Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chiêu đãi trọng thể Quốc vương Campuchia Norodom Shihamoni tại Nhà khách Chính phủ, tháng 6/2010. |
"Bác Hồ ở Bắc Bộ phủ" của họa sĩ Tô Ngọc Vân là một trong những sáng tác sớm nhất về vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hình ảnh Người làm việc trong khuôn viên của Bắc Bộ phủ, sau này là Nhà khách chính phủ là hình ảnh mới về một nguyên thủ kiểu mới - quắc thước mà hiền hậu, giản dị. Sự giản dị, đúng mực mà vẫn trang trọng, mến khách cũng là điều từ những ngày đầu phôi thai, Nhà khách chính phủ đã hướng tới.
Thành lập cuối năm 1954, Nhà khách đã ngay lập tức thực hiện chu đáo việc phục vụ các nhu cầu về sinh hoạt và hoạt động của các đoàn cấp cao Đảng và Chính phủ các nước đến thăm ta từ Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng trở lên. Những đoàn khách thăm lúc đó phần lớn là những đoàn khách có thiện cảm với đất nước ta, gắn liền với đấu tranh ngoại giao để giành độc lập. Số lượng khách mỗi lúc một tăng, vì thế, Nhà khách Chính phủ phải mở rộng nhiều lần.
Năm 1969, tăng buồng để đón Nguyên thủ quốc gia. Năm 1975, xây thêm nhà tầng với lượng buồng tăng lên tới 10 lần… Tình cảm của bạn bè quốc tế tăng thêm với đất nước sau mỗi chuyến viếng thăm nhờ lòng hiếu khách của mỗi cán bộ Nhà khách Chính phủ qua các thời kỳ, kể cả trong những ngày gian khó nhất. Liên tục trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Nhà khách đều được phong danh hiệu Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa.
Chuyển đổi từ đơn vị hành chính sang sự nghiệp công lập, Nhà khách Chính phủ tuy có thay đổi cơ cấu hoạt động, song nhiệm vụ chính vẫn là hậu cần cho những hoạt động ngoại giao quan trọng. Nhà khách vẫn đi tiếp, làm tiếp con đường mà lịch sử đã giao. Sự kiện gắn biển di tích cách mạng lịch sử năm 2005 càng khiến cán bộ Nhà khách thấm thía hơn nhiệm vụ chính trị của mình. Nhiệm vụ phục vụ các hoạt động lễ tân đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao, trong chiến tranh cũng như trong thời bình ấy, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO (7/11/2006) các hoạt động đối ngoại diễn ra thường xuyên hơn, đối tượng khách cũng đông hơn và đa dạng hơn. Nhà khách cũng có cơ hội đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ đối ngoại hơn. Công việc phục vụ cũng mỗi lúc một đa dạng: từ phục vụ, chiêu đãi, hội đàm, ký kết đến hội thảo, họp báo quốc tế. Cũng năm 2008, sau đóng góp vào việc tổ chức thành công Hội nghị Ngoại giao 26, Nhà khách đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao tặng bằng khen.
Cũng không thể không nói đến vai trò của Nhà khách Chính phủ trong công tác phục vụ đối ngoại năm 2010 - năm Việt Nam là Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN. Cùng với vinh dự, Việt Nam cũng mang trọng trách tổ chức nhiều hoạt động bên lề cũng như chính thức của Hội nghị. Ngay từ 6 tháng đầu năm 2010, các cuộc đối ngoại diễn ra liên tiếp. Trong tháng 4/2010, Nhà khách cũng đã đóng góp thành công vào 2 cuộc chiêu đãi lớn: Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chiêu đãi những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ ASEAN và Phu nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiêu đãi phu nhân các Trưởng đoàn ASEAN. Tới tháng 7/2010, Hội nghị AMM43/PMC/ARF diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Nhà khách đã phục vụ tốt các hoạt động chiêu đãi, ăn trưa làm việc của Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao, đóng góp vào thành công chung của Hội nghị. Năm 2010, đơn vị cũng có nhiều đóng góp vào các sự kiện ngoại giao ASEAN: từ Hội nghị AMM43/PMC/ ARF (7/2010) tới Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 (10/2010) và các hoạt động bên lề khác.
Nhưng điều quan trọng nhất với một đơn vị giàu thành tích, Nhà khách Chính phủ chưa bao giờ dừng việc đào tạo cán bộ để ngày một thích nghi hơn với môi trường hoạt động luôn giao lưu với khách quốc tế. Với việc chú trọng về chất lượng món ăn và phong cách phục vụ trong các hoạt động đối ngoại, tháng 4/2011, đơn vị tiếp tục với dự án đào tạo 3 năm về nghiệp vụ khách sạn do các chuyên gia Bỉ giảng dạy. Dự án đã mang lại những kiến thức mới về ẩm thực châu Âu cho các cán bộ nhân viên Nhà khách cũng như học viên các đơn vị được mời tham dự.
Bắt đầu từ năm 2010, khi Việt Nam nhậm chức Chủ tịch ASEAN, dự án kết hợp với Phái đoàn Wallonie- Bruxelles có sự tham gia của nhiều chuyên gia khách sạn các nước như Australia, Bỉ… Về phía mình, Nhà khách chính phủ cũng trở thành "đầu mối" liên kết phía Việt Nam, kéo theo rất nhiều đơn vị phục vụ đối ngoại khác từ Văn phòng TƯ Đảng, Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong, Nhà khách Bộ Quốc phòng, một số Sở Ngoại vụ… Các học viên xuất sắc sau khi kết thúc khóa học cũng được cử đi thực tập tại nước ngoài. Dự kiến trong giai đoạn tới, dự án có thể thực hiện tiếp trong giai đoạn 2013-2015.
Giàu truyền thống, lại rất chủ động học tập hội nhập là lý do chúng ta có thể kỳ vọng về một Nhà khách Chính phủ mỗi lúc một tiên tiến, hiện đại. Trong tương quan, các đơn vị "ngoại giao hậu cần" trong nước, có thể thấy rõ Nhà khách Chính phủ đang nắm vai trò đầu tàu, có sức lan tỏa tích cực tới các hoạt động phối hợp chung cùng các đơn vị khác. Điều có thể khẳng định, nhiệm vụ chính trị "ngoại giao hậu cần" của Nhà khách chắc chắn mỗi lúc sẽ mỗi ngày một tốt hơn.
Phạm Hoàng HàTrợ lý Giám đốc Nhà khách Chính phủ