Ông Trần Văn Chức, chủ nhân công trình Nhà bom Quảng Trị mang tên “Ký ức Trường Sơn” và tác giả tại không gian ngôi nhà bom. (Ảnh: George Newman) |
Từ Hà Nội, tôi chạy xe một mình về Quảng Trị vào đúng tháng Vu Lan báo hiếu, báo ân. Đến cột mốc Trường Sơn Km 1063, đối diện đường vào Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, vừa hạ kính xe để hỏi đường thì tôi chợt nghe văng vẳng đâu đó tiếng hát trầm ấm, hào hùng: “Thế là con đã ra đi/ Núi sông Quảng Trị /còn ghi tháng ngày/ Dòng sông nớ ngọn núi ni/ Con xin ở lại lấy đây làm nhà/…” (Bài hát Con xin ở lại nơi này - Sáng tác Hà Chương, thơ Nguyễn Văn Á).
Bà bán hàng bên đường như đoán được câu hỏi của tôi, đon đả nói: “Ông Chức (Trần Văn Chức) đang hát đấy. Ông ấy là chủ công trình Nhà bom Quảng Trị mang tên Ký ức Trường Sơn bên đường kia kìa!”. Theo hướng tay bà chỉ, ánh mắt tôi hướng về khu nhà vườn đang rợp bóng quốc kỳ tung bay trong gió, trong làn khói hương bảng lảng Rằm tháng Bảy ở nơi đang lưu giữ tới 1.000 kỷ vật, đó là ngôi nhà ba gian vững chắc ngự trong khuôn viên khoảng 1.000 m2.
Kiến trúc sư chân đất
Thấy có khách đến, ông Chức niềm nở ra chào. Vừa bước qua cổng khuôn viên, tôi lập tức bị hút hồn bởi ngôi nhà như một bảo tàng chiến tranh thu nhỏ. Ông Chức cho biết, năm nào Rằm tháng Bảy, khi thắp hương tưởng nhớ các anh linh liệt sĩ, ông lại hát bài ấy. “Mọi người vào thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đều ghé thăm ngôi nhà bom - Ký ức Trường Sơn của tôi. Đây là nhà của lão nông tôi tự thi công, tự thiết kế”, ông Chức chia sẻ.
Tôi ngắm nhìn công trình độc đáo và thầm thán phục sức sáng tạo của ông. Nhà chính có diện tích 300m2, được xây dựng từ 300 vỏ bom đạn, trong đó có 70 vỏ bom làm cột trụ. “Những ngôi nhà bình thường khác thì trụ được làm bằng xi măng hoặc gỗ, nhưng ngôi nhà của tôi làm bằng vỏ bom, vỏ đạn. Dưới thấp là những bom cỡ tấn, tiếp đến là bom tạ, lên cao là vỏ đạn pháo nhẹ hơn. Những quả bom được hàn với nhau để tạo thành ngôi nhà 3 gian vững chắc và kiên cố”, ông Chức giới thiệu.
Thấy tôi chớp máy ảnh liên tục, ông cười: “Ngoài cổng kia là hai quả bom cỡ... khủng long, làm trụ cổng, phía trên tôi gắn những lá cờ Tổ quốc ẩn chứa thông điệp chiến thắng của quân và dân Việt Nam. Bước vào phía trong, tôi thiết kế khuôn viên là một màu xanh mát mẻ, yên bình. Cây bồ đề kia do cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trồng từ năm 2000, nó đã được 24 tuổi rồi”.
Vừa chầm chậm đi dạo trong khuôn viên, ông Chức vừa giới thiệu cho tôi hiểu những tâm huyết của mình trong thiết kế công trình này. Trước cửa ngôi nhà là hàng loạt những vỏ bom tấn, bom tạ, tái hiện như thực với nếp sơn bóng loáng, nổi bật cả số hiệu bom. Chủ nhân của công trình nói, ông không lấy ý tưởng nào cả, thế nên nó mới độc lạ, sáng tạo của “nông dân chân đất” thôi. Riêng mái và độ dốc phải nhờ bên các anh em xây dựng tính sao cho vừa, cho đẹp, cho thoáng... Với ông, mỗi kỷ vật là một câu chuyện.
Hình trái tim được làm bằng ca tút (cartouche)– vỏ đạn trưng bày tại ngôi Nhà bom. (Ảnh: George Newman) |
Những vỏ bom biết nói
Để có được bảo tàng thu nhỏ này, ông Chức đã dành thời gian sưu tầm vỏ bom, đạn pháo cũng như kỷ vật từ vài chục năm trước, từ thời còn thanh niên. Nhiều khi, gặp những quả bom trong rừng sâu, không có phương tiện như bây giờ, ông phải thuê xe trâu kéo về. Cứ nghe đâu có vỏ bom đạn là ông tìm đến ngay, nhất là những quả đặc chủng khó kiếm. Ông chỉ vào hai vỏ bom hai tấn, bảo: “Quả này từ Quảng Bình, còn quả này ở Huế. Đa phần tôi mua lại từ hàng phế liệu, họ gom nhặt trong dân. Có những quả chưa nổ thì trước tôi báo cho công binh, giờ thì báo cho bên Trung tâm Hành động bom mìn Việt Nam (VNMAC). Có người buôn phế liệu sau khi biết tôi mua về để làm công trình này thì họ lấy tôi giá vốn, có người lại đòi giá cao, tôi đều chấp nhận. Có quả ngày trước mua có 10 triệu/quả, sau này phải trả tới 40 triệu. Thế nhưng có người biết mục đích của tôi thì họ tặng luôn”.
Ông nhớ lại, sau khi bắt tay vào xây dựng nhà bom thì việc sưu tầm cũng thuận lợi hơn. “Biết tôi xây tốn kém, có người ủng hộ và động viên. Nhiều cựu chiến binh và con cháu các vị tướng nổi tiếng cũng tới động viên tôi. Các thân nhân liệt sĩ khi vào đây viếng nghĩa trang có người khóc khi tham quan công trình. Niềm vui được nhân lên khi tôi được đón các đoàn học sinh đến trải nghiệm, tìm hiểu, chạm tay vào lịch sử”.
Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi được nghe ông Chức kể về quả bom chùm (bom mẹ) cao khoảng 2m, trong bụng chứa tới 360 quả bom bi có tính sát thương cao.
Kế bên ngôi nhà bom, ông Chức còn làm thêm cả hầm chữ A, bếp Hoàng Cầm... Ông ngân nga vần thơ của Phạm Tiến Duật: “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Từ chiến dịch Hòa Bình (1951-1952), Bếp Hoàng Cầm ra đời. Đây là loại bếp dã chiến, có công dụng làm tan loãng khói bếp tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay địch phát hiện. Vừa đọc thơ, ông vừa châm lửa, thử bếp cho tôi xem.
Cây thu phát sóng của Mỹ trong chiến tranh hay còn gọi là Cây nhiệt đới được thả xuống những cánh rừng để thu thập thông tin. (Ảnh: George Newman) |
Chiến tranh và hòa bình
Trong suốt câu chuyện, ông Chức luôn nhắc đến những di tích lịch sử tại Quảng Trị, những ký ức đau thương và những địa danh lịch sử. “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm” (tác giả Lê Bá Dương), vần thơ da diết, đầy thương cảm, dù ai đã nghe nhiều lần rồi đều vẫn không thể kìm xúc động khi nghe lại.
“Trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, Quảng Trị được ví như túi bom, là vùng “đất lửa”. Theo thống kê, mỗi người dân huyện Giao Linh, Quảng Trị ngày ấy phải gánh chịu bảy tấn bom, đạn trút xuống”, giọng ông Chức xót xa. Trong chiến tranh, gia đình ông có sáu anh chị ngã xuống bởi chính những hung thần đến từ bầu trời này. Nay hòa bình, ông muốn lưu giữ kỷ vật, những minh chứng cho một thời chiến tranh máu lửa, khốc liệt, đánh đổi cả máu xương, đau thương mất mát để giành độc lập.
Từ những vỏ bom đạn sần sùi, rỉ sét, qua bàn tay tỉ mỉ của ông cùng sự hỗ trợ của các nghệ nhân đã biến thành những vật phẩm tinh tế. Ông chia sẻ: “Sinh ra ở đất lửa Quảng Trị, tôi muốn sưu tập kỷ vật về chiến tranh để thế hệ sau này thấy được, chiến tranh dù khốc liệt nhường nào cũng không thể thắng nổi ý chí và lòng quyết tâm sắt đá của con người Việt Nam”.
Mong muốn của ông bây giờ là sưu tập nhiều kỷ vật, nhiều dấu tích hơn nữa để có thêm nhiều mảnh ghép ký ức chiến tranh, tạo ra địa điểm độc đáo cho cả thế giới biết đến, góp phần tô đậm thêm trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Rời ngôi nhà bom Quảng Trị, tôi không thể kìm nổi niềm xúc động pha lẫn tự hào và biết ơn. Tiễn khách về, ông Chức lại ngâm nga câu hát: “...Mẹ ơi vì nước vì non/ Mất con nhưng Tổ quốc còn hôm nay”.