái Cực ra đời. Môn võ này là sự kết hợp giữa các động tác tự vệ, vận nội công và các nguyên tắc của Đạo Lão. Người sáng tạo ra Thái Cực là sư phụ Trương Quân Bảo (Trương Tam Phong), sống vào cuối đời nhà Nguyên, đầu đời nhà Minh. Điểm đặc biệt của Thái Cực là sử dụng chính lực đánh của đối phương để phản công với bí quyết lấy nhu chế cương, lấy tĩnh chế động, lấy yếu thắng mạnh.
Các võ sinh biểu diễn Thái Cực Quyền trên núi Võ Đang. |
"Ngọn núi ấy đẹp như một bức tranh thủy mặc. Phong cảnh nơi đây gần như không thay đổi so với 150 năm trước. Bất cứ ai quan tâm đến Đạo Lão đều sẽ rất hứng thú với nơi này", nhà báo Matuszak đã nhận xét như thế.
Trong thời gian ăn ngủ để tìm hiểu về môn võ, nhà báo người Mỹ đã được các môn sinh ở đây kể cho nghe những câu chuyện Thái Cực đã giúp họ thay đổi tích cực như thế nào. "Họ luôn muốn dạy tôi Thái Cực Quyền hay đơn giản là giúp tôi tìm ra hướng đi đúng đắn cho phần đời còn lại của mình", ông nhớ lại.
Nhân tài ẩn danh
Núi Nga Mi ở tỉnh Tứ Xuyên không chỉ là một trong những nơi ngắm cảnh bình minh đẹp nhất Trung Quốc mà còn sản sinh ra một trong những môn phái võ có tầm quan trọng trong lịch sử phát triển võ thuật Trung Hoa - Nga Mi võ phái. Trước đây, phái võ này quy định chỉ cho phép nữ giới nhập môn. Là sự tổng hòa của nhiều môn phái, nó vừa có tính nghiêm ngặt, chặt chẽ của Thiếu Lâm nhưng động tác vẫn khoáng đạt, ung dung như Thái Cực.
Bức tượng Phật nổi tiếng trên núi Nga Mi. |
Du khách muốn tìm hiểu về võ thuật sẽ phần nào cảm thấy thất vọng khi đến núi Nga Mi bởi có rất ít môn sinh tập luyện ở đây. Tuy nhiên, đây lại là nơi mà ông Matuszak tầm sư học đạo. "Vẻ ngoài của các cao nhân tại Trung Quốc nói chung và Nga Mi nói riêng vô cùng bình dị. Họ có thể là người đưa thư mà bạn gặp hàng ngày", ông nói.
Nhà báo người Mỹ này đã theo học sư phụ Lý Quyền tại trường Đại Sư Môn (ngoại ô tỉnh Tứ Xuyên) trong suốt 12 năm. Ông từng nhiều lần được sư phụ dẫn đi thăm núi Nga Mi và tìm hiểu về môn phái đặc biệt này.
Nơi võ thuật bay xa
Có thể nói Hong Kong là nơi võ thuật Trung Quốc đã vượt ra khỏi biên giới để vươn ra toàn cầu. Con đường quảng bá ấy chính là những bộ phim hành động mà Lý Tiểu Long đã thực hiện vào thập niên 1970 tại đây. Với đóng góp lớn cho võ thuật, ngôi sao đoản mệnh này đã được Hong Kong tạc bức tượng đồng cao 2,5m trên Đại lộ Ngôi sao. Những hiện vật gắn liền với sự nghiệp của ông cũng được trưng bày tại Viện bảo tàng Di sản Hong Kong.
Lý Tiểu Long là một trong những môn đồ của sư phụ Diệp Vấn - một trong những bậc thầy của môn phái Vịnh Xuân. Hiện nay, những du khách quan tâm đến võ thuật thường tìm đến ông Sam Lau - một học trò chân truyền hiếm hoi còn lại của sư phụ Diệp Vấn để tìm hiểu thêm về Vịnh Xuân Quyền.
Bích Trâm (tổng hợp)