GS. Kim Ngân nhận quyết định phong hàm Giáo sư quốc gia từ Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. (Ảnh: NVCC) |
Từ đàn tranh đến Vật lý
Vừa được Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trao quyết định phong học hàm Giáo sư quốc gia, cảm xúc của bà lúc này thế nào?
Lập nghiệp tại nước ngoài không chỉ phải vượt qua những khó khăn chủ quan mà còn có rất nhiều khó khăn khách quan, khó hơn nhiều so với những người sống tại nước sở tại.
Bởi vậy, bất cứ thành công nào của người Việt nói chung, đặc biệt là của những nhà khoa học người Việt nói riêng, đều là minh chứng cho sự chăm chỉ, cần cù và rất cầu tiến.
Tôi tự hào được đứng trong hàng ngũ các nhà khoa học gốc Việt lập nghiệp thành công ở nước ngoài.
Nẻo đường đến với Vật lý của Giáo sư diễn ra như thế nào?
Tôi thiên về Toán, Lý, Hóa và thường xuyên đứng đầu lớp ở trường phổ thông. Tuy nhiên, tôi lại học nhạc và chơi piano, đặc biệt chơi chuyên nghiệp đàn tranh. Thời niên thiếu, tôi thường xuyên đi biểu diễn trong các buổi hòa nhạc của trường nhạc.
Tuy nhiên, để chọn một nghề thì tôi chọn Vật lý.
Toán đối với tôi thì khô khan vì chỉ làm việc với những phương trình. Hóa nhiều khi cũng nguy hiểm nếu không cẩn thận để xảy ra các phản ứng hóa học...
Trong khi đó, Vật lý là cả thế giới xung quanh. Tôi thích nghiên cứu thực nghiệm, thích tự mình có ý tưởng, thực hiện nó rồi thu được kết quả...
Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình tại phòng thí nghiệm vật lý nhiệt độ thấp tại khoa Vật lý của trường. Sau đó, tôi tham gia nghiên cứu tại Viện Natuurkundig Laboratorium, trường Đại học Amsterdam, Hà Lan.
Học tập và nghiên cứu tại Việt Nam rồi Hà Lan, vậy còn cơ duyên của bà với Ba Lan?
Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Vật lý và Thiên văn tại trường Đại học Amsterdam năm 1993, tôi cộng tác khoa học quốc tế rộng rãi và có nhiều bài báo khoa học đăng chung.
Hợp tác quốc tế rất hiệu quả này được duy trì trong suốt sự nghiệp khoa học của tôi. Hợp tác hiệu quả nhất trong thời gian làm nghiên cứu sinh là tôi đã xây dựng được một hệ đo thực nghiệm cho phòng thí nghiệm tại Amsterdam, hệ đo được khởi động, thu thập và phân tích số liệu hoàn toàn tự động bằng máy tính. Trong các đồng nghiệp mà tôi cộng tác lúc đó, có một đồng nghiệp từ Krakow (Ba Lan) là TS. Zbigniew Tarnawski, người sau này trở thành chồng tôi. Thật sự là khi đó tôi chưa biết gì về Ba Lan, mà chỉ đến đây “theo tiếng gọi tình yêu”.
Chồng tôi làm việc tại trường AGH-Krakow và tiếp tục làm việc ở đó, trong khi tôi bắt đầu sự nghiệp từ số không và hai bàn tay trắng, vì điều kiện nghiên cứu khoa học thời đó ở Ba Lan còn nghèo nàn.
AGH-Krakow là trường rất lớn và quan trọng nhất là có điều kiện nghiên cứu khoa học nên chồng tôi tiếp tục được đề tài nghiên cứu đã làm ở Amsterdam.
Tôi làm việc ở Trường Sư phạm Krakow. Không có điều kiện tiếp tục đề tài như tôi làm ở Amsterdam, tôi phải chuyển sang đề tài vật lý bề mặt, đến nay là vật lý nano. Tôi xây dựng phòng thí nghiệm cấu trúc nano từ nguồn tiền tài trợ của Hội đồng châu Âu trong chương trình phát triển và đổi mới Trường Sư phạm Krakow, dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh làm quen với chuyên ngành này.
GS. Kim Ngân tại phòng thí nghiệm của trường. (Ảnh: NVCC) |
“Quê hương là chùm khế ngọt”
Dù sống và làm việc ở Ba Lan nhưng bà có rất nhiều hoạt động gắn bó nơi quê nhà?
Như bất cứ người Việt xa xứ nào, tôi luôn hướng về quê hương, vì “quê hương là chùm khế ngọt”.
Như phần lớn các nhà khoa học Việt, khi đã đạt thành công và có vị trí nhất định, việc đầu tiên là tôi rất muốn giúp đỡ thế hệ trẻ Việt Nam trong khoa học.
Bước đầu, tôi hợp tác khoa học với đồng nghiệp tại Việt Nam, tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
Thứ hai, để mở rộng mạng lưới cộng tác, tôi mời các nhà khoa học Việt Nam tham quan các viện, trường tại Ba Lan, đặc biệt là các hoạt động trên cơ sở các hiệp định ký kết hai bên về hợp tác.
Thứ ba, cũng là bước quan trọng nhất là hợp tác trong đào tạo nghiên cứu sinh người Việt. Việc giúp đỡ có hiệu quả phải cần có vị trí vững trong khoa học để có thể tìm nguồn tài chính, tìm được nơi làm việc thích hợp cho nghiên cứu sinh tại trường, cũng như làm cầu nối đến các viện, trường khác.
Là Chủ nhiệm chương trình đào tạo nghiên cứu sinh về vật lý, sau đó là thành viên Ban điều hành đào tạo nghiên cứu sinh của trường, tôi đã giúp đỡ các nghiên cứu sinh người Việt, kể cả việc tìm giáo sư hướng dẫn đề tài nghiên cứu thích hợp.
Hiện tại, tôi là thành viên Ban chấp hành của Hội Khoa học công nghệ Việt Nam tại Ba Lan. Một trong mục tiêu chính của Hội là tổ chức hội thảo thường niên cho sinh viên Việt Nam tại Ba Lan.
Nói chung, tất cả các nhà khoa học Việt mà tôi biết đều có chung mục đích là giúp đỡ thế hệ khoa học trẻ Việt. Nó gần như là một phản ứng tự nhiên, là lẽ đương nhiên. Vì khi chúng tôi bắt đầu sự nghiệp cũng được các thế hệ trước giúp rất nhiều và nay đến lượt chúng tôi giúp đỡ thế hệ trẻ hơn. Không ai suy nghĩ gì nhiều, cứ thấy có cơ hội nào đó là tìm cách giúp.
Vậy Việt Nam trong lòng bà như thế nào?
Tôi rất nhớ Việt Nam, thường về quê tham gia các hội nghị quốc tế và du lịch. Trước dịch Covid-19, cứ mỗi hai năm cả nhà tôi lại về Việt Nam, có những năm vợ chồng tôi về hai lần.
Tôi đưa chồng đi rất nhiều nơi, từ Bắc chí Nam, vì tôi muốn giới thiệu đất nước, con người Việt Nam và chồng tôi cũng rất thích thiên nhiên, quan tâm đến lịch sử Việt Nam.
Chúng tôi đến đất mũi Cà Mau, Hà Tiên, U Minh Thượng, Phú Quốc, Đồng Tháp Mười, chợ nổi Cái Răng, Hội An, Đà Nẵng, cố đô Huế, động Thiên Đường, Tràng An, Hạ Long… trèo lên núi Bài Thơ, chạm đỉnh Fansipan, lội suối Lenin, thăm và ngồi trong hang Cốc Bó…
Tôi không chỉ là nhà khoa học, mà vẫn là phụ nữ Việt truyền thống, thích nấu nướng, làm bánh, may vá, đan, móc. Bà và mẹ tôi là phụ nữ Hà Thành gốc nên từ nhỏ tôi đã nấu thạo các món Việt truyền thống, gói bánh chưng không cần khuôn.
Tôi cũng nấu rất thạo các món truyền thống Ba Lan và nhiều món Âu, vì đây luôn là cách giải tỏa tinh thần hữu hiệu khỏi công việc khoa học khá nặng đầu, đồng thời là phương thức chăm lo gia đình. Khi mời các bạn Âu đến nhà, không thể thiếu món nem rán và món cuốn Việt.
Tôi còn tự làm giò lụa, chả quế... Khi trời nóng, tôi nấu chè đỗ đen, thạch đen với hạt chân châu, chè đỗ xanh với hạt sen, hay chè hạt sen long nhãn...
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6 triệu kiều bào, trong đó có nhiều trí thức hoạt động ở nhiều lĩnh vực. Theo bà, Việt Nam cần làm gì để khơi thông nguồn lực này nhằm phát triển đất nước?
Theo tôi, cần tạo điều kiện để trí thức kiều bào có thể tiến hành công việc ở Việt Nam. Chúng tôi rất hiểu những khó khăn ở Việt Nam về nghiên cứu khoa học nên không đặt nặng vấn đề tài chính khi giúp đỡ Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện được một đề tài nghiên cứu mang lại hiệu quả, chắc chắn cần nguồn tài trợ.
Ở châu Âu nói chung, các đề tài hợp tác đều dựa trên cơ sở hai bên cùng đóng góp và cùng thực hiện. Cho nên, sự đóng góp tài chính cụ thể từ phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt cho chúng tôi tìm được nguồn tài chính từ nước sở tại.
GS Kim Ngân là người Việt đầu tiên của Việt Nam bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Vật lý và Thiên văn tại trường Đại học Amsterdam (Hà Lan) từ năm 1993, nữ Giáo sư quốc gia về vật lý đầu tiên trong toàn bộ lịch sử gần 80 năm của Trường Sư phạm Krakow. Bà đã nhận Huân chương của Ủy ban Giáo dục quốc gia, Bộ Giáo dục Ba Lan cho thành tựu giảng dạy và đào tạo sinh viên nghiên cứu sinh. |